Phóng to |
Đằng sau một cuộc đấu giá
Không khó để nhận ra những cuộc đấu giá kỷ vật của các ngôi sao quá cố đang diễn ra thường xuyên hơn. Có những cuộc đấu giá chỉ nhằm mục đích kinh doanh và trục lợi nhưng vẫn có những cuộc đấu giá đầy day dứt và cảm động.
Đáng chú ý gần đây là cuộc đấu giá 14 chiếc váy của công nương Diana. Chủ nhân bộ sưu tập quý giá này là Maureen Rorech Dunkel, một nữ doanh nhân bang Florida, Hoa Kỳ. Vì lòng kính trọng và ngưỡng mộ công nương Diana, Maureen đã dốc tiền mua lại 12 chiếc váy của công nương Diana trong buổi đấu giá từ thiện tại Christie, New York vào tháng 6-1997, sau đó sưu tập thêm hai chiếc váy khác nữa. Nhưng cô không thể ngờ công nương lại qua đời hai tháng sau đó.
Với nhiều người đây quả là một món hời, nhưng với Maureen đó lại là một món quà đầy giá trị kỷ niệm. Chính vì thế, cô đã không ngần ngại đầu tư hàng triệu đôla để triển lãm những bộ váy quý giá này như một cách tưởng niệm công nương Diana. Tuy nhiên, số tiền thu về từ những cuộc triển lãm lại quá ít khiến Maureen gần như kiệt quệ về tài chính, sau đó phá sản với số nợ khổng lồ.
Nhiều người sẽ cho rằng Maureen không biết cách kinh doanh, thậm chí quá dại dột. Nhưng với cô, có những thứ còn quý giá hơn đồng tiền.
Mặc dù cuối cùng Maureen vẫn phải mang 14 chiếc váy mà cô khổ tâm gìn giữ ra đấu giá hôm 24-6 vừa qua để trang trải nợ nần, nhưng cô vẫn hi vọng chủ nhân mới sẽ tiếp tục mang những bộ váy này đến gần với công chúng hoặc sử dụng vào mục đích gây quỹ từ thiện.
Phóng to |
Khi giá trị bị thách thức bởi đồng tiền
Không giống Maureen, những vật dụng liên quan đến công nương Diana lại giống như một mỏ vàng từ trên trời rơi xuống với nhà thiết kế Emanuel. Chiếc váy đen mà công nương mặc trong lần đầu tiên ra mắt công chúng bên cạnh thái tử Charles, từng được đưa đến cửa hiệu của Emanuel chỉnh sửa sau đó bị lãng quên, đã mang về cho Emanuel 192.000 bảng Anh trong một buổi đấu giá.
Có người bảo Emanuel may mắn. Nhưng cuộc đổi chác này liệu có công bằng với người quá cố hay chỉ mang đến danh lợi nhất thời cho kẻ ăn may?
Những kỷ vật của người quá cố đang chịu sự chi phối rất lớn bởi đồng tiền. Người ta luôn xuýt xoa, ca ngợi ý nghĩa này, giá trị nọ của những kỷ vật nhưng khi cần thì vẫn mua đi bán lại như một món hàng, ngay cả khi đó là những vật dụng chính người thân của mình.
Còn nhớ trước đó không lâu, Yoko Ono từng rất vui mừng khi được nhìn thấy nét chữ thân quen ngày nào trong một bức thư mà John gửi cho người bạn là ca sĩ kiêm nhạc sĩ Steve Tilston. Thế nhưng, khi có trong tay 150 bức thư tay của người chồng quá cố, Yoko Ono lại quyết định bán bản quyền cho Nhà xuất bản Little, Brown và Company với giá “trên trời”.
Cuốn sách có tựa đề Thư của Lennon sẽ xuất bản tháng 10-2012 cũng là cuốn sách đầu tiên tập hợp các lá thư của John Lennon với số lượng nhiều đến vậy. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc những lá thư chất chứa bao nỗi niềm riêng tư, bao trăn trở của John Lennon rồi cũng không thoát khỏi hai chữ “thương mại”.
Phóng to |
Chiếc áo khoác trong ca khúc Thriller là một trong những vật dụng được mang ra đấu giá gần đây của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson - Ảnh: Mail.com |
Những cái chết... đắt giá
Không riêng gì công nương Diana hay huyền thoại John Lennon, mà rất nhiều ngôi sao quá cố khác bỗng dưng trở thành một cỗ máy kiếm tiền đắc lực cho những người còn sống.
Một sự thật nghiệt ngã rằng trước khi qua đời, Michael Jackson đang lâm vào tình trạng túng quẫn, thậm chí có nguy cơ phá sản với số nợ lên đến 400 triệu USD. Trong khi đó, Elvis Presley lại phải sống lay lắt với đủ các loại thuốc kích thích, thuốc trợ tim và cả thuốc an thần. Nhưng sau khi qua đời, họ lại mang về hàng triệu đôla cho những cái đầu biết kinh doanh, trục lợi.
Lúc đương thời có lẽ Elvis Presley không thể ngờ rằng lọn tóc của mình lại có giá hơn 18 triệu USD, hay John Lennon chẳng thể tưởng tượng được có ngày chiếc bồn cầu của anh lại được mang ra đấu giá với số tiền thu được hơn 15.000 USD. Riêng Michael Jackson kể từ sau khi qua đời lại luôn nằm trong top những ngôi sao quá cố kiếm được nhiều tiền nhất.
Cũng từ đây, một loại hình kinh doanh mới nhanh chóng xuất hiện và ngày càng chứng tỏ khả năng hái ra tiền trong thời buổi hiện nay: kinh doanh tên tuổi những người quá cố. Tại Mỹ có hẳn những công ty chuyên về lĩnh vực này với công việc chính là đại diện cho những nghệ sĩ quá cố để kinh doanh những thứ liên quan đến họ.
Điển hình là trường hợp “vua nhạc pop” Michael Jackson. Hai năm kể từ sau ngày Michael qua đời, người ta ước tính lợi nhuận thu được từ các sản phẩm như album, các bản nhạc download trực tuyến, nhạc chuông, phim tài liệu, tiền bán bản quyền, tổ chức tour tham quan những nơi ở của Michael Jackson đã vượt quá con số 300 triệu USD.
Số tiền này hứa hẹn tiếp tục tăng thêm 200-250 triệu USD sau khi người quản lý tài sản của Michael ký hợp đồng với Hãng Sony Music Entertainment phát hành 10 album nhạc của anh đến năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận