20/12/2007 05:00 GMT+7

Làm gì khi đau từ vai lên cổ?

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Nhiều người đau từ cổ đến vai đã đi khám và điều trị thoái hóa cột sống cổ nhưng không bớt. Có những tổn thương chóp xoay gây ra đau từ vai lên đến cổ làm nhầm lẫn giữa tình trạng thoái hóa cột sống cổ và viêm hay rách chóp xoay.

yG8RR0Rj.jpgPhóng to
Khớp vai là khớp được sử dụng nhiều trong đời người.- Ảnh có tính minh họa
TT - Nhiều người đau từ cổ đến vai đã đi khám và điều trị thoái hóa cột sống cổ nhưng không bớt. Có những tổn thương chóp xoay gây ra đau từ vai lên đến cổ làm nhầm lẫn giữa tình trạng thoái hóa cột sống cổ và viêm hay rách chóp xoay.

Khi bạn có viêm hay rách chóp xoay, triệu chứng đầu tiên là đau ở vùng vai. Cơn đau có đặc điểm đau vùng vai lan lên tới cổ, lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng khuỷu tay, trừ một số trường hợp có kèm theo viêm mỏm trên lồi cầu cánh tay sẽ có cảm giác đau tới cổ tay. Đau vào đêm khuya đôi khi làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hay đứt chóp xoay, chủ yếu do lão hóa, thiếu máu nuôi làm đứt gân.

Bệnh lâu ngày dẫn tới rách chóp xoay sẽ làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu sẽ có một cung đau tức là ở một đoạn nào đấy gây đau, các đoạn còn lại không bị đau; rách nặng hơn. Điều đó làm bệnh nhân không giơ tay lên được, hay giơ lên được nhưng khi hạ tay xuống sẽ bị rớt đột ngột tay mà không thể giữ lại được.

Khi bạn đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp khám đặc biệt để phát hiện gân nào trong số bốn gân bị viêm hay rách.

Tùy thuộc tình trạng viêm hay rách chóp xoay, rách lớn hay nhỏ, tuổi bệnh nhân mà sẽ có những chiến lược điều trị khác nhau. Thông thường sẽ bắt đầu bằng việc điều trị bằng thuốc kháng viêm giảm đau, giãn cơ kèm thêm việc tập vật lý trị liệu làm hạ vai xuống.

Trong trường hợp uống thuốc không bớt hoặc chóp xoay bị rách thì phương án tiếp theo sẽ là mổ khâu lại gân. Có nhiều phương pháp mổ nhưng hiện tại đa số áp dụng phương pháp nội soi. Phương pháp nội soi cho kết quả tương đương mổ mở nhưng làm giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh hơn. Vết mổ nhỏ hơn, ít đau sau mổ. Tuy vậy phương pháp này đòi hỏi phẫu thuật viên phải được huấn luyện kỹ để quen với kỹ thuật, bệnh viện cần trang thiết bị nhiều hơn và giá thành cao hơn. Hiện tại TP.HCM đã triển khai phương pháp mổ nội soi này ở một số ít bệnh viện.

Sau khi mổ xong bệnh nhân cần hạn chế cử động tay trong khoảng thời gian ít nhất 3-6 tuần để gân lành và sau đó là chương trình tập vật lý trị liệu để lấy lại tầm hoạt động cho khớp vai. Tỉ lệ gân lành chung là khoảng 75%, tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân hài lòng, bớt đau sau mổ lên đến 90% hoặc hơn tùy theo tác giả.

Làm gì để hạn chế chóp xoay rách? Lời khuyên là đừng nên coi thường những cơn đau ở vai, những dấu hiệu đau đầu tiên có thể là tình trạng viêm, nếu cố gắng hoạt động để hi vọng lướt qua cơn đau mà không được điều trị sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn dẫn đến rách gân. Điều trị thuốc sớm và nghỉ ngơi ở giai đoạn viêm có thể hạn chế tình trạng rách gân. Một khi gân đã bị rách thì việc mổ khâu lại sớm sẽ có kết quả tốt hơn, giá thành thấp hơn do dùng ít chỉ khâu hơn. Thời gian hồi phục nhanh hơn.

Vai trò của chóp xoay

Chóp xoay là nhóm gồm bốn cơ của khớp vai theo thứ tự từ trước ra sau đó là cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ này có tác dụng giữ vững khớp vai một phần không cho trật khớp và có nhiệm vụ cử động vai giúp khớp vai là khớp duy nhất trong cơ thể có tầm vận động rất lớn. Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người và đây cũng chính là điểm làm cho chóp xoay dễ bị viêm hay đứt.

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên