22/12/2019 11:30 GMT+7

Làng mộc Đông Khương: Thưa cha chúng con sẽ về

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Làng mộc Đông Khương (Điện Bàn, Quảng Nam) tưởng đã nguội lạnh thì nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (65 tuổi) đã đi tìm thợ về nhóm lửa hồi sinh.

Làng mộc Đông Khương: Thưa cha chúng con sẽ về - Ảnh 1.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp với một tác phẩm mỹ nghệ chuẩn bị đưa đi trình diễn tại hội chợ sản phẩm làng nghề - Ảnh: T.B.D

Tới nay, mộc Đông Khương đã gầy dựng trở lại được 12 cơ sở, hộ gia đình. Ba đứa con ông Tiếp dù tốt nghiệp ĐH, có người đi làm gần chục năm nhưng cũng quyết định bỏ phố về làm bạn cùng cái đục, cái chàng kế nghiệp cha.

Lụi tàn từ những năm 1930 - 1945

Trụ sở của làng nghề mộc mỹ nghệ Đông Khương được chính quyền bố trí khu đất rộng rãi nằm cạnh tuyến đường dẫn vào khu làng nghề tập trung. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp là người được giao nhiệm vụ coi sóc, điều hành làng nghề tới nay.

Những nghệ nhân lớn tuổi nghề mộc thuật lại rằng làng Đông Khương vốn có tên cũ là làng Đông Yên Chợ Củi, thuộc phủ Điện Bàn. Một giai đoạn trong lịch sử, ngôi làng này là nơi sinh ra những tay đục tài hoa. Mộc Đông Khương được người dân làm ra và theo tàu đưa về để lắp ghép, bày biện trong những gian nhà rường cổ nổi tiếng từ tỉnh Quảng Nam ra tới nhiều tỉnh miền Trung.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp là thế hệ thứ tư trong gia đình theo nghề. 14 tuổi, ông Tiếp đã cầm đục theo cha vào tận Hội An đóng nhà gỗ. Ông nói rằng với người làng ông, không ai lớn lên mà không mang theo một chút tài hoa như một tài sản mà tổ tiên để lại.

Thanh niên chạm trổ khéo tay tới nỗi có những bức tranh gỗ, nhiều người khi được nhìn qua hình liền tìm tới gặp bằng được người thợ. Nhưng vì nhiều lý do, làng nghề "đắp chiếu" vào những năm 1930 - 1945.

Năm 1946, làng mộc ngày nào đông vui vang tiếng gõ đục trở thành ngôi làng chết. Không một ai còn duy trì xưởng đục, ngoại trừ ông nội và bố của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp.

Hồi sinh làng chết

Ông Tiếp kể rằng không ai ở Đông Khương không xót xa khi thấy nghề của cha ông để lại bị thất truyền. Một giai đoạn dài hàng chục năm, tưởng chừng như những cái đục, cái chàng đã phủ bụi trong ký ức của người làng, những con người tài hoa lần lượt mất đi, lớp trẻ bỏ quê đi ra thành phố làm ăn nhưng mộc Đông Khương vẫn sống âm ỉ như một đóm lửa nhỏ.

Ông Tiếp kể trước khi ông nội ông qua đời, ông nội gọi ông Tiếp và cha ông đến, đặt vào tay hai cha con một cây đục được truyền qua nhiều đời như muốn gửi gắm về một nghề từng nuôi lớn bao thế hệ người làng. Cuộc sống người làng quá khó khăn, ông Tiếp một mình vừa chạy vạy cùng vợ làm ruộng để nuôi con, đêm về lại lôi đục ra hí hoáy làm đồ cho khách.

Bước ngoặt của ông Tiếp lẫn làng nghề diễn ra vào năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương khôi phục các làng nghề, những nghệ nhân giàu tâm huyết nhất còn bám trụ ở các ngôi làng được đưa đi học việc, huấn luyện kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường. Trong hàng trăm nghệ nhân cầm đồ nghề đến Hội An lúc ấy dưới sự bảo trợ của Tổ chức JICA có ông Tiếp.

Năm 2009, mộc Đông Khương bỗng bất ngờ được xướng tên mạnh mẽ để sánh vai với các làng mộc mỹ nghệ trong vùng thợ miền Trung. Ông Tiếp vào làng tuyển chọn những thanh niên giỏi, tìm người có ý chí để đưa về đào tạo nghề. Có đơn đặt hàng, xưởng mộc của ông Tiếp lại có sức sống hơn.

Ông Tiếp bảo rằng nếu chỉ một mình gia đình ông làm nghề thì sẽ không đa dạng được, mỗi tay đục lại có một khả năng đặc biệt, sự tài hoa riêng nên ông vào làng tuyển chọn thanh niên về học việc. Hiện những lớp học nghề chạm khắc do ông đứng lớp được miệt mài mở trong hàng chục năm, hết khóa này tới khóa khác.

"Thưa cha, chúng con sẽ trở về..."

221219dong khuong 2 (read-only)

Bộ sưu tập các đồ nghề chạm trổ mỹ nghệ cổ do tổ tiên nhiều đời truyền lại tại làng mộc Đông Khương - Ảnh: T.B.D.

Những ngày này ghé vào làng mộc Đông Khương sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh từng tốp thợ trẻ ngồi học việc, tỉ mẩn đục đẽo tại các xưởng mộc. Trong lớp thợ trẻ ở Đông Khương hiện nay có ba nhân vật đặc biệt: đó là ba người con trai của ông Tiếp.

Anh Nguyễn Văn Tình - con trai cả và cũng là thợ mộc mỹ nghệ lành nghề ở làng Đông Khương - cho biết anh từng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, bảy năm làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước nhưng thấy cha không dứt ra được khỏi nghiệp tổ, năm 2009 anh quyết định bỏ việc quay về làng cầm dùi đục. Hai em trai của anh là Nguyễn Văn Ân và Nguyễn Văn Ái sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Huế cũng đã quyết định cầm bằng trở về theo chân cha vào xưởng đục.

Ông Tiếp nói ông hay tâm sự với các con rằng việc trở thành người kế nghiệp và vực dậy làng nghề như một sự lựa chọn mà tiền nhân mộc Đông Khương đã trao đặt vào số phận của ông, muốn chối từ cũng không được.

"Nhưng với các con, tôi vẫn khuyên các cháu hãy tự do lựa chọn nghề nghiệp mà các con thích; cha không ép các con phải ôm bằng trở về quê cũ. Nhưng cả ba cháu khi học xong đều nói rằng muốn về để kế nghiệp thay cha gánh vác điều hành làng nghề" - ông Tiếp nói.

Làng tơ trăm năm ở Nam Định lên AFP Làng tơ trăm năm ở Nam Định lên AFP

TTO - Hãng tin AFP (Pháp) mới đây có bài giới thiệu về làng tơ tằm trăm năm Cổ Chất ở Nam Định.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên