TT - Hồ Mai - nữ đạo diễn nổi tiếng thuộc thế hệ đạo diễn thứ năm của Trung Quốc - xuất hiện lặng lẽ ở Liên hoan phim quốc tế VN lần thứ nhất (VNIFF). Bà mang tới VNIFF bộ phim Khổng Tử - một trong những bộ phim lịch sử có doanh thu cao nhất mùa phim tết 2010.
Phóng to |
Nữ đạo diễn Hồ Mai - Ảnh: Nga Linh |
Ðây cũng là tác phẩm đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận, cho rằng hình tượng Khổng Tử trong phim quá thông tục...
* Thưa bà, vì sao phải đợi tới năm 2010 Trung Quốc mới ra mắt bộ phim về Khổng Tử?
- Hơn 40 năm trước khi tôi còn đi học, đạo Khổng không được cổ xúy. Năm 2005 trong quá trình thực hiện phim truyền hình Hán Vũ Ðế, tôi tìm hiểu thấy đây là ông vua rất sùng đạo Nho. Ông vua này đã dùng cả thuật Pháp gia và Nho giáo để củng cố thành công chính thể quân chủ chuyên chế. Tại sao thời Hán lại dựa vào đạo Khổng? Từ đó tôi bắt đầu nghiên cứu về Khổng Tử.
Khoảng thời gian 30 năm sau đổi mới, chúng tôi đã thay đổi cách nhìn về Khổng Tử. Có khoảng tám bộ kịch bản phim về Khổng Tử đang ở thế sẵn sàng, bản thân tôi cũng từng có trong tay 60 tập kịch bản phim truyền hình về nhân vật này. Sức cạnh tranh trong mảng truyền hình lớn, tôi quyết định chuyển sang phim nhựa. Sau 33 lần đổi kịch bản, cuối cùng chúng tôi tập hợp được đội ngũ bốn biên kịch chính, các học giả Nho giáo, một số nhà sản xuất có tiếng như Châu Nhuận Phát, Peter Pao.
* Bộ phim sau đó đã không nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Bà đã đón nhận sự việc này như thế nào?
- Người tiên phong luôn chịu những điều đau đớn. Chúng ta biết Khổng Tử là một nhà triết học, nhà tư tưởng nổi tiếng, nhưng với nhiều người, cuộc đời ông là một điều bí mật. Tôi xác định bộ phim của tôi không thể đầy đủ như một cuốn sách. Nhiệm vụ lớn nhất của tôi là thể hiện cuộc đời Khổng Tử dưới cách nhìn dung dị nhất. Tất cả những sự kiện chủ đạo trong phim đều có cứ liệu lịch sử: Khổng Tử gặp Lão Tử, gặp hồng nhan tri kỷ Nam Tử (Châu Tấn thủ vai).
* Xin bà cho biết quan điểm làm phim lịch sử bấy lâu nay tại Trung Quốc?
- Thứ nhất, trung thành với lịch sử, có thái độ tôn trọng những nhân vật lịch sử. Bản thân người đạo diễn phải tự nghiên cứu lịch sử từ những tài liệu được lưu trữ, sau đó chọn ra những chi tiết lịch sử đắt giá. Những mốc chính trong phim về căn bản phải phù hợp với sự thật lịch sử. Tổng số môn đệ của Khổng Tử lên tới 3.000 người, trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi. Vì thế chúng tôi phải nghiên cứu các vị đồ đệ này, chọn Nhan Hồi và Tử Lộ là hai nhân vật chủ đạo.
Trong những tình tiết lịch sử, nhà làm phim có quyền gia công thêm yếu tố nghệ thuật. Người Trung Quốc đã quá quen với hình ảnh Khổng Tử qua bức vẽ của họa sĩ thời Ðường Ngô Ðạo Tử. Khổng Tử không hề đẹp. Nhưng chúng tôi không cho phép đưa lên phim một Khổng Tử xấu xí. Ðó là một lý do vì sao chúng tôi chọn Châu Nhuận Phát.
* Mối quan tâm gần đây của bà về điện ảnh VN?
- Thời gian gần đây tôi có theo dõi câu chuyện về một bộ phim truyền hình lịch sử làm nhân dịp đại lễ. Những vấn đề mà một bộ phim đó gặp phải có điểm tương đồng với trường hợp của tôi. Tôi đã gặp sự phản đối từ cả những người chưa hề xem phim tôi làm. Nhưng trong tay tôi có cứ liệu lịch sử. Tình trạng bảo tồn sử liệu ở Trung Quốc rất tốt, từ giáp cốt văn - loại chữ viết được khắc trên mai rùa, xương thú tồn tại cách đây khoảng 3.000 năm, mộ ở Tây An, những bức tượng gốm đời nhà Hán... và hệ thống thư viện nữa.
Nếu muốn làm phim lịch sử, bạn phải có được cứ liệu lịch sử. Những vị đạo diễn của các bạn có nghiên cứu lịch sử trước khi bắt tay vào làm không? Họ có thật sự yêu thích đề tài này? Khi có sự chuẩn bị kỹ càng, người đạo diễn mới có thể lên tiếng và trở nên có lý trước dư luận. Ðương nhiên cần phải có sự cố vấn từ các chuyên gia nữa.
NGA LINH thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận