14/02/2015 17:32 GMT+7

Làn sóng từ U-19

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG
TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG

TTXuân - Lứa U-19 của bóng đá Việt Nam trong năm qua đã trở thành một hiện tượng. Bất cứ giải đấu nào có đội bóng này tham gia, khán đài đều kín chỗ. Hiện tượng đó đã như một làn sóng, đánh thức niềm đam mê đá bóng của trẻ con thành phố…

Hàng loạt sân bóng mini lót cỏ nhân tạo ra đời là chuyện đã diễn ra cách đây nhiều năm tại TP.HCM. Tuy nhiên, những sân bóng đó thu hút chủ yếu giới trẻ và trung niên. Còn lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng vẫn bị các bậc phụ huynh kèm cặp bắt học và học! Tuy nhiên trong năm qua, khi lứa U-19 với thành phần chủ lực là các cầu thủ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal-JMG “ra ràng” đã tạo cho nhiều người một góc nhìn mới. Thấy Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều…chững chạc, cư xử có văn hóa thể hiện một sự học hành đàng hoàng, nhiều phụ huynh ngộ ra: À, vẫn có thể học hành đàng hoàng và đá bóng hay.

Tìm một chỗ chơi ngon lành

Tại TP.HCM, tìm một sân chơi lành mạnh vừa không ảnh hưởng đến chuyện học văn hóa, vừa giúp con em thỏa chí tang bồng với quả bóng là một điều không dễ. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ thì khác. Như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Phong, phụ huynh em Nguyễn Minh Tâm - học sinh Trường tiểu học Huỳnh Kiến Hoa (quận 5): "Con tôi năm nay học lớp 4. Dù cháu rất mê bóng đá, nằng nặc đòi học đá bóng nhưng mới tuổi này tôi cũng không rõ năng khiếu chơi bóng của cháu đến đâu để gửi đến những lò đào tạo chuyên nghiệp. Trường học không có điều kiện về giờ giấc cũng như sân bãi. Tôi cũng không dám để nó một mình đi theo bạn bè đá bóng trên các sân bóng bên ngoài".

Được một số phụ huynh khác truyền miệng, ông Phong đưa con đến CLB bóng đá Thăng Long trên đường An Dương Vương (Q.5), một lớp học bóng đá dành cho trẻ em được thành lập từ cách đây bảy năm nhưng chỉ thật sự “đắt khách” trong năm qua nhờ làn sóng U-19. Mang danh là một "câu lạc bộ" nhưng Thăng Long FC không thuộc một đội bóng chuyên nghiệp nào mà chỉ được thành lập và đứng lớp bởi HLV Nguyễn Thành Nam, giáo viên thể dục đang giảng dạy ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng. Hiện CLB bóng đá Thăng Long thu hút khá đông học viên, với khoảng 100 học sinh trong độ tuổi 6-12 theo học.

Ban đầu cốt chỉ muốn tìm một sân chơi lành mạnh cho con trai nhưng sau một năm học tại đây, ông Phong giờ đây lại ấp ủ giấc mơ cho con mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ông Phong kể: "Từ ngày vào CLB Thăng Long, con tôi được thi đấu cọ xát rất nhiều với các bạn đồng trang lứa, thậm chí còn tham gia nhiều giải bóng đá thiếu nhi trên khắp cả nước và đạt được thành tích khá tốt. Quan điểm của gia đình tôi rất thoáng, sẵn sàng cho con mình đi theo bất kỳ ngành nghề nào miễn sao cháu có năng lực và đam mê".

HLV Nguyễn Thành Nam cho biết một lớp học bóng đá ở CLB Thăng Long học 4 buổi/tuần. Trong đó, hầu như cứ hai tuần một lần anh lại cho các cầu thủ nhí của mình đi thi đấu giao lưu với các CLB khác. Bên cạnh đó, CLB cũng thường xuyên tham dự những giải đấu thiếu nhi ở TP.HCM lẫn toàn quốc. 

Ở TP.HCM hiện có khá nhiều lớp học bóng đá dành cho cầu thủ nhí giống CLB Thăng Long như CLB Phú Nhuận, CLB Friendship... Ra đời muộn hơn Thăng Long FC nhưng CLB Phú Nhuận của HLV Vũ Trường Chinh nhận được sự đầu tư tốt của Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận kết hợp với các trường tiểu học trong quận nên chỉ sau hai năm thành lập, đội bóng đá nhí quận Phú Nhuận trở nên rất nổi tiếng trong giới bóng đá học đường. Ở Giải bóng đá U-10 toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 7, CLB Phú Nhuận đã giành chức vô địch. 

Lập câu lạc bộ vì… con

Trong số các CLB bóng đá trẻ em ở TP.HCM, CLB Friendship ở quận Bình Thạnh tuy không có nhiều thành tích nổi bật nhưng lại nổi danh về độ "chịu chơi". Nói vậy là bởi người lập nên CLB - ông Nguyễn Trà Giang - vốn là một phụ huynh trong lớp và việc ông thành lập CLB Friendship hoàn toàn đến từ nhu cầu tìm sân chơi thể thao cho hai con trai. 

Cứ 3 buổi/tuần, ông Giang thuê hẳn cụm sân cỏ nhân tạo mini Bình Lợi (gồm ba sân) trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) cho lớp học bóng đá của con mình tập luyện. Ông Giang còn mời một đội ngũ HLV có trình độ cao, tốt nghiệp trường đại học TDTT về giảng dạy tại CLB bóng đá của mình. Thậm chí trong CLB còn cả HLV Nguyễn Đình Hưng, người mới đây không lâu còn dẫn dắt những đội bóng ở V-League như Hải Phòng, Khánh Hòa...

Thêm vào đó, ông Giang còn đùa vui CLB của ông còn nổi tiếng với sự xuất hiện của nhiều "ngoại binh" là các học sinh có cha mẹ là người nước ngoài đang sinh sống ở VN. Có "cơ sở vật chất" vào loại tốt nhất trong nhóm các CLB bóng đá thiếu nhi ở TP.HCM nhưng mức học phí tại CLB Friendship rất rẻ, chỉ 350.000 đồng/tháng. Với chừng 40 học viên, số tiền học phí này thậm chí chưa đủ để trả tiền sân, những chi phí sinh hoạt còn lại của CLB đều do ông Giang và một số phụ huynh khá giả bỏ tiền túi ra lo.

Ông Gebhard Dilger, doanh nhân người Đức sinh sống ở TP.HCM có hai con trai Ricky và Lucio đang học ở CLB Friendship, nói: "Tôi cho con theo học trong một trường dạy tiếng Đức ở TP.HCM nhưng cũng như nhiều trường khác ở VN, trường con tôi học không có sân chơi thể thao. Khi biết bạn mình (ông Nguyễn Trà Giang) lập CLB bóng đá trẻ em, tôi lập tức cho con vào học ngay. Ở Đức, những CLB bóng đá trẻ em như thế này rất phổ biến và thường mỗi một trường học đều gắn với một CLB riêng".

Ông Giang nói: "Trường học ở VN hầu như không có sân bãi nên có muốn phát triển thể thao học đường ngay trong nhà trường rất khó. Tôi từng đi nhiều nơi, thấy ở nước ngoài có hình thức lập các CLB bóng đá trẻ em, trong đó họ vừa tạo ra một lớp học bài bản, đào tạo kỹ năng đàng hoàng, vừa gầy dựng nên một sân chơi với nhiều giải đấu, trận đấu giao hữu cho các em. Những CLB như vậy đã chuyên nghiệp mà lại vui vẻ, mang lại không khí thi đua rất lành mạnh cho thiếu nhi. Điểm đặc biệt là những CLB này đều kết hợp với trường học nên phụ huynh cũng cảm thấy an tâm khi gửi con đến học".

Cảm hứng từ Công Phượng, Xuân Trường...

Chị Nguyễn Thị Ngà, mẹ của cầu thủ nhí Lê Quang Hiển (10 tuổi, học Trường Đặng Văn Ngữ), thổ lộ: "Có một lần tôi xem được clip các cầu thủ U-19 trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh khá lưu loát. Tôi hi vọng con mình ngoài chuyện theo nghiệp đá bóng cũng có được kiến thức, học hành giỏi giang như vậy. Bởi ngộ nhỡ sau này con tôi không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như kỳ vọng, nó biết lấy gì để sống?". Khi được hỏi về thần tượng bóng đá của mình, cậu bé Quang Hiển cũng đáp mau lẹ: "Con hâm mộ nhất là anh Xuân Trường của đội U-19 VN. Anh Trường vừa đá phạt hay vừa nhìn rất hiền”.

HLV Nguyễn Thành Nam cho biết sự xuất hiện của lứa cầu thủ U-19 Học viện Hoàng Anh Gia Lai đã đem đến một luồng gió mới cho các lò đào tạo bóng đá trẻ ở VN khi hình ảnh những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… vừa đá bóng hay, vừa học giỏi giờ đây trở thành mơ ước chung nhiều trẻ em. Anh Nam nói: "Tôi vốn là một cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng  vì tài năng có điểm dừng nên quyết định chuyển sang đường học hành và tốt nghiệp Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM. Vì vậy tôi rất thấu hiểu sự lo lắng của phụ huynh những cầu thủ trẻ về tương lai con em mình. Trong CLB của tôi, tôi luôn răn đe học sinh của mình về việc học hành ở trường bên cạnh việc chơi bóng".

Cho con đi học bóng đá với mơ ước nuôi dưỡng tài năng chuyên nghiệp, nhưng phần lớn phụ huynh lại chọn CLB vì môi trường giàu tính giáo dục. Chị Nguyễn Ngọc Loan, phụ huynh em Trần Hoàng Thanh đang học lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM), chia sẻ lý do sở dĩ chị gửi gắm con cho Thăng Long FC cũng bởi CLB này cạnh ngay... trường học. Chị Loan nói: "Con tôi muốn học đá bóng từ lâu nhưng tôi lại ngại những tệ nạn thường xảy ra trên sân bóng như ẩu đả, văng tục, chửi thề... Tình cờ một hôm hai mẹ con đi ngang qua đường An Dương Vương, thấy bên cạnh Trường THCS Lý Phong (quận 5) có một CLB bóng đá trẻ em. Tôi nghĩ sân bóng nếu đã nằm cạnh trường học thì cũng như một sân chơi thể thao học đường lành mạnh. Tôi tìm hiểu tiếp thì biết thầy Nam vốn là một giáo viên có uy tín trong Trường tiểu học Trần Bình Trọng...".

Sau một thời gian cho con học ở CLB bóng đá Thăng Long, phần đông phụ huynh đều hài lòng với môi trường bóng đá lành mạnh ở đây. Dù chỉ là một lớp học thể thao bên ngoài nhưng HLV Nguyễn Thành Nam duy trì cho CLB bóng đá của mình nề nếp sinh hoạt tương tự như trong trường lớp. Ngoài những bài giảng, giáo án về bóng đá, suốt buổi học thầy Nam rèn cho các học trò của mình từng tiếng dạ thưa.

Chơi và học phải song hành

Ông Lê Văn Tám, ông ngoại em Lê Thanh Phong (10 tuổi), nhà ở tận quận Tân Phú, cách sân bóng Thăng Long cả chục cây số nhưng đều đặn một tuần bốn buổi lại chở cháu đến đây học chơi bóng. Ông Tám cho biết trước đây cũng từng cho cháu ngoại theo học một trung tâm đào tạo bóng đá gần nhà. Nhưng sau một thời gian, ông lẫn ba mẹ Thanh Phong đều lo ngại khi thấy trung tâm này quá chăm bẵm vào chuyên môn dạy đá bóng.

Ông Tám nói: "Cháu tôi còn nhỏ, năng khiếu chưa biết đã đến đâu, việc học trên trường đối với độ tuổi này vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy tôi rất ngại khi thấy trung tâm dạy bóng đá cũ quá khắt khe khi bắt các học sinh nhỏ tuổi phải ăn ngủ hàng giờ với bóng đá. Ở CLB Thăng Long thì trái lại, thầy Nam không những đào tạo kỹ năng chơi bóng cho học sinh mà còn rất quan tâm vấn đề học hành của các cháu. Mỗi học kỳ, thầy Nam đều kiểm tra sổ điểm của các cháu, em nào học hành sa sút sẽ không cho đi học bóng đá nữa". 

Tương tự, ông Nguyễn Thế Kim, trưởng hội phụ huynh CLB Phú Nhuận, cho biết các HLV ở đây rất quan tâm đến tình hình học hành của học sinh. Cứ hằng tháng HLV Vũ Trường Chinh lại hỏi han kết quả học tập ở trường của các em, học trò nào học kém, ông Chinh còn dọa không cho tập bóng đá ở CLB nữa. Thậm chí thấy cảnh nhiều phụ huynh đưa con đến lớp lúc nào cũng bồn chồn, hối thúc con mình về nhà sớm để vội tắm rửa học bài, ông Chinh còn xin phép Trung tâm TDTT Phú Nhuận dành riêng  một phòng hội trường để các học trò của mình có nơi "học thêm" ngoài giờ đá bóng. Thế là cứ tan trường lúc 16g30, các cầu thủ nhí của CLB Phú Nhuận lại có hơn một giờ tại phòng hội trường tranh thủ làm bài tập trước khi ra sân tập luyện lúc 18g. 

[box]"Có một lần tôi xem được clip các cầu thủ U-19 trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh khá lưu loát. Tôi hi vọng con mình ngoài chuyện theo nghiệp đá bóng cũng có được kiến thức, học hành giỏi giang như vậy"

Phụ huynh NGUYỄN THỊ NGÀ

[/box]

[box]Cuốn hút dân chuyên nghiệp

Ít ai ngờ được trong một sân chơi phong trào dành cho cầu thủ nhí như CLB Friendship lại có cả HLV chuyên nghiệp như ông Nguyễn Đình Hưng, người mới cách đây ba năm còn dẫn dắt đội Hải Phòng. Ông Hưng chia sẻ: "Sau khi rời Hải Phòng, tôi đưa con gái vào TP.HCM để học. Nhận lời mời của vài người bạn cũ, tôi đến sinh hoạt tại CLB Friendship cùng các cháu nhỏ để giải khuây. Ban đầu chỉ là vậy nhưng sau một thời gian, sự hồn nhiên của các cháu nhỏ và không khí đào tạo bóng đá lành mạnh ở đây cuốn hút tôi".[/box]

[box]Đi học miễn phí

HLV Vũ Trường Chinh của CLB Phú Nhuận cho biết do lớp học của ông được hỗ trợ từ Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận nên các học sinh trong lớp năng khiếu đi học hoàn toàn miễn phí. Những học sinh học ở lớp phong trào với học phí 150.000 đồng/tháng, em nào chơi tốt sẽ được đôn lên lớp năng khiếu. CLB Thăng Long cũng tương tự khi học phí dành cho lớp học cơ bản là 250.000 đồng/tháng, còn với những em vào được lớp năng khiếu không phải đóng học phí. 

Điểm đặc thù của các CLB này là chỉ nhận đào tạo lứa tuổi nhỏ, như CLB Phú Nhuận là U-14, còn CLB Thăng Long là U-12. HLV Nguyễn Thành Nam cho biết một số cầu thủ nhí có năng khiếu trong lớp của ông sẽ được giới thiệu lên các lò đào tạo chuyên nghiệp như PVF hoặc Hoa Lư. Sau nhiều năm thành lập, CLB bóng đá Thăng Long đã cho ra lò khá nhiều cầu thủ trẻ tiềm năng.[/box]

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên