29/09/2016 15:00 GMT+7

Lần đầu bơi ra biển lớn

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG
KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG

TT - Lần đầu tiên, những VĐV chèo thuyền rowing thay vì bơi ở hồ đã vác thuyền ra biển đua với sóng to gió lớn ở Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5) tại Đà Nẵng.

VĐV Hồ Thị Lý thi đấu ở nội dung 3.000m đơn nữ. Ảnh: NAM KHÁNH
VĐV Hồ Thị Lý thi đấu ở nội dung 3.000m đơn nữ. Ảnh: NAM KHÁNH

Chưa hết, những VĐV bơi lội trong hồ cũng ra biển ở ABG5 khi tham gia những nội dung marathon 5km, 10km trên biển vô cùng khắc nghiệt.

Kình ngư Lâm Quang Nhật chảy máu cam

Bơi là một trong những môn thi của ABG5 được tổ chức thi đấu trên biển. Để chuẩn bị cho đại hội, đội tuyển bơi VN đã được tập trung tập luyện tại bãi biển Đà Nẵng khoảng một tháng để làm quen với sóng gió, thời tiết. Nhưng do tất cả VĐV dự thi đều là VĐV bơi trong nhà, nên việc ra biển đi thi đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Kình ngư Lâm Quang Nhật của tuyển VN thậm chí đã bị chảy máu cam ngay khi cầm cờ cho đoàn thể thao VN trong đêm khai mạc ABG5 tối 24-9 sau khi thi đấu nội dung 10km nam.

HLV đội tuyển bơi VN Nguyễn Đăng Hà cho biết bơi marathon là một trong những nội dung khắc nghiệt, kinh khủng nhất của ABG5. HLV Đăng Hà nói: “Bơi ở trong bể nước ngọt không có gió, có sóng, mỗi VĐV có một đường bơi riêng nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi. VĐV hầu hết cũng chỉ thi các cự ly ngắn, dài nhất là 1,5km chứ không có các cự ly marathon. Nhưng khi thi trên biển, nhất là trong điều kiện thời tiết đang vào mùa sóng to gió lớn tại Đà Nẵng, thì các VĐV rất vất vả. VĐV thi cự ly 5km trung bình bơi hết 1 giờ, 10km bơi khoảng 2 giờ 15 đến 2 giờ 20 phút. Trước cuộc thi, để đảm bảo khối lượng vận động thì các VĐV phải tập luyện với cường độ, khối lượng cao hơn cả lúc bơi.

Ngày 23-9, Lâm Quang Nhật bơi cự ly 10km được khoảng 60% quãng đường thì đuối và bị bỏ lại sau các VĐV khác. Tôi có đi theo ở khu vực tiếp nước cho VĐV trên đường đua thấy Nhật bị va chạm với các VĐV khác trong quá trình bơi. Thấy tình hình không ổn, tôi phải cho Nhật dừng thi để giữ sức khỏe. Một ngày sau trong lễ khai mạc ABG5, Nhật bị chảy máu cam. Thế mới biết những nỗ lực của các VĐV là vô cùng lớn”. Tham dự ABG5, đội bơi VN có 8 VĐV và kết thúc môn bơi đã giành được 1 HCĐ cự ly 5km của VĐV Trần Tấn Triệu. Đây cũng là thành quả ngoài cả mong đợi của bơi VN.

Hấp dẫn ở cuộc thi rowing đầu tiên tại ABG

Gặp khó khăn không kém là những VĐV ở môn chèo thuyền trên biển. Trần Ngọc Đức, thành viên trong đội chèo thuyền của VN, cho biết anh cũng như các đồng đội đều xuất thân từ đội chèo thuyền trên hồ và lần đầu tiên “ra biển lớn” ở ABG5.

Ngọc Đức nói: “Tôi đã có hơn 5 năm tập môn chèo thuyền, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi thi đấu trên biển. Thậm chí trước đây tôi cũng chẳng mấy khi xuống biển bởi tôi sinh trưởng ở Tuyên Quang. Trước giải, chúng tôi chỉ mới tập luyện ở môi trường thi đấu biển được hai tháng. Nhưng tôi và đồng đội không ngại sóng to gió cả, trước đây thi đấu trong hồ tôi cũng từng đối mặt nhiều thử thách rồi”.

Ông Joe Donnelly, HLV người Úc của tuyển chèo thuyền VN, thừa nhận những thử thách mà ông cùng các học trò phải đối mặt trong lần đầu thi đấu trên biển. “Chèo trên hồ và trên biển là cực kỳ khác nhau. Sự khác biệt giữa sóng, gió khiến các VĐV phải thay đổi một số kỹ thuật. Chẳng hạn ở trên hồ, hai tay chèo luôn giữ ở mức 50-50 nhưng khi sang biển, không bao giờ có chuyện hai tay chèo cân bằng nhau, ít nhất là 60-40. Cái khó là phải biết quan sát, cảm nhận mức sóng biển, hướng gió. Tuy nhiên, những học trò của tôi đã được trang bị đầy đủ khả năng và tôi tin sẽ không có chuyện gì nguy hiểm với họ”.

Anh Zuraar, thành viên của đội chèo thuyền Maldives, tỏ ra thán phục khi biết thông tin các VĐV chèo thuyền của đội VN trước đây chỉ tập luyện trong hồ. Anh Zuraar nói: “Điều đó thật khó tin. Chúng tôi vốn là VĐV chèo thuyền ở biển. Bản thân tôi đã tập môn này được 5 năm, nhưng khi đến đây vẫn gặp nhiều khó khăn vì bình thường chúng tôi chỉ tập và thi đấu trong điều kiện biển lặng. Còn ở đây sóng lại lớn quá. Sẽ rất khó khăn cho những VĐV không thường xuyên tập luyện trên biển”.

Một ngày trước hôm thi đấu, nhiều HLV từ các đội khác còn tỏ ra e ngại khi thấy biển Đà Nẵng sóng và gió khá to. HLV Pongsaran Pantanngthai của đội Thái Lan, người sinh trưởng gần vùng biển Pattaya, liên tục tặc lưỡi và mất hàng giờ quan sát, bàn bạc cùng toàn đội mới quyết định cho các học trò ra tập. “Hôm nay gió to quá. Hi vọng hôm thi đấu sẽ bớt, chứ nếu như vậy thì khá khó khăn cho chúng tôi. Các VĐV trong đội tôi đều là người sinh trưởng ở miền biển, nhưng nếu bảo thi đấu trong điều kiện này thì có thể hơi nguy hiểm. Chèo bình thường thì không sao, nhưng khi thi đấu sự hiếu thắng, gắng sức có thể khiến họ thực hiện không đúng kỹ thuật” - ông Pongsaran nói.

Ông Nguyễn Hải Đường, phó ban chuyên môn kỹ thuật ABG5, cho biết đây là lần đầu tiên rowing được đưa vào thi ở ABG. VN không có thuyền để VĐV bơi trên biển nên đã mượn 12 chiếc thuyền của Liên đoàn Đua thuyền châu Á trước đại hội một tháng cho VĐV tập luyện và thi đấu. Chỉ có 9 đoàn với hơn 70 VĐV đăng ký dự thi rowing tại ABG5. Khi bước vào quá trình thi đấu rowing đã cho thấy sự hấp dẫn hơn hẳn thi rowing trong hồ.

Tắt máy lạnh để tập luyện

Nhiều đoàn thể thao nước ngoài khác cũng gặp trở ngại vì phải thay đổi điều kiện thi đấu khi tham dự ABG5. Ở môn jiu jitsu, một môn võ trước nay chỉ thi đấu trong nhà thi đấu có máy lạnh nay phải diễn ra trong một rạp thi đấu được dựng trên bãi biển, lại khá kín để tránh gió nên rất nóng bức. HLV Hansel Terence của đội jiu jitsu Philippines cho biết trước giải một tháng, các VĐV của ông làm quen với điều này bằng cách tắt máy lạnh để tập luyện.

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ABG5 Lâm Quang Nhật