15/11/2011 04:24 GMT+7

Làm sao để tránh "án tù tinh thần" oan sai?

K.S. - L.A.
K.S. - L.A.

TT - Gia đình đưa người nhà hoàn toàn khỏe mạnh vào “nhốt” trong bệnh viện (BV) tâm thần và cũng được BV chấp nhận. Điều đó chẳng khác nào tuyên một “án tù tinh thần” cho đương sự mà người tố cáo/vu khống là thân nhân, còn người xét xử, tuyên án là bác sĩ.

v6B1lmNX.jpgPhóng to
Các bác sĩ giám định một người xem có tâm thần hay không theo yêu cầu của công an - Ảnh: K.S.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh “án” oan sai?

Ngày 29-9, ông M.V.T., 68 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM, dắt xe chuẩn bị đi làm thì bốn thanh niên lạ mặt tới khống chế, áp giải lên taxi chở thẳng vô BV Tâm thần TP.HCM. Dù không bệnh, ông vẫn bị nhốt chung với hàng chục bệnh nhân (BN) tâm thần khác và cho uống, chích thuốc mà không biết thuốc gì. Sau khi kiểm tra thấy ông không tâm thần, hôm sau BV gọi người nhà đưa ông về, nhưng người nhà bảo chưa thu xếp được, vậy là ông bị nhốt tiếp mãi đến trưa 5-10 mới được cho ra viện. Lý do của chuyện chậm trễ này là vì quy định chỉ người nào đưa BN vào viện ký giấy đồng ý nhận người thân về thì BV mới cho BN ra.

Ai có quyền đi “bắt” bệnh?

Những trường hợp nhập viện tâm thần

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM và ông Nguyễn Minh Tuấn - phó viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai (Hà Nội), hiện có ba hình thức hợp pháp (kết hợp với kết quả thăm khám của thầy thuốc) để đưa một người được coi là tâm thần nhập viện. Thứ nhất, người bệnh tự nguyện vào viện điều trị. Thứ hai là cho nhập viện theo yêu cầu của người nhà và chỉ người nhà đề nghị mới được ra viện. Hình thức thứ ba là nhập viện theo yêu cầu của cơ quan pháp luật như tòa án, thẩm phán... và chỉ khi có đề nghị của cơ quan pháp luật mới được ra viện.

Ngoài ra còn có trường hợp tự nguyện vào viện nhưng là... để trốn tránh pháp luật (trốn nợ, trốn nghĩa vụ quân sự, đang bị truy nã...).

Có những người không chịu vào viện, khăng khăng nói mình không bệnh. Đây là tình huống cần chẩn đoán kỹ xem có bệnh hay bị oan. Khi làm bệnh án, bác sĩ dựa theo lời khai của người nhà và có thể không lường được hết những uẩn khúc trong gia đình.

Năm 2005, tại BV Tâm thần TP.HCM đã xảy ra trường hợp tương tự: gia đình ông Đ.H.T., 52 tuổi, làm đơn yêu cầu BV đến nhà hỗ trợ đưa ông vào BV do ông có những biểu hiện bất thường. Hai bảo vệ của BV đến nhà lúc 23g đêm, trói ông bằng dây vải, đưa vào BV. Ra viện, ông đi kiện, hai bảo vệ bị tòa tuyên phạt 2 năm cải tạo không giam giữ vì tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, hiện không có quy định nào về việc ai có thẩm quyền, trách nhiệm đưa người bệnh tâm thần vào BV. Khi BN lên cơn, gia đình nhờ công an, hàng xóm không được thì nhờ BV, nhưng thời gian gần đây BV cũng từ chối, họ phải nhờ người bên ngoài như xe ôm, taxi...

Chuyện đưa người vào BV cũng mỗi nơi một kiểu: nơi dùng từ “bắt”, nơi gọi “hỗ trợ đưa BN từ nơi ở đến BV”. Gọi là “hỗ trợ” nhưng nếu mời không đi thì cưỡng chế, dùng dây trói cả hai tay đưa lên xe - một người từng đi “bắt” BN tâm thần kể lại.

Các biện pháp tạm thời

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ - nguyên giám đốc BV Tâm thần trung ương II, nguyên phó viện trưởng Viện Giám định trung ương - nói khi vào viện có hai tình huống xảy ra:

1/ Người bị cưỡng chế nói họ không điên và chống đối dữ dội. Bác sĩ sẽ tiêm một liều thuốc ngủ để giảm hưng phấn do rối loạn tâm lý. Sau ngủ, họ bình tĩnh lại, bác sĩ sẽ khám để biết có bệnh hay không. Giả sử gia đình có bắt ép nằm viện thì trước sau gì họ cũng được xuất viện, khi ra viện có được chứng cứ họ sẽ đi kiện.

2/ Người giả tâm thần để trốn tránh pháp luật. Đây là trường hợp đặc biệt, cần có thời gian theo dõi. Giấy xác nhận điều trị này không có giá trị thay thế cho giám định pháp y. Tòa án sẽ yêu cầu giám định lại.

Ông Thọ chia sẻ do chưa có Luật sức khỏe tâm thần nên rất khó thực hiện. Nếu người có bệnh thật, gia đình vất vả đưa đến mà BV từ chối, không nhận thì họ sẽ kêu ca, đi kiện. Còn cho ra viện mà không có người nhà ký nhận, lỡ BN tái phát, không về đến nhà, BV cũng bị bắt đền. Hiện BV chỉ lo mặt chuyên môn với người ngay - tức BN có bệnh thật, còn trường hợp bị gia đình đưa vào do có mâu thuẫn thì rất khó. Rất cần có luật để thực hiện. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ đề xuất trong khi chờ luật, để tránh “oan sai”, tạm thời ít nhất phải có hai chữ ký xác nhận: một của gia đình và một của trạm y tế hoặc chính quyền địa phương, công an khu phố. Tốt nhất là y tế địa phương, vì lọc qua trước khi chuyển tuyến trên, có thể chặn ngay từ đầu nếu thấy có vấn đề.

Cần có Luật sức khỏe tâm thần

Các chuyên gia tâm thần khẳng định đã đề xuất ban hành Luật sức khỏe tâm thần từ những năm 1970, nhưng đến nay sau bốn thập niên vẫn chưa có được dự thảo luật. Chính vì chưa có luật nên xảy ra hành xử như... luật rừng, thân nhân có “quyền” thuê người đến “bắt” người nhà của mình tống vào BV tâm thần, dù người này hoàn toàn tỉnh táo như trường hợp ông T. trên.

PGS.TS Trần Văn Cường - nguyên giám đốc BV Tâm thần trung ương I, hiện là phó chủ tịch Hội Tâm thần VN - là người rất tâm huyết đề xuất cho ra đời Luật sức khỏe tâm thần từ những năm 1970. Ông Cường

phân tích: Theo Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, người bị tâm thần nặng phải đi chữa, nhưng y tế không có quyền bắt đi mà chỉ được đề nghị chính quyền địa phương đưa đi điều trị. Khi thấy người đó có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và xã hội, công an có quyền bắt đưa đến cơ sở y tế để xác định tâm thần hay không. Nếu có bệnh thì chữa trị, không tâm thần thì trả về. Thế nhưng cũng chẳng có văn bản nào quy định rõ nên người ta đùn đẩy.

Do chưa có Luật sức khỏe tâm thần nên gần như bên nào mạnh thì ép bên kia. Nếu xảy ra chuyện đưa oan người vào BV tâm thần, gia đình có thể bào chữa rằng họ không có chuyên môn, còn BV cũng chẳng có tội gì, vì hiện chẳng có luật nào quy định thời gian lưu giữ BN trong 24 giờ, 48 giờ hay bao lâu cả.

Trong trường hợp người bị oan mà bác sĩ yếu chuyên môn hoặc thông đồng với gia đình giữ luôn trong BV thì đấy là điều đáng lo sợ.

Trả lời câu hỏi về việc người bị nhốt oan trong BV có thể gửi đơn đến nơi khác nhờ giám định để chứng tỏ mình không bệnh,

PGS.TS Trần Văn Cường cho biết hiện không quy định thành luật, nhưng chỉ cần bác sĩ chuyên khoa tâm thần (kể cả bác sĩ tư) khám xác định BN không tâm thần là được. Bác sĩ có đóng dấu kết quả khám hay không cũng chẳng thành vấn đề. Chỉ khi nào có hành vi liên quan đến tù tội mới cần giám định.

Nâng cao vai trò giám định của bác sĩ

Ông Nguyễn Minh Tuấn (phó viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai) thừa nhận do chưa có quy chế rõ nên vẫn còn hiện tượng đưa người thân vào viện tâm thần vì tranh chấp tài sản, hoặc chồng đưa vợ vào viện tâm thần vì muốn có vợ khác. Thực tế vẫn có những trường hợp cán bộ y tế “tích cực” quá trong khi đưa người bệnh vào viện, mà không biết đã tiếp tay cho việc tranh chấp gia sản, con cái, vị trí xã hội hoặc trù dập cán bộ tố cáo tiêu cực. Chính vì vậy, vai trò của thầy thuốc trong quá trình giám định, khám lâm sàng rất quan trọng. “Người bệnh tâm thần thường phủ nhận mình bị bệnh, nên việc khám ở các phòng khám bên ngoài, dựa vào một vài yếu tố bệnh lý chưa chắc đã có kết quả chính xác”- bác sĩ Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cũng cho rằng các nước có luật sức khỏe tâm thần, VN cũng nên có hình thức tương tự.

Theo ông Nguyễn Huy Quang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, hiện văn bản, quy chế để đưa người bệnh nhập viện đều đã có đủ. Nhưng quan trọng nhất là ở khâu tổ chức thực hiện, sự công tâm và chất lượng chuyên môn trong khâu khám bệnh, xác định bệnh nhân có tâm thần hay không. Ông Quang cho hay trước đây từng có chuyện cấp trên bị nhân viên kiện liền vu nhân viên là tâm thần và đưa vào viện.

K.S. - L.A.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên