06/09/2020 20:30 GMT+7

Lãnh đạo Bộ Công thương giải trình về giải pháp để Việt Nam không thiếu điện

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Để đảm bảo nhu cầu phát triển nguồn điện, đến giai đoạn 2030 Việt Nam có thể phải nhập khẩu 10 triệu tấn khí hóa lỏng và 20 triệu tấn than mỗi năm.

Lãnh đạo Bộ Công thương giải trình về giải pháp để Việt Nam không thiếu điện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 7-9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan sẽ có phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".

Nhu cầu tăng cao nhưng nhiều dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Công thương trước phiên giải trình, sự phát triển kinh tế - xã hội (đặc biệt là việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua) khiến nhu cầu điện tại Việt Nam ngày một tăng cao, sản lượng điện đã tăng khoảng 10 lần từ năm 1990 tới năm 2019.

Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỉ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỉ kWh).

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, hàng loạt dự án đã được đầu tư theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/ năm.

Nhưng đến giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).

Các nguồn điện truyền thống (than, khí, nhiệt điện - chủ yếu là nhiệt điện than) bị chậm tiến độ. Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng xây dựng nguồn điện truyền thống chỉ đạt khoảng 60% so với khối lượng quy hoạch.

Việc chậm tiến độ xảy ra ở cả miền Bắc và miền Nam, với tổng công suất nguồn điện truyền thống chậm tiến độ lên tới hơn 7.000 MW so với quy mô công suất trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cụ thể, có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 bị chậm tiến độ sau năm 2020, đáng kể như Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3 (chưa đầu tư)…

Trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) lại tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch (do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước). 

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ cuối năm 2018 đến hết năm 2019, đã đưa vào vận hành gần 5.000 MW điện gió và điện mặt trời.

Năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện Việt Nam dự kiến đạt 247,2 tỉ kWh, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 215,2 tỉ kWh. So sánh với sản lượng điện sản xuất đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì sản lượng điện sản xuất thực tế đạt được 93,3%.

"Trong khi các nguồn vốn dành cho phát triển điện lực ngày càng gặp nhiều khó khăn nhưng ngành điện vẫn đảm bảo việc cung ứng điện và ngày càng khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế" - báo cáo nêu.

Lãnh đạo Bộ Công thương giải trình về giải pháp để Việt Nam không thiếu điện - Ảnh 2.

Các nguồn thủy năng lớn có thể khai thác điện ở nước ta đều đã được đầu tư khai thác gần hết. Trong ảnh là đập Nhà máy thủy điện Sơn La - Ảnh: NGỌC QUANG

Sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc

Bộ Công thương phân tích, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030.

"Điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỉ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỉ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỉ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỉ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh" - báo cáo nêu rõ.

Tuy vậy, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025. Để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, phải nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Một trong những giải pháp trước mắt được đề nghị là tiếp tục khai thác hợp lý các nguồn điện mặt trời và điện gió. Các nguồn điện này cần được bổ sung sớm để đưa vào vận hành trong các năm từ 2021 - 2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ.

Tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào, đảm bảo tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000MW, đồng thời xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

"Tăng cường việc tuyên truyền, triển khai các phương pháp sử dụng tiết kiệm điện" cũng là một trong những giải pháp quan trọng được báo cáo đề cập.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nhà máy điện khí tới năm 2030 của Việt Nam đạt trên 27.000 MW. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022 (sản lượng khí Đông Nam Bộ sẽ suy giảm rất nhanh từ mức 11 tỉ m3 năm 2022 giảm xuống còn gần 3 tỉ m3 năm 2030), Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)  cho sản xuất điện. Lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/ năm vào năm 2030.

Dự kiến đến năm 2030, nhiệt điện than đạt khoảng gần 50.000 MW chiếm khoảng 33,6% tổng công suất lắp đặt nguồn điện. Theo các dự tính mới nhất, khối lượng nhập khẩu than năm 2030 là khoảng 20 triệu tấn. Các nhà máy điện than xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030 đều đã xác định phương án cung cấp than.

Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, chỉ trong vòng 5 năm (2013-2018) cải thiện thứ hạng được 129 bậc từ vị trí 156/189 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2013 vươn lên vị trí 27/190 vào năm 2018. Đặc biệt, năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, tăng 37 bậc so với năm 2017 và vươn lên vị trí thứ 4 khu vực ASEAN.

Thiếu điện: giải quyết ra sao? Thiếu điện: giải quyết ra sao?

TTO - Tình trạng thiếu điện có thể xảy ra trong thời gian tới khi nắng nóng, hoặc sự cố của các nhà máy điện lớn... Tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết đã chủ động có giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo nhu cầu điện cho năm 2020.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên