09/07/2011 07:15 GMT+7

Làm sao nhận biết vàng "bẩn"?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Cách nào để tránh mua phải vàng độn tạp chất là nội dung chính được chia sẻ tại hội thảo “Vàng nguyên liệu pha tạp chất và giải pháp phòng tránh” do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM tổ chức ngày 8-7.

viUC6W0K.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Sinh Thành, giám đốc xưởng nữ trang Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, phải sử dụng kính lúp mới thấy rõ các hạt li ti trên bề mặt sản phẩm - Ảnh: ÁNH HỒNG

Theo các đơn vị kinh doanh vàng, khả năng các sản phẩm vàng nữ trang, đặc biệt là các sản phẩm tinh xảo bị độn tạp chất là rất thấp tuy nhiên người tiêu dùng vẫn phải thật cảnh giác.

Khi vàng lợn cợn

Nhận biết vàng trang sức (18K) có pha lẫn tạp chất

Với người thợ kim hoàn: khi làm nguội sẽ rất khó giũa, thậm chí không giũa được. Khi giũa có cảm giác như đang giũa vào thép chứ không như cảm giác giũa vàng thông thường. Mau hư cây giũa, thường gọi là giũa không ăn.

Sau khi chà nhám tương đối láng đem đánh bóng sẽ nổi rõ các hạt li ti màu trắng. Nếu người mua sờ vào những chỗ nhiều tạp chất sẽ thấy sản phẩm sần sùi, cảm nhận được độ nhám rõ rệt.

Nhưng nếu sản phẩm sau khi gia công mà áp dụng kỹ thuật làm mờ (phun cát) thì sẽ rất khó nhận biết.

Theo các công ty vàng, hơn 20 năm trước trên thị trường đã xuất hiện vàng bị bớt xén tuổi bằng cách độn lõi bên trong rồi bọc lớp vàng nguyên chất bên ngoài, giới kinh doanh gọi nôm na là “bánh mì kẹp thịt”. Hiện nay dạng này đã biến mất vì rất dễ bị phát hiện. Còn vàng “bẩn” là vàng có lõi trộn với các loại tạp bột như wolfram, osmium, iridium... rồi được bọc lớp vàng nguyên chất bên ngoài đã đánh lừa các máy móc hiện đại lẫn giới kinh doanh.

Ông Trần Hải, giám đốc Công ty kinh doanh vàng và dạy nghề Hải Quyên TP.HCM, đem đến hội thảo hai miếng vàng nguyên liệu bị độn tạp chất mà ông mua phải, trên mỗi miếng vàng đều có dấu khoanh tròn đánh dấu chỗ lợn cợn mà sờ bằng tay có thể nhận biết. Ông Hải cho biết đó là đặc điểm để phân biệt giữa vàng nguyên chất và vàng “bẩn” - tức bị độn tạp chất - vì vàng “bẩn” khi nấu chảy và cán mỏng bề mặt sẽ nổi những hạt lấm chấm chứ không trơn láng như vàng nguyên chất.

Khi mua phải vàng “bẩn”, người kinh doanh cũng không thể dùng loại vàng này để chế tác thành nữ trang do khi thành phẩm bề mặt sản phẩm sẽ bị lỗi, rỗ xước, nứt vỡ khi gia công, đặc biệt với những dạng sản phẩm đòi hỏi độ tinh xảo cao. Muốn chế tác nữ trang, buộc những đơn vị sản xuất phải tinh luyện để loại các tạp chất và chịu hao hụt khoảng 20% (tương đương khoảng 7 triệu đồng/lượng).

Từ đó, các công ty nữ trang cho rằng việc vàng nguyên liệu bị độn tạp chất thời gian qua chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị gia công, sản xuất vàng nữ trang chứ hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Tuy nhiên các đơn vị này cũng khuyến cáo với sản phẩm nhẫn tròn trơn, vòng tròn, nhẫn thô... vẫn có khả năng lẫn tạp chất nhưng rất dễ phát hiện vì bề mặt các cạnh sẽ nổi các chấm lợn cợn, do vậy người tiêu dùng cần lưu ý để tránh bị nhầm lẫn.

Nung chảy khi mua

Ông Phạm Văn Tám - chủ tiệm vàng Kim Hảo, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM - cho biết trước đây khi các cửa hàng mang vàng nguyên liệu đến đổi lấy thành phẩm, doanh nghiệp chỉ kiểm tra bằng cách đo tỉ trọng. Tuy nhiên khi nổ ra vụ vàng lẫn tạp chất mà đơn vị của ông cũng là nạn nhân, ông đã giao kèo với các tiệm vàng là sẽ lấy mẫu sau đó nung chảy, cán và đánh bóng để kiểm tra độ tinh khiết. Thậm chí ông trang bị luôn máy móc tại phòng làm việc để tiện thử ngay khi nhận vàng. Trường hợp các chủ tiệm vàng không đồng ý, ông từ chối nhận nguyên liệu.

Với nhiều tiệm vàng nhỏ, không có điều kiện trang bị các máy móc hiện đại thì phương pháp hiệu quả nhất vẫn là dùng lửa thử vàng. Khi khách hàng đem vòng vàng, nhẫn trơn đến bán, món hàng dù to dù nhỏ các tiệm vàng cũng đòi phải phá mẫu để kiểm tra tuổi vàng, nếu khách hàng không đồng ý thì tiệm vàng không mua.

Với các công ty sản xuất gia công vàng miếng, quy trình kiểm tra nguyên liệu đầu vào cũng rất ngặt nghèo, ngay cả với nguyên liệu nhập từ Thụy Sĩ và có chữ ký của người kiểm định. Ông Nguyễn Sinh Thành, giám đốc xưởng nữ trang Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, cho biết theo quy định của công ty, vàng nguyên liệu đầu vào phải có chứng từ, nguồn gốc. Trước khi đi vào quy trình sản xuất, tất cả nguyên liệu vàng đều phải nấu chảy, quy trình này giúp loại bỏ tất cả vàng “bẩn”. Vì khi nóng chảy nếu thành phần nguyên liệu có biểu hiện lợn cợn là bị loại ngay, sau đó trả về cho đầu mối.

Đừng ham rẻ

Liệu có cách nào để tránh mua nhầm vàng lẫn tạp chất trong khi người tiêu dùng không có bất kỳ cách thức nào để kiểm tra?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đơn vị kinh doanh vàng cho biết nguyên tắc được áp dụng từ trước đến nay với vàng nữ trang vẫn là mua đâu bán đó vì mỗi sản phẩm vàng đều có đóng dấu chất lượng và thương hiệu của nơi sản xuất. Cách tốt nhất vẫn là chọn mua vàng tại các đơn vị kinh doanh có uy tín, thương hiệu và đừng ham rẻ. Sản phẩm có hàm lượng vàng càng cao thì càng bền màu và chống được tác động của môi trường. Trong khi với sản phẩm bị ăn gian tuổi sẽ dễ bị oxy hóa, nổi bã trầu... Nhiều trường hợp ham rẻ đã mua phải sản phẩm không đúng chất lượng, qua thời gian ngắn sản phẩm xuống sắc rất nhanh, nếu bán tại tiệm vàng khác sẽ bị ép giá.

Phương pháp phát hiện vàng độn tạp chất mà nhiều công ty lớn chia sẻ chủ yếu dựa vào máy móc, kỹ thuật cao. Các đơn vị kinh doanh vàng nhỏ lẻ cho rằng rất khó áp dụng vì những loại máy này có giá rất cao, từ 25.000-150.000 USD/máy. Kỹ thuật viên sử dụng máy phải được đào tạo bài bản.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên