02/01/2017 14:36 GMT+7

Làm gì để phòng ngừa “tự dưng... phạm pháp”?

 PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Hiện nay ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào cứ đụng đến là đều phát hiện vi phạm pháp luật ở mức độ khác nhau. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.

Nguy hiểm hơn đó là nguy cơ nhiều cán bộ, công chức phải vướng vào vòng pháp luật.

Hành vi vi phạm ở đây là vô ý vì quá tự tin hay hội chứng đám đông, bắt chước một cách có chủ định. Nhiều trường hợp người vi phạm đã có kinh nghiệm lâu năm trong công tác chuyên môn được giao, luôn đinh ninh rằng việc mình làm là đúng nhưng khi cơ quan chức năng viện dẫn, áp dụng các quy định pháp luật thì mới biết mình sai.

Hoặc nhiều người có suy nghĩ người ta làm được, mình làm được, họ làm không sao chắc mình cũng vậy. Đó là tình trạng biết có thể sai nhưng mọi người đều làm, cơ quan, tổ chức khác cũng làm nên làm theo và cuối cùng là tất cả đều vi phạm, bị xử lý.

Các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong quản lý kinh tế - xã hội, nhiều khi người thực hiện hành vi vi phạm không biết, thậm chí không thể biết mình đã làm sai. Cứ như vậy, các hành vi vi phạm cứ nối tiếp xảy ra và cho đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Nguyên nhân một phần là do hệ thống văn bản pháp luật của nước ta khá phức tạp, chưa hoàn chỉnh, thường xuyên thay đổi, vì vậy nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cập nhật kịp thời sẽ dễ dẫn đến sai phạm.

Ngoài việc áp dụng quy định pháp luật, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn áp dụng thêm quy định tự đặt ra nên sinh ra rối rắm. Điển hình cho trường hợp này là tình trạng cán bộ, công chức sinh con thứ ba. Pháp luật hiện hành không có quy định nào xử lý kỷ luật đối với hành vi sinh con thứ ba. Tuy nhiên, căn cứ nội quy, quy chế của một số cơ quan, tổ chức thì việc sinh con thứ ba là vi phạm, bị xử lý. Từ đó dẫn đến tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, nơi thì xử lý, nơi thì không.

Để ngăn chặn tình trạng “tự dưng... phạm pháp”, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt cần phải có sự tương thích giữa các quy định pháp luật với điều lệ, nội quy, quy chế, cơ quan. Sớm sửa đổi, bổ sung kịp thời những vướng mắc, bất cập để tránh kẽ hở, “khoảng trống” pháp luật dẫn đến mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Đối với những trường hợp pháp luật quy định chưa cụ thể, đầy đủ, theo kiểu hiểu thế nào cũng được thì tuyệt đối không được xử lý những người “vô tình” vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhằm tránh tình trạng xử lý oan, sai người vô tội.

Cần xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân lợi dụng kẽ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, đặc biệt là “khoảng trống” pháp luật để cố ý trục lợi hoặc thiếu trách nhiệm, cố tình đẩy người khác vào vòng lao lý gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên