28/06/2024 17:17 GMT+7

Làm sao để không có trẻ đuối nước mỗi khi đến hè

Tuy mới vào mùa nghỉ hè chưa lâu, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em đuối nước. Trong đó có một số trường hợp cấp cứu không đúng cách.

Trẻ bị đuối nước được cấp cứu thành công tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - Ảnh: BV

Trẻ bị đuối nước được cấp cứu thành công tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - Ảnh: BV

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bé T.A.D. (17 tháng tuổi, ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện do bị đuối nước.

Lúc vào bệnh viện, bệnh nhi trong tình trạng co gồng tay chân, môi tái, thở hước (hụt hơi).

Qua thăm khám, người nhà cho biết do ở nông thôn nên quanh nhà có nhiều mương nước, không có rào chắn xung quanh nhà. Khi bé đi chơi không may rơi xuống mương nước cạnh nhà, gia đình phát hiện đưa bé lên bờ và tiến hành "sốc nước" trước khi đến bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ trực cấp cứu nhận định bệnh nhi bị ngạt nặng do đuối nước, bác sĩ ngay lập tức tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, tiêm thuốc an thần chống co giật, chống phù não, trợ tim, nuôi ăn tĩnh mạch…

Sau đó bé được chuyển đến khoa hồi sức tích cực và chống độc điều trị theo dõi.

Sau điều trị tích cực, bệnh nhi đã có chuyển biến tốt, tự thở được và chuyển khoa hô hấp tiếp tục điều trị.

Theo các bác sĩ, mùa hè đến là nỗi lo đuối nước ở trẻ em lại đến, mới từ đầu tháng 6 đến nay đã tiếp nhận 5 trường hợp đuối nước nhập viện.

Trong đó có trường hợp nặng, được đưa đến bệnh viện chậm và cấp cứu sai cách, bị ngừng tim ngừng thở kéo dài nên tiên lượng rất nặng.

Để phòng đuối nước và cấp cứu đúng cách, bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách: đầu tiên là tập bơi cho trẻ; đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn quan sát trẻ khi tắm hồ bơi, tắm biển; các khu vực có chứa nước, ao hồ quanh nhà cần được rào chắn hoặc giám sát khi trẻ chơi…

Sơ cứu đúng cách cho trẻ đuối nước

Ngay khi phát hiện trẻ đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt nằm nơi khô ráo, thoáng khí.

Nếu thấy trẻ bất tỉnh, kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.

Nếu lồng ngực không di động là trẻ đã ngưng thở, ngay lập tức thực hiện hồi sức cơ bản bằng cách ấn tim, thổi ngạt.

Quan sát để đảm bảo thông thoáng đường thở của người đuối nước như lấy sạch đờm dãi và các dị vật (nếu có) ở miệng và mũi.

Trường hợp nhẹ hơn, trẻ còn tự thở được thì đặt ở tư thế nằm nghiêng, cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng chăn mền hoặc áo quần khô. Trong cả hai trường hợp nặng và nhẹ, ngay sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Những điều không nên làm khi sơ cấp cứu đuối nước tại hiện trường

Không vác trẻ đuối nước lên để sốc ngược, sốc nước, cũng không "lăn lu"… theo kinh nghiệm dân gian.

Vì khi vác bé lên sốc ngược chẳng những không có tác dụng mà còn rất nguy hiểm cho bé, do bé có thể rơi xuống gây chấn thương thêm; nếu bé có chấn thương trước đó thì động tác sốc ngược sẽ làm cho tình trạng của bé nặng thêm.

Đồng thời những phương pháp này còn làm chậm thời gian hồi sức tim phổi, chậm đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Nhân viên cứu hộ hồ bơi phản ứng cực nhanh khi thấy bé gái đuối nướcNhân viên cứu hộ hồ bơi phản ứng cực nhanh khi thấy bé gái đuối nước

Nam nhân viên cứu hộ được cộng đồng mạng chấm 10 điểm vì độ phản ứng nhanh khi phát hiện bé gái bị đuối nước ở hồ bơi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên