Tuy nhiên, thị trường này hiện đang bị các công ty môi giới Đài Loan lũng đoạn và tự đặt ra mức thu phí cao ngất ngưởng, đẩy nhiều lao động đến lựa chọn trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp khi gần hết hợp đồng để bù lại chi phí.
Thu nhập từ 800-1.000 USD/tháng
Với việc tăng lương lần này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết - lương cơ bản của lao động nước ngoài tại Đài Loan đạt 18.780 đài tệ (tương đương 13 triệu đồng). Ngoài ra, thời hạn làm việc cũng được tăng từ hai năm lên ba năm và có thể gia hạn thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ dầu khí Sài Gòn nhân lực (SPSC Manpower, thường xuyên tuyển lao động phổ thông đi làm việc tại Đài Loan trong lĩnh vực cơ khí, dệt, nội thất...), cho biết các đơn hàng công ty tuyển thường có mức thu nhập từ 800-1.000 USD/tháng/người, tùy trình độ tay nghề. “Mức phí tuyển dụng từ 5.000-5.200 USD/người”, bà cho biết. Cũng vậy, Công ty môi giới Forward Đài Loan cho biết hiện thị trường Đài Loan đang cần nhiều lao động trong các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, may..., mức thu phí dao động từ 3.200-5.500 USD/người.
Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đã và đang thẩm tra, duyệt ký hàng chục đơn hàng của nhiều công ty tuyển hàng trăm lao động qua Đài Loan làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phí môi giới: 7.000 USD/người!
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Hà Nội cho biết Đài Loan là thị trường truyền thống rất phù hợp với lao động phổ thông Việt Nam, mức lương cơ bản khá cao nên thuận lợi trong việc giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn. Tuy nhiên, thị trường này đang do các đại lý môi giới Đài Loan lũng đoạn nên họ quyết định từ A-Z trong việc đưa lao động qua Đài Loan làm việc.
“Tôi không dám nói 100%, nhưng có khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lao động qua Đài Loan đang hoạt động theo kiểu cho “thuê giấy phép”. Các đại lý môi giới Đài Loan tự săn đơn hàng, tự đặt ra mức thu phí rồi giao cho doanh nghiệp Việt Nam tuyển người cho họ với mức chi phí được trả từ 100-200 USD/người. Thực chất đây là việc các đại lý môi giới xuất khẩu lao động Việt Nam qua Đài Loan thông qua giấy phép của các doanh nghiệp Việt Nam” - vị này cho biết.
Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lao động khác cho biết nguyên nhân còn từ việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước đã tạo điều kiện cho các đại lý môi giới lũng đoạn.
Để “kiếm mối”, các doanh nghiệp đua nhau đẩy chi phí môi giới lên cao. Trên thực tế đã có đại lý đẩy giá môi giới lên tới 6.500-7.000 USD/người. “Trong khi ở Thái Lan và Philippines, mức phí của người lao động chỉ khoảng 3.000-4.000 USD/người thì lao động Việt Nam lại chịu mức phí gần gấp đôi. Chưa có ở đâu như thị trường Đài Loan, chủ sử dụng lao động còn được trả tiền khi tiếp nhận lao động vào nhà máy làm việc” - vị giám đốc này bức xúc.
Cũng vị này cho rằng việc thu phí cao là nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng bỏ trốn ra ngoài làm việc với tỉ lệ cao của lao động Việt Nam. Vì để có được 5.000-7.000 USD nộp cho các doanh nghiệp thì người lao động phải chạy vay đủ đường, nên khi gần hết hợp đồng họ tìm cách trốn ở lại thêm vài năm để làm việc kiếm tiền bù lại chi phí quá cao đó.
Mới đây, để chấn chỉnh thị trường Đài Loan, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc họp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và một số doanh nghiệp phái cử lao động qua Đài Loan. Tại cuộc họp, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động qua Đài Loan chỉ được phép thu mức phí không quá 4.500 USD/người lao động. Chỉ đạo này theo Bộ LĐ-TB&XH sẽ được gửi bằng văn bản tới các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nếu vi phạm sẽ bị chế tài nặng với mức cao nhất là rút giấy phép hoạt động.
95.643 lao động, có 14.700 lao động bất hợp pháp Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, cho biết hiện nay thị trường Đài Loan có khoảng 426.000 lao động nước ngoài làm việc, trong đó Việt Nam có 95.643 người. Còn theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 14.700 lao động Việt Nam bỏ hợp đồng cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận