20/02/2015 01:22 GMT+7

​Lặng lẽ thành “người Google”

LAN ANH
LAN ANH

TTXuân - Không có máy tính kể cả khi đã vào lớp chuyên tin, lại khởi đầu môn học này bằng điểm số rất “thảm”, nhưng rốt cuộc trở thành kỹ sư phần mềm của Google.

Phạm Tuấn Hưng cùng các đồng nghiệp tại trụ sở của Google
Phạm Tuấn Hưng cùng các đồng nghiệp tại trụ sở của Google

Phạm Tuấn Hưng (28 tuổi, Hải Phòng) cứ lặng lẽ gây bất ngờ bằng sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng theo cách của riêng mình.

Điểm 0 đầu tiên

Ra đi để trở về

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Hưng “bật mí”: “Mình lúc nào cũng mong muốn được sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Điều kiện học tập và làm việc ở Mỹ tuy tốt hơn ở nhà, nhưng về mặt cuộc sống thì mình nghĩ ở nhà vui hơn, mọi người dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho nhau hơn. Mình luôn muốn gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên”.

Ít ai biết rằng trước khi lên đường du học, Hưng từng chia sẻ với thầy giáo TS Trương Anh Hoàng của mình: “Em muốn đi Mỹ, học tập và làm việc trong vòng mươi năm, rồi sẽ trở về Việt Nam. Ra đi cũng là để trở về”.

Có lẽ ít ai ngờ bài kiểm tra tin học đầu tiên của một “người Google” ở ngay lớp chuyên tin lại là… điểm 0 tròn trĩnh. Nhưng điểm số ấy hóa ra lại không khó để lý giải khi trước đó Hưng không biết tin học là gì, bản thân cũng chưa từng sở hữu chiếc máy tính nào để “sờ mó”, mày mò.

Điểm số thảm hại đầu tiên ám ảnh khiến Hưng không nghĩ mình sẽ gắn bó được với công nghệ thông tin.

Song chính cậu học trò điểm 0 ấy đã làm thầy cô và bạn bè bất ngờ khi lọt vào đội tuyển tin của Trường THPT chuyên Trần Phú,  Hải Phòng, rồi liên tiếp hai lần giành giải học sinh giỏi quốc gia môn tin, tham gia đội tập huấn dự tuyển Olympic tin học quốc tế, được tuyển thẳng vào lớp chất lượng cao Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Đến bây giờ Hưng vẫn thừa nhận mình không hề nuôi ước mơ du học sớm như bạn bè cùng học chuyên. Đến năm thứ ba ĐH, trong một buổi sinh hoạt tại Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ FYT (trực thuộc FPT), vị khách mời khi đó là TS Vũ Thành Tự Anh có hỏi các bạn sinh hoạt tại FYT: “Những ai ở đây muốn du học?”. Tất cả đều giơ tay, trừ Hưng và một người bạn.

Nhưng cũng chính từ đó Hưng bắt đầu tìm hiểu thông tin về du học với suy nghĩ rất giản dị “các bạn làm được thì mình cũng làm được”.

Song để “làm được” không phải dễ dàng, cho dù Hưng có điểm xuất phát rất tốt của một học sinh chuyên giàu thành tích. Bạn bè thừa nhận hồi học phổ thông tiếng Anh của Hưng chỉ ở mức “xoàng”. TS Trương Anh Hoàng - chủ nhiệm bộ môn công nghệ phần mềm Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội - nhớ như in cậu trò của mình khi tốt nghiệp ĐH khả năng ngoại ngữ vẫn rất “vừa phải”.

Nhưng cũng như lúc mới đến với tin học, sự khởi đầu khó khăn chỉ càng làm tăng thêm động lực ở chàng trai giàu ý chí. “Câu trả lời cho nỗ lực không ngừng của Hưng chính là học bổng từ năm trường ĐH của Mỹ, một trường ĐH từ châu Âu và một từ Trường ĐH Quốc gia Singapore” - TS Hoàng nói.

May mắn nhờ… chăm chỉ

Nhiều bạn bè khi nhắc đến Hưng đều chung nhận định: thành tích bất ngờ, thậm chí đến mức gây sốc của Hưng vẫn đang ở phía trước bởi cậu luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng một cách rất lặng lẽ cho mục tiêu của mình. TS Michael Whalen - giám đốc đào tạo Trung tâm công nghệ phần mềm Trường ĐH Minnesota, nơi Hưng theo học nghiên cứu sinh - cũng khẳng định Hưng không chỉ thông minh mà còn rất chăm chỉ.

“Đáng nhớ nhất là khi chúng tôi cùng nhau đi tìm lời giải về an toàn của thông tin khi truyền qua các trang web. Tôi đã yêu cầu Hưng làm cho cách tiếp cận của chúng tôi tổng quát hơn. Ngay tuần sau đó, bất ngờ Hưng không chỉ giải quyết được mà còn ánh xạ sang một nhánh khác của toán học gọi là số Catalan và giải thích tại sao trên thực tế cách tiếp cận này lại rất hiệu quả” - TS Michael Whalen nói.

Thực tế từ thời ĐH, khi các bạn còn đang mải học lo trả bài thì Hưng đã viết bài báo gửi đến hội nghị, các tạp chí chuyên ngành và là sinh viên “hàng hiếm” có bài được đăng trên tạp chí khoa học. Thông thường, nghiên cứu sinh ngành khoa học máy tính ở Trường ĐH Minnesota trung bình mất sáu năm để tốt nghiệp, Hưng hoàn tất chỉ sau ba năm  rưỡi học. Suốt quá trình học tập ở Mỹ, Hưng đạt điểm tuyệt đối ở tất cả các môn (4.0/4.0) và giành nhiều học bổng cho nghiên cứu sinh xuất sắc.

Ngay khi chưa hoàn thành khóa học trên đất Mỹ, Hưng đã cùng lúc nhận được lời mời làm việc chính thức tại hàng loạt thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Microsoft, Amazon, GE Global Research…. Cuối cùng, lựa chọn của Hưng đến từ hấp lực của một nơi sẽ đem lại nhiều dự án thú vị và trên hết bởi trước đó Hưng đã được gắn bó với một dự án đầy nhân văn của Google.

Năm 2012, trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại ĐH Minnesota, Hưng được nhận vào thực tập tại NASA và Google. Dừng chân ở Google, Hưng được làm việc cùng các kỹ sư của Google để cải thiện cách thức các video trên ứng dụng YouTube đến gần hơn với những người khiếm thính. “Khi đó, trong nhóm làm việc của mình có những người bị khiếm thính, khiếm thị thật nhưng họ còn làm việc hăng say hơn người bình thường.

Cả thời gian thực tập cho đến tận bây giờ, mỗi ngày mình lại thấm hơn tinh thần làm việc hết mình của đồng nghiệp tại Google. Dù nhiều người tài năng, hồ sơ cá nhân rất “khủng”, nhưng không ai ỷ rằng mình giỏi, mình tài nên có quyền được lơ là, kém nhiệt huyết. Không riêng Google, mình thấy ở nhiều công ty khác của Mỹ cũng vậy, dù ở vị trí nào mọi người đều rất chăm chỉ làm việc…” - Hưng chia sẻ.

Có lẽ đó cũng chính là lý do mà khi được hỏi về thành tích của Hưng phải chăng do may mắn, TS Trương Anh Hoàng - người thầy hướng dẫn khóa luận ĐH cho Hưng - chỉ đáp lại ngắn gọn: “May mắn đến với Hưng từ sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng…”. 

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên