19/03/2016 09:20 GMT+7

Lãnh đạo nghỉ giữa chừng không cần viết đơn xin từ nhiệm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo quốc tế (chiều 18-3) giới thiệu nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: V.Dũng
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: V.Dũng

* VNeconomy: Xin cho biết nhân sự cụ thể ứng cử ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội?

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp sẽ dành thời gian kiện toàn nhân sự nhà nước. Nhân sự cụ thể sẽ có sự giới thiệu cụ thể tại mục nhân sự của kỳ họp. Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định về nhân sự cụ thể.

Chúng ta kiện toàn nhân sự mới để tạo tinh thần mới, động lực mới, khí thế mới thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.

* Tuổi Trẻ: Nhiệm kỳ của những người giữ các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn kết thúc cùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, tức khoảng cuối tháng 7. Nếu chuyển giao trong tháng 4, nghĩa là phải có sự tự nguyện của những người đang giữ các vị trí sẽ chuyển giao. Xin ông cho biết đến thời điểm này đã có vị trí nào gửi đơn xin từ nhiệm chưa?

- Nhiệm kỳ của những người giữ các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn là 5 năm. Trong thời gian này Quốc hội có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Theo quy định tại điều 10 Luật tổ chức Quốc hội thì cá nhân những người giữ các chức danh đó có thể viết đơn xin từ chức, đồng thời điều 11 cũng có quy định với những người do cơ quan có thẩm quyền trình để thay thế thì không cần phải có đơn.

* Tiền Phong: Thưa ông, nếu chưa có đơn thì đến nay đã có cơ quan nào trình để miễn nhiệm một số chức danh chưa?

- Như tôi đã trả lời là yêu cầu không cần thiết phải có đơn. Đó là theo điều 11 Luật tổ chức Quốc hội. Chúng ta phải chờ đến gần ngày mới rõ cơ quan có thẩm quyền trình thế nào.

* Tuổi Trẻ: Tại sao kỳ họp này Quốc hội dành thời gian cụ thể là 10 ngày rưỡi để tiến hành công tác nhân sự, thưa ông?

- Việc bố trí thời gian như vậy căn cứ vào một số nội dung, quy trình theo quy định của luật. Miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... đều theo quy trình, tức là miễn nhiệm bằng phiếu kín, sau đó kiểm phiếu rồi mới tiến hành thủ tục bầu người mới.

Quy trình vẫn như vậy, chứ không phụ thuộc nhiều vào danh sách dài hay ngắn.

* Đại biểu nhân dân: Ông bình luận gì về việc có nhiều người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là các văn nghệ sĩ?

- Các văn nghệ sĩ ứng cử nhiều chứng tỏ họ rất yêu quý Quốc hội. Nhưng vào Quốc hội không chỉ là hát hay, mà phải có năng lực để làm luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Chứ nếu chỉ hát hay mà không đủ tiêu chuẩn, năng lực thì rất khó thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Nếu vừa hát hay vừa có năng lực của một đại biểu Quốc hội thì càng tốt. Tất nhiên cử tri sẽ quyết định bầu cho những người ứng cử nào.

Thông qua 7 dự án luật

Theo trình bày của Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 21-3 và dự kiến bế mạc ngày 12-4.

Ngoài việc dùng 10 ngày rưỡi để tiến hành công tác nhân sự, Quốc hội dành 4 ngày rưỡi để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015 và 5 năm 2011-2015; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao...

Ngoài ra sẽ dành 4 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, Luật thuế nhập khẩu (sửa đổi).

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên