04/09/2019 14:30 GMT+7

Làn sóng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam - đường lớn đã mở!

KIM HÂN
KIM HÂN

TTO - Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Làn sóng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam - đường lớn đã mở! - Ảnh 1.

Tại Việt Nam đang có nhiều loại hình kinh tế chia sẻ, phát triển khá nhanh, từ vận tải, phòng nghỉ cho tới văn phòng làm việc - Ảnh QUANG ĐỊNH

Chính phủ ủng hộ

Quan điểm của Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

Đồng thời quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Chia sẻ rộng, phát triển nhanh

Trên thực tế, ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng kinh tế chia sẻ cũng nổi lên với 3 loại hình dịch vụ như vận tải trực tuyến Grab, Fastgo; dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ Airbnb; dịch vụ chia sẻ văn phòng làm việc như Wework, một công ty kỳ lân sắp lên sàn tại Mỹ. Một số dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện như chia sẻ máy, gửi xe, nhân lực. 

Cùng với sự phổ biến của smartphone tại một số đô thị những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ, cho thấy mô hình kinh tế chia sẻ là một mảng thị trường tiềm năng.

Lấy ví dụ, Airbnb là một mô hình kết nối người cần thuê nhà với những gia đình có phòng trống cần cho thuê thông qua ứng dụng di động. Nhà trung gian Airbnb sẽ thu phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6 - 12%. Mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ và vẫn đảm bảo người trả thấp hơn đặt phòng khách sạn qua các kênh truyền thống.

Các công ty trên chia sẻ quyền sử dụng của một tài sản, nhưng có một số công ty tiến thêm một bước nữa để cho phép khách hàng chia sẻ đầu tư, cụ thể là chia sẻ quyền sở hữu và sinh lời từ một tài sản chung.  

Trên thế giới có nhiều công ty cho khách hàng chia sẻ đầu tư vào bất động sản như Roofstock của Mỹ, BrickX của Úc, PropertyShare của Ấn Độ, và cho thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, có mô hình RealStake, xuất thân từ Singapore.

Mô hình này tạo một nền tảng cho nhà đầu tư nhỏ có thể cùng đầu tư một căn hộ, nhà phố, hoặc một mảnh đất. RealStake xuất hiện tại Việt Nam trong thời điểm thị trường đang cần một mô hình mới khi giá BĐS quá cao so với thu nhập của các nhà đầu tư nhỏ và lãi suất ngân hàng cũng quá cao. 

Làn sóng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam - đường lớn đã mở! - Ảnh 2.

Nhà đầu tư nhỏ có thể cùng đầu tư một căn hộ, nhà phố, hoặc một mảnh đất.

Với RealStake, nhà đầu tư có thể sở hữu một phần BĐS với một số tiền vừa sức tài chính của mình.  Nếu không mất hơn 10% lãi suất ngân hàng thì ngay lập tức nhà đầu tư nhỏ đã lời được phần đó trên khoản đầu tư của mình.

Nhà đầu tư có thể sở hữu một phần BĐS với một số tiền vừa sức tài chính của mình

"Khi còn bé, chúng ta được dạy nên chia sẻ đồ chơi với bạn. Bây giờ, trong kinh doanh chia sẻ cũng là một chuyện tốt vậy!", đại diện RealStake nhận xét. 

Kinh tế chia sẻ là tất yếu

Kinh tế chia sẻ cung cấp các nguồn lực trong nước đến người có nhu cầu một cách nhanh chóng thông qua công nghệ. Hay nói cách khác là tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí. Kinh tế chia sẻ thuận tiện cho người sử dụng và ngày được đón nhận rộng rãi.

Công nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin. Kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Để làm được điều đó thì cần phải tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế chia sẻ phát triển đi kèm với những chính sách khuyến khích phù hợp để thúc đẩy phát triển đặc biệt với những mô hình kinh tế chia sẻ vì mục đích xã hội và không nên cấm các hoạt động kinh tế này.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

KIM HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên