21/01/2013 07:01 GMT+7

Lắng nghe cơ thể mình

BÍCH HƯỜNG
BÍCH HƯỜNG

TT - Tôi là phụ nữ tuổi 40. Vòng bụng cứ tăng dần khó giữ lại. Theo lời khuyên của bạn bè, tôi đến trung tâm thẩm mỹ tập cho giảm mập. Huấn luyện viên cẩn thận bấm sẵn tốc độ trên máy phù hợp với độ tuổi và tình trạng bệnh của tôi, rồi bảo tôi chỉ nên tập ở tốc độ này.

Lúc mới tập tôi hơi chóng mặt, nhưng huấn luyện viên nói sẽ quen. Mấy ngày sau tôi làm quen dần nhiều loại máy. Phòng tập có nhiều em gái dáng đẹp như người mẫu đi bộ trên máy tốc độ cao rất hấp dẫn tôi. Tôi thầm ước ao rồi tự động tăng tốc độ đi bộ lên. Hơi chóng mặt, nhưng không sao! Đầu óc tôi mơ đến một ngày dáng mình sẽ được như mấy em đó. Huấn luyện viên nhắc tôi giảm tốc độ xuống vừa sức mình: “Mấy bạn kia còn trẻ nên có thể tập nhanh”. Tôi lịch sự gật đầu cho qua chuyện.

Càng ngày tôi càng thấy chóng mặt. Mọi người khen tôi dạo này dáng “mi nhon” hơn làm tôi càng hăng. Thời gian sau, tôi chóng mặt hơi nhiều, rồi đau lưng, đau đầu gối. Tôi càng cố tập càng mệt mỏi, khó ngủ. Tôi than tình trạng của mình với huấn luyện viên, anh ấy khuyên tôi nên giảm tốc độ, nhưng đó là điều tôi hoàn toàn không muốn nghe.

Nghe tôi kêu đau và hay mệt, chồng tôi sốt ruột khuyên đi khám bác sĩ chuyên cơ xương khớp. Bác sĩ hỏi han và không hề ngạc nhiên khi nghe tôi kể chuyện tập thẩm mỹ. Sau đó, bác sĩ kể hóm hỉnh: “Nhiều lần tôi đi qua các trung tâm thẩm mỹ thấy rất nhiều chị em ẹo qua ẹo lại, vung tay rất khí thế, sau đó đều trở thành bệnh nhân của tôi”. Bác sĩ giải thích: nhiều chị em bị đau xương khớp là do tập thẩm mỹ quá sức và không đúng cách. Bác sĩ khuyên ở tuổi tôi tốt nhất là “đi đều chứ không nên đi nhiều”.

Tôi uống thuốc, nghỉ tập một thời gian. Khi trở lại phòng tập, tôi đi bộ chậm theo lời bác sĩ. Bền bỉ, kiên nhẫn, tôi khỏe hẳn ra. Tôi kết hợp chuyện ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý nên người tôi không mập ra. Như vậy, cố sức tập thể dục nhiều khi lợi bất cập hại, mà quan trọng là phải biết lắng nghe cơ thể mình để chọn cách tập vừa sức!

Tránh nóng vội

Phụ nữ tiền mãn kinh có thể tiềm ẩn một số bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp... cần được bác sĩ khám và điều trị cũng như tư vấn chương trình tập phù hợp cho từng người. Người chưa quen tập luyện nên bắt đầu bằng bơi lội hoặc tập vận động dưới nước 1-2 tháng để cơ thể thích nghi dần rồi chuyển sang tập thể dục với máy và các môn yêu thích khác (khiêu vũ, tennis, đi bộ, đạp xe...). Tránh nóng vội tập quá nhanh hoặc quá nhiều dẫn đến quá tải gây chấn thương và bị đuối sức dần.

BS Tô Minh Châu (Hội Y học thể thao TP.HCM)

Hội chứng tập luyện quá mức

Ngành y có bệnh lý gọi là hội chứng tập luyện quá mức. Đây là hội chứng gây ra các rối loạn thần kinh - nội tiết do một chuỗi quá trình tập quá sức mà không đủ thời gian nghỉ ngơi hay nghỉ ngơi không hợp lý, ví dụ như việc đánh tennis vào giữa trưa đến chiều rồi lại tiếp tục “chiến đấu” trên bàn nhậu. Đối với quý cô đó là việc nóng lòng đạt mục tiêu giảm cân bằng việc tăng cường độ, nhịp độ tập. Biểu hiện của hội chứng này là người tập thấy mình mau mệt dù tập y như hôm trước, khối lượng tập bị giảm đi, mệt mỏi triền miên, nhịp tim không giảm mà tăng, các cơ bị đau, sụt ký, ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc. Việc giải quyết hậu quả của hội chứng này chủ yếu là cần thời gian nghỉ ngơi dài (tính bằng tháng), vẫn giữ chế độ tập luyện nhưng mức độ rất thấp, thấp hơn cả người bình thường và sẽ tăng dần lên thật chậm. Khi sự mệt mỏi kéo dài lâu hơn sáu tháng, chúng ta sẽ có hội chứng mệt mỏi mãn tính.

BS TĂNG HÀ NAM ANH

BÍCH HƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên