Lãnh đạo TP.HCM thăm 47 nhà giáo tiêu biểu, nhà giáo lão thành

PHÚC ĐIỀN - V.HÀ
PHÚC ĐIỀN - V.HÀ

TT - Ngày 15-11, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM và lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn thăm và chúc mừng 47 nhà giáo tiêu biểu, nhà giáo lão thành nhân 30 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Đến thắp hương cố GS Vũ Đình Hòe, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT sáng 15-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã gửi đến gia đình cố GS sự tri ân những đóng góp của GS cho giáo dục nước nhà, nhân cách của GS là tấm gương sáng để các thế hệ nhà giáo học tập và noi theo.

Sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã đến thăm gia đình PGS.TS Lý Hòa, anh hùng lao động, nguyên hiệu trưởng ĐH Tổng hợp và GS TS Nguyễn Thành Sương, nguyên phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế - tài chính. Phó chủ tịch tri ân những đóng góp của các bậc thầy trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ông cũng trình bày với những nhà giáo lão thành định hướng sắp tới thành phố sẽ đầu tư kinh phí cho hoạt động đào tạo ngành y, nâng chất lượng dạy ngoại ngữ cho học sinh phổ thông cũng như tăng cường máy móc thiết bị cho thực nghiệm và nghiên cứu khoa học ở trường ĐH.

Ông Dương Quan Hà, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cũng đến thăm GS.TS Nguyễn Tấn Phát và GS.TS Trần Chí Đáo, nguyên giám đốc ĐHQG TP.HCM. Chiều 15-11, đoàn đại biểu Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND do ông Nguyễn Thanh Chín - ủy viên thường trực HĐND - làm trưởng đoàn tiếp tục đến thăm và chúc mừng ba nhà giáo tiêu biểu là nhà giáo Lê Thế Dõng, nguyên hiệu trưởng ĐH Mở; GS.TS Ngô Kiều Nhi, nhà giáo nhân dân, Trường ĐH Bách khoa, và nhà giáo ưu tú Phan Thị Nở, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.

* Để đổi mới, phát triển giáo dục, xây dựng một xã hội học tập, người thầy cần được coi trọng và quan tâm hỗ trợ một cách toàn diện. Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm “Vai trò và vị thế của nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập, hòa nhập, sáng tạo và bền vững” do Hội Khuyến học VN, UNESCO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức ngày 15-11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Bà Katherine Muller Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng xã hội đòi hỏi cao ở giáo viên, nhưng kỳ vọng đối với họ còn lớn hơn khi Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng một xã hội học tập, đòi hỏi đối với nhà giáo sẽ cao hơn. Nhưng cũng cần đặt ra việc phải làm gì để mang lại cho nhà giáo một môi trường thuận lợi trong thời gian sớm nhất, giúp nhà giáo hoàn thành tốt công việc của họ.

PHÚC ĐIỀN - V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên