14/02/2025 11:24 GMT+7

Lập di chúc cho con gái 70%, con trai 30% tài sản được không?

Tôi có 2 người con, 1 trai đã lấy vợ được 5 năm, 1 gái chưa lập gia đình đang sống cùng vợ chồng tôi. Nay tôi muốn lập di chúc chia tài sản cho con gái 7 phần, con trai 3 phần, bao gồm tiền tiết kiệm gửi ngân hàng và căn nhà đang sinh sống.

Giải đáp giúp tôi các nội dung sau:

1. Di chúc vợ chồng tôi đồng ý như nội dung trên. Nội dung không được sửa đổi khi một trong hai người mất trước, người sau còn sống không được thay đổi.

2. Di chúc được lập ra không cho 2 con biết và các con không cần xác nhận đồng ý hưởng được không?

3. Về con trai theo luật hôn nhân, tài sản được hưởng sau hôn nhân, vợ của con trai được đồng hưởng gia tài của cha mẹ để lại?

4. Về con gái, tài sản được lập di chúc trước hôn nhân. Vậy người con gái lấy chồng sau khi vợ chồng tôi di chúc thì người chồng có được đồng hưởng tài sản không?

5. Di chúc tôi có thể lập cùng một nội dung ở hai cơ quan pháp luật hay cơ quan công chứng được không?

- Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:

Lập di chúc cho con gái 70% tài sản thế nào? - Ảnh 1.

Luật sư Lê Văn Hoan

Chương 22 Bộ luật Dân sự quy định "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết". Người lập di chúc có quyền:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc, điều 640 Bộ luật Dân sự quy định:

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Với quy định như trên, trường hợp vợ hoặc chồng lập di chúc chung đã chết, người còn sống vẫn có thể sửa đổi di chúc đó. Tuy nhiên, người này chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình mà không có quyền thay đổi phần di chúc của người đã chết.

Không cần các con biết và đồng ý với di chúc:

Điều 624 quy định "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết" và "Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế" tức thời điểm người lập di chúc chết.

Như vậy việc lập di chúc như thế nào, định đoạt tài sản ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc; không cần người có tên trong di chúc biết, đồng ý và người lập di chúc có thể nhờ người khác giữ di chúc, công bố di chúc.

Tài sản thừa kế riêng:

Theo điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 33 và khoản 1 điều 40 của luật này.

Như vậy, nếu người lập di chúc để lại tài sản của mình sau khi chết cho con (trai, gái) thì chỉ con trai, gái mới là người được thừa kế và là tài sản riêng. Con dâu, con rể không có quyền đối với tài sản mà con trai, con gái được thừa kế riêng mặc dù là đang trong thời kỳ hôn nhân.

Cùng nội dung di chúc nhưng lập ở 2 nơi:

Theo khoản 3 điều 640 Bộ luật Dân sự thì "trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ".

Như vậy nếu cùng một nội dung thì di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Do vậy việc người lập di chúc với cùng một nội dung tại hai nơi là không cần thiết vì chỉ di chúc sau mới có hiệu lực pháp luật.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Lập di chúc cho con gái 70% tài sản thế nào? - Ảnh 2.

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.

Lập di chúc cho con gái 70% tài sản thế nào? - Ảnh 2.Nghỉ hưu trước tuổi, tiền lương hưu hằng tháng tính thế nào?

Tôi công tác tại một trường tiểu học từ năm 1984, giờ tôi có được nghỉ hưu trước tuổi không? Chế độ thế nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên