Âu đó cũng là điều dễ hiểu và được chấp nhận rộng rãi. Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2 cũng vậy, báo chí và các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội thường nói đến những bậc tiền bối, những người thầy trong nghề và những gương mặt dù trẻ nhưng có những đóng góp quan trọng nổi bật cho nền y học nước nhà.
Đó là sự ghi nhận của xã hội đối với đội ngũ những người thầy thuốc và của thế hệ sau đối với những người đi trước.
Riêng trong bài viết này, tôi xin được nói về những con người đóng góp một phần cực kỳ to lớn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng phần lớn trong số họ thường âm thầm đứng sau những vinh quang, những ghi nhận.
Đó là hàng vạn điều dưỡng và hộ lý đang ngày đêm trực tiếp chăm sóc, nâng đỡ sự sống mong manh của hàng triệu bệnh nhân. Nếu một lần thức xuyên đêm trong bệnh viện tại các trại bệnh, đặc biệt là tại khoa cấp cứu và các đơn vị hồi sức tích cực, chúng ta mới cảm nhận rõ ràng nhất gánh nặng công việc và áp lực tâm lý của cái nghề làm dâu trăm họ này.
Nhân viên y tế là những con người bằng xương bằng thịt, cũng có điểm mạnh, khiếm khuyết, cũng có những niềm vui, nỗi sợ, những âu lo cơm áo gạo tiền thường nhật. Nhưng khi khoác lên người chiếc áo của nghề y, đại bộ phận đều cố quên đi những nỗi lo ấy để chu toàn trách nhiệm. Không chỉ là trách nhiệm chuyên môn mà còn là trách nhiệm ứng xử và nhân văn nữa.
Tôi từng nhiều lần quan sát thấy bệnh nhân nặng đang nguy kịch đến tính mạng, điều dưỡng chạy tất tả suốt đêm, đến khi giao ca sáng không còn đủ sức dùng bữa ăn đã quên khi đêm. Có lần bệnh nhân rối loạn tiêu hóa, mới hì hụi thay tã, thay vải trải giường, lau tắm cho bệnh xong chưa kịp hít thở không khí không nặng mùi thì lại tất tả cho lần đi tiêu tiếp theo. Cứ thế suốt đêm.
Với những bệnh nhân nặng hôn mê, dĩ nhiên mọi công việc dù là nhỏ nhất cũng phải do điều dưỡng và hộ lý. Những bệnh nhân vừa thoát mê, vừa qua cơn hiểm nghèo lại thường kích động và không ít bệnh nhân loạn thần.
Chăm những người bệnh như vậy còn gian nan gấp bội phần. Không hiếm lần bệnh nhân chửi rủa, xỉ vả điều dưỡng bằng những ngôn từ gây đau đớn. Lặng lẽ khóc. Lặng lẽ lau nước mắt. Và lặng lẽ chăm sóc bệnh trong đêm. Nếu không có tinh thần trách nhiệm và tấm lòng, rất khó để những người phụ nữ kia đi qua được những đêm trực kinh hoàng như vậy.
Không có lời tán dương nào, không có ống kính nào ghi lại những khoảnh khắc ấy. Dĩ nhiên không có bó hoa nào tặng cho những đêm dài như vậy. Nhưng tôi nhìn thấy những đồng nghiệp mình, điều dưỡng và hộ lý, là những bông hoa đã, đang và sẽ lặng thầm tỏa hương dâng cho đời.
Tôi biết đây đó vẫn còn những gương mặt cau có, những lời nói chối tai, những hành vi cần chấn chỉnh. Nhưng tôi vẫn vững chắc một niềm tin rằng họ, những bông hoa lặng thầm ấy, luôn ý thức được lương năng của chính mình và phẩm giá của một nghề luôn đồng hành với nỗi đau của đồng loại.
Tôi tin rằng cộng đồng sẽ có cái nhìn đa chiều hơn, nhân văn hơn, cảm thông hơn. Trong khi chờ đợi những điều tốt đẹp ấy thì những tấm lòng thơm thảo, xin cứ lặng thầm tỏa hương. Và gió sẽ mang đi. Đến mọi ngõ ngách của cuộc đời bao la này.
“Tôi từng nhiều lần quan sát thấy bệnh nhân nặng đang nguy kịch đến tính mạng, điều dưỡng chạy tất tả suốt đêm, đến khi giao ca sáng không còn đủ sức dùng bữa ăn đã quên khi đêm |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận