Phóng to |
Anh Ninh Quang Thịnh và anh Danh Hữu Khoa đi khắp các KCX-KCN tại TP.HCM và Bình Dương suốt một tuần nhưng chưa tìm được việc - Ảnh: ĐÌNH DÂN |
Nhiều ngày qua chúng tôi theo chân một số thanh niên đi xin việc làm tại nhiều công ty trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương, nhưng nhiều người phải thất thểu ôm hồ sơ ra về...
Đỏ mắt tìm việc
Suốt hơn một tuần nay, anh Ninh Quang Thịnh và anh Danh Hữu Khoa rong ruổi khắp các KCX-KCN ở các quận 7, 9, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương nhưng vẫn không kiếm được chỗ làm. Đi đến đâu Thịnh và Khoa cũng nhận được câu trả lời từ phía các chủ doanh nghiệp là “không tuyển nam nữa”. Sau đó, Thịnh và Khoa vào trung tâm giới thiệu việc làm ở KCX Linh Trung thì được giải thích: “Tuần này không có đơn hàng tuyển nam, tuần sau các em quay lại”.
Nếu doanh nghiệp tuyển 100 người thì đến 80 người là nữ Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hepza, cho biết theo những đơn hàng tuyển dụng mà trung tâm nhận được trong thời điểm này, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ hơn nam. Tỉ lệ chênh lệch khá cao, nếu doanh nghiệp cần tuyển 100 người thì đến 80 người là nữ. Trung tâm đã từng đặt vấn đề thẳng với các doanh nghiệp vì sao chỉ nhận nữ mà không nhận nam, nhiều doanh nghiệp cho rằng lao động nữ có nhiều lợi thế hơn như tỉ mỉ, cẩn thận... và dễ quản lý hơn. Theo ông Hồ Ngọc Lâm - trưởng phòng quản lý lao động của Hepza, hiện trong các KCX-KCN tại TP.HCM, tỉ lệ lao động nữ tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên 70%. |
Lao động nam rất ít cơ hội
Theo khảo sát nhanh về thị trường lao động của Viện Khoa học xã hội, đến thời điểm này có 30-35% doanh nghiệp ngành gỗ tạm ngưng hoạt động vì khó khăn. Trong khi đó theo Hepza, ngoài cơ khí thì ngành gỗ là ngành sử dụng phần lớn lao động nam. Vì vậy khi nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tạm ngưng hoạt động, phần công việc dành cho nam càng ít. Bên cạnh đó có một thực tế là hiện nay nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận họ sợ nhận lao động nam sẽ khó quản lý.
Ông Hùng, tổng giám đốc một công ty có hai cơ sở đóng tại TP.HCM và Bình Dương, cho biết: “Công ty của tôi hạn chế nhận lao động nam, chỉ khi nào không tuyển được lao động nữ chúng tôi mới tuyển nam. Lý do là lao động nam hay đánh nhau và thường quậy phá...”.
Bà Trần Thị Hà Bình, trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty TNHH Pungkook Saigon III (Bình Dương), cho biết do đặc thù công việc là may mặc nên công ty có đến 87% lao động nữ. Theo bà Bình, nếu một vài bộ phận cần tuyển nam thì giám đốc xưởng phải xuống xem mặt và kiểm tra lý lịch, hạnh kiểm rất gắt gao.
Anh Huỳnh Lê Khánh, giám đốc phòng tổng vụ Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I), cho biết việc tuyển ít lao động nam một phần do cơ cấu và đặc thù của công việc. Công ty Nissei với công việc chính là lắp ráp điện tử nên cần sự cẩn trọng và tỉ mỉ cao, đức tính này phù hợp với lao động nữ. Hiện Công ty Nissei có 90% lao động nữ, 10% lao động nam làm công việc nặng ở bộ phận cơ khí.
Theo điều 5 Bộ luật lao động, mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc... Điều 13 bộ luật này cũng quy định: “Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội”. Theo đó, khi tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp được quyền tuyển chọn lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật. Khi đó, tùy loại công việc mà họ có thể chọn nam nhiều, nữ ít hoặc ngược lại. Thế nhưng cần lưu ý rằng nếu công việc đó nam hay nữ đều làm được thì doanh nghiệp không được phép “chê” nam để chỉ chọn nữ hoặc ngược lại. Bởi lẽ theo luật định, người lao động không phân biệt nam, nữ có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận