Tuy nhiên, biểu hiện của trầm cảm sau sinh thế nào, nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh hay làm sao để tránh bị trầm cảm sau sinh lại ít người biết đến.
Trầm cảm sau sinh và những biểu hiện dễ nhận biết
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh.
Thực chất đây không phải là một chứng bệnh hiếm gặp. Theo một thống kê công bố gần đây, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15 - 25% trong 12 tháng sau sinh. Thậm chí, một nghiên cứu nhỏ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) còn cho thấy tỉ lệ bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm sau sinh là 41%.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ nhưng các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý.
Một số triệu chứng tâm lý dễ nhận biết của chứng trầm cảm sau sinh:
- Tâm trạng buồn bã, dễ lo âu và hoảng sợ
- Mệt mỏi, thiếu sinh lực
- Cáu gắt với người khác
- Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé
- Rối loạn giấc ngủ (thường là mất ngủ)
- Giảm hứng thú hoạt động
- Thường nghĩ đến cái chết và tự tử...
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đầu sau sinh. Trong giai đoạn này, những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan tới bạo lực đối với trẻ, thậm chí có thể dẫn tới ý nghĩ và hành vi giết trẻ.
Nguyên nhân nào dẫn đến trầm cảm sau sinh?
Thông thường, khi bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, quan hệ gia đình, xã hội... bệnh nhân có thể bị mắc chứng trầm cảm. Còn đối với phụ nữ sau sinh, một số nguyên nhân về thay đổi nội tiết, thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc và trầm cảm.
Ngoài ra, những mâu thuẫn gia đình, khó khăn trong việc chăm sóc bé khiến nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ và lo lắng về khả năng chăm sóc con. Từ đó dẫn đến mất hứng thú vào cuộc sống, rơi vào trạng thái lo sợ và tự nghĩ mình là người mẹ xấu. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hoang tưởng và nhiều hành vi nguy hiểm.
Di truyền cũng là một trong những yếu tố không thể bỏ qua dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh. Trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác hay người đã từng có tiền sử bị trầm cảm sau sinh thì nguy cơ lặp lại lên tới 50%.
Làm sao để tránh bị trầm cảm sau sinh?
Người thân, nhất là người chồng, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn nhạy cảm này. Nhiều ông chồng chủ quan cho rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ, mà thiếu quan tâm, chia sẻ bằng cả hành động và lời nói, khiến người vợ cảm thấy bị cô đơn, một mình "bơi" trong vai trò mới - làm mẹ.
Do đó, động viên, gần gũi và chia sẻ với vợ trong suốt quá trình mang thai, chuyển dạ cũng như chăm sóc trẻ sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Còn đối với bản thân người phụ nữ, giai đoạn sau sinh thường sẽ rất vất vả, phải thích nghi với việc chăm sóc bé, làm quen với thiên chức làm mẹ thiêng liêng đi kèm với nhiều việc không tên khác dẫn đến bỏ quên bản thân.
Vì vậy, hãy đi ngủ sớm nếu phải thức dậy nửa đêm cho bé bú, ngủ trưa dù chỉ 30 phút thôi để giúp cho cơ thể mẹ tái tạo lại năng lượng.
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho các mẹ, chính là hãy dành thời gian thư giãn cho riêng mình bằng những động tác yoga trên nền nhạc nhẹ nhàng, gặp gỡ bạn bè, người thân hay các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những lo âu, phiền muộn hay mệt mỏi trong quá trình chăm sóc bé hay ra ngoài shopping cùng chồng hay bạn bè... tạo tâm lý thoải mái, tránh được trầm cảm sau sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận