17/10/2008 03:04 GMT+7

Lần theo Hương rừng Cà Mau - Kỳ 2: Đi tìm chiếc ghe ngo

Ghi chép của LÝ LAN
Ghi chép của LÝ LAN

TT - Sóc Ven đẹp không ngờ: con rạch nhỏ, chiếc cầu bắc ngang rất cao, giữa lòng rạch một tàu chở lúa đầy ắp đậu cạnh bến nước của chùa, bờ rạch dọc khu vườn quanh chùa xây kè đá, trồng hoa cỏ nhiều màu vui mắt.

Qua cầu, theo con đường đất qua nhà mát, cổng chào là tới làng người Khơme, sinh hoạt giản dị. Nghe giải thích: sóc là làng, ven là rạch. Mỗi sóc thường có một ngôi chùa, nếu vị sãi cả trụ trì chùa lâu quá mà vẫn còn khỏe mạnh thì người ở vị trí chờ kế thừa sẽ tách ra lập chùa mới. Do vậy ở đây có chùa Sóc Ven cũ và chùa Sóc Ven mới, nằm cách nhau vài trăm thước ở hai bên bờ con rạch. Thuở nhà văn Sơn Nam viết truyện Chiếc ghe ngo vốn chỉ có một chùa Sóc Ven, và theo chi tiết trong truyện thì chùa Sóc Ven có bùa.

WTDyS4CY.jpgPhóng to
Chiếc ghe ngo ở chùa Sóc Ven mới đang được sửa sang để chuẩn bị cho mùa đua mới - Ảnh: Nguyễn Trọng Tín

Vì ngán bùa, và để tôn trọng tín ngưỡng của người khác, tôi chỉ dám đứng xa xa cái mái nhà che trên chiếc ghe ngo mà chiêm ngưỡng. Tôi nghe nói ghe ngo là hiện thân của rắn thần Naga, chỉ dùng để bơi đua trong dịp lễ đưa nước, ngoài ra chỉ để bên hông chùa như vật thờ thiêng liêng chứ không dùng cho sinh hoạt ngày thường, phụ nữ bị cấm lại gần kẻo ghe bị ô uế. Khi biết lý do tôi đứng xa như vậy, người ta cười ồ bảo: Bây giờ không kiêng kỵ nữa, bên Sóc Trăng, bên du lịch - thể thao còn tổ chức cho cả phụ nữ đua ghe ngo!

Tôi bèn mạnh dạn tới gần coi cho kỹ, thấy có dấu ghép của nhiều tấm ván khác nhau. Lý do: ghe cũ mỗi lần đua đều phải sửa sang, kiểu mục đâu thay đó nên lần hồi chỉ còn hai cái be là cốt cũ trăm năm. Quay phim chụp ảnh đã đời thì té ra đây không phải là chiếc ghe ngo cũ nhứt. Hồi xưa chùa có hai chiếc ghe ngo, khi tách chùa (thập niên 1970) chiếc ghe cũ đã được chia của cho chùa mới, còn chùa cũ thì giữ chiếc ghe mới.

Dắt nhau qua chùa mới tìm thì hỡi ơi, ghe cũ nằm rệu rã, ván mục tiêu điều. Những người trong “câu lạc bộ đua ghe ngo” - một tổ chức tập hợp các tay bơi để luyện tập và thi đấu, giải thích: Hồi xưa chỉ đua ghe ngo một lần vào dịp lễ đưa nước, nay một năm đua bảy tám lần, 30-4 cũng đua, Quốc khánh cũng đua, đua ở huyện rồi đua ở tỉnh, qua tỉnh bạn đua, lên cả trên Phnom Penh đua luôn nên ghe mau hư. Chiếc ghe ngo này kể như đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhà nước cấp tiền cho đóng chiếc ghe ngo mới, tiền gỗ trên một trăm triệu, tiền công mấy chục triệu nữa...

Chiếc ghe mới đóng chưa sơn phết, dài 27m, gồm khoảng sáu miếng gỗ dày thật dài ghép lại. Bây giờ không thể tìm đâu ra một thân cây sao đủ cao đủ to để khoét rỗng ruột làm thành một chiếc ghe ngo đúng nghĩa thuyền độc mộc như truyền thống. Tôi tiếc nuối kiểu hoài cổ: bây giờ biết tìm đâu ra một chiếc ghe ngo độc mộc? Anh em câu lạc bộ đua ghe ngo nhao nhao đáp: có một chiếc ở Hà Nội, đem từ đây ra đó để làm bảo tàng. Mắt tôi sáng lên: Làm sao đem được một chiếc thuyền độc mộc dài gần 30 thước đi xa như vậy? Trả lời: Người ta cắt ghe ngo làm ba khúc, đóng thùng, chở ra ngoài đó ráp lại. Quả vạn vật đều biến đổi, như Sơn Nam đã viết trong đoạn kết của truyện Chiếc ghe ngo.

Người ở chùa Sóc Ven đính chính một chi tiết trong truyện của Sơn Nam: Người Khơme không đua ghe ngo vào lễ rước nước như Sơn Nam viết mà vào lễ đưa nước. Lễ rước nước vào rằm tháng tám (âm lịch), chỉ thả bè chuối có hoa quả nhang đèn để tạ lỗi chứ không đua ghe. Tôi thắc mắc: tạ lỗi gì, tại sao tạ lỗi? Sư cụ giải thích: “Mình sống nhờ đất, nước, mà làm nhiều điều không phải, như tiêu tiểu trên đất, nước là có lỗi. Khi nước giận tràn về, mình phải tạ lỗi. Rằm tháng chín nước chan đồng, rằm tháng mười nước rút là nước hết giận, lại cho mình phù sa đất tốt, mình mừng lắm, đua ghe ngo để đưa nước đi”.

Lục cụ Tăng Liên trong truyện ngắn Chiếc ghe ngo trụ trì một chùa không được nêu đích danh, địa điểm phát hiện chiếc ghe ngo năm sáu trăm tuổi cũng là bí mật. Nhưng người địa phương một mực bảo bối cảnh truyện Chiếc ghe ngo chính là ở xã Định An, huyện Gò Quao này.

Đến đây chợt nhận ra điều thú vị trong mối tương quan, hay sự lẫn lộn, giữa văn chương và cuộc sống. Những buồn vui, cũng như sự yêu quý và lòng nhiệt thành của người dân nơi đây đối với chiếc ghe ngo khiến tôi tưởng đọc thấy trong ánh mắt nét mặt của mỗi người những dòng chữ Sơn Nam miêu tả tâm trạng lục cụ và hương quản Hem.

Viết bằng lòng kính trọng và cảm thông, truyện Chiếc ghe ngo thể hiện tư tưởng văn hóa dân tộc rất sâu sắc. Nhà văn đặt mình vào tâm thế của người Khơme, cũng là tâm thế của người Việt bị quyền lực thực dân áp chế, để viết lên tâm trạng lục cụ và hương quản một cách thành công tuyệt đối, về giá trị văn chương. Nếu đem so với lời ăn tiếng nói và câu chuyện của những người dân Sóc Ven đang đứng quanh đây về chiếc ghe ngo, văn chương của Sơn Nam tươi rói chất hiện thực và hiện đại.

Càng đi sâu về rừng U Minh, càng cảm nhận sự sống động và tươi rói của những vấn đề mà Hương rừng Cà Mau đặt ra nửa thế kỷ trước, giữa đức tin và khoa học, đạo nghĩa và tình người, giữa người với người, người với thiên nhiên.

---------------------------------------------

Kỳ 3: Theo cô Út về rừng

Ghi chép của LÝ LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên