07/06/2006 11:32 GMT+7

Lào Cai: lại phát hiện đồ đồng Đông Sơn

Theo Lao động
Theo Lao động

Phát hiện mới đã góp phần chứng tỏ nơi đầu nguồn "con sông Hồng chảy vào nước Việt" là mảnh đất vốn đã là của cư dân các vua Hùng cách đây hơn hai ngàn năm.

RKH1RFjM.jpgPhóng to
Chiếc đinh ba và rìu xéo đồng vừa được phát hiện
Phát hiện mới đã góp phần chứng tỏ nơi đầu nguồn "con sông Hồng chảy vào nước Việt" là mảnh đất vốn đã là của cư dân các vua Hùng cách đây hơn hai ngàn năm.

Nhờ ý thức bảo vệ di sản của nhân dân địa phương huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, một nhóm hiện vật đồng của văn hóa Đông Sơn vừa được phát hiện. Nơi tìm được là một thung lũng có cảnh quan đẹp thuộc địa phận của bản Bẻ, xã Chiềng Keng, ven con suối Nậm Tha chảy ra Nậm Lếch để hợp lưu đổ ra sông Hồng.

Hiện vật độc đáo chưa tìm thấy ở bất cứ nơi đâu là chiếc đinh ba còn nguyên vẹn. Chiếc đinh ba này không chỉ có 3 mũi như cách hiểu thông thường mà có đến 4 mũi nhọn, từng mũi lại có ngạnh. Đây là một vũ khí lợi hại có độ sát thương cao. Đinh ba không có họng mà có chuôi tra vào cán. Chiều dài 13cm, chiều rộng 7,5cm. Mặc dù được chôn khoảng hai ngàn năm trong lòng đất, nhưng chất liệu kim loại còn tương đối tốt.

Từ trước tới nay, loại vũ khí này rất hiếm gặp. Ở vùng ven sông Hồng, ở địa điểm Gò De, xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, Phú Thọ cũng từng đào được 1 chiếc đinh ba có họng và 3 mũi nhọn nhưng đã bị gãy vỡ nhiều.

Cùng tìm được một chỗ với chiếc đinh ba còn có chiếc rìu xéo còn nguyên dạng, có họng hình thấu kính, trang trí hoa văn đường gân nổi trên mặt lưỡi, là loại hình rìu xéo điển hình của văn hoá Đông Sơn.

Được biết, cũng tại xã Chiềng Keng, cách đây vài chục năm, khi còn "chiến dịch" đào đãi vàng, ở ngay đầu nguồn suối Nậm Tha, người dân còn tìm được nhiều đồ đồng Đông Sơn như: 2 giáo đồng, 1 lưỡi rìu xoè cân, 2 lưỡi rìu xéo và mảnh đồng có hoa văn...

Phát hiện mới về khảo cổ học ở Văn Bàn, Lào Cai tuy không nhiều hiện vật, nhưng đã bổ sung vào lịch sử dựng nước và giữ nước 1 loại vũ khí độc đáo và thể hiện trình độ đúc đồng cao của cư dân văn hóa Đông Sơn. Phát hiện này cũng đã góp phần làm rõ hơn bức tranh thời đại các vua Hùng.

Một địa điểm gần như hẻo lánh, xa trung tâm kinh đô Văn Lang đương thời mà đã có cư dân sinh sống, chứng tỏ miền núi Tây Bắc khi đó cũng đã là một bộ phận hợp thành quan trọng của nhà nước sơ khai thời này. Phát hiện này cũng cho thấy vai trò quan trọng của đôi bờ sông Hồng từ đoạn thành phố Lào Cai cho đến ngã ba sông Việt Trì, Phú Thọ.

Hàng chục chiếc trống đồng tìm được ở Lào Cai, chiếc thạp Đào Thịnh đẹp nhất tìm được ở Yên Bái, khu vực dày đặc các địa điểm khảo cổ ở Phú Thọ, nay lại đến phát hiện chiếc đinh ba độc đáo ở Văn Bàn. Phải chăng con sông Hồng là tuyến đường văn minh quan trọng bậc nhất trong thời cổ đại, điều đó cũng hé mở một giả thiết khoa học quan trọng: Từ một vùng trung tâm đầu nguồn sông Hồng, Lào Cai, Yên Bái, một tộc người lớn mạnh, đứng đầu là An Dương Vương Thục Phán đã xuôi dòng sông Hồng để về khu vực tương truyền là kinh đô Văn Lang nhận bàn giao quyền lực từ tay các vua Hùng xây nên một quốc gia cổ đại hùng mạnh hơn: Nước Âu Lạc như truyền thuyết đã kể lại.

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên