24/04/2022 09:03 GMT+7

Làm gì để mang văn chương ra thế giới?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Quảng bá văn chương ra thế giới là mong muốn của nhiều nước, nhưng để làm việc này, không chỉ trông đợi vào các hội nhà văn hay dịch giả mà còn cần một tầm nhìn chiến lược của chính phủ.

Làm gì để mang văn chương ra thế giới? - Ảnh 1.

Một thành viên trong nhóm chuẩn bị gian hàng sách của Indonesia đứng cạnh kệ sách của nước này dự Hội chợ sách Frankfurt 2016 - Ảnh: Jakarta Post

Có thể thấy hầu như các nước đều có ngân sách cho việc dịch và giới thiệu văn học, nhưng quy mô và chiến lược rất khác nhau. Trong tuần lễ hướng về Ngày sách và văn hóa đọc, chúng ta cùng xem cách Hàn Quốc (một nước phát triển) đã có chiến lược lâu dài và Indonesia (một nước đang phát triển ở Đông Nam Á chỉ vừa khởi động chiến lược chưa đầy 10 năm) đã có những bước đi và thành quả đáng tham khảo ra sao trong câu chuyện này.

Quảng bá sách nên là một phần trong công tác ngoại giao ở các đại sứ quán của chúng ta trên toàn thế giới. Sách có thể ảnh hưởng tới mọi người, giống như những tác phẩm sáng tạo khác, có thể được xem như một phần trong nỗ lực của chúng ta để củng cố sức mạnh mềm của quốc gia, theo đó nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.

Nhà văn Okky Madasari (Indonesia)

Hàn Quốc và hơn 1/4 thế kỷ

Năm ngoái, Viện Dịch thuật văn chương Hàn Quốc (LTI Korea) kỷ niệm 25 năm thành lập với tiền thân là Quỹ Dịch thuật văn chương Hàn Quốc - ra đời năm 1996, với sứ mệnh quảng bá văn chương của xứ sở kim chi ra thế giới.

"Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là kiến tạo văn chương Hàn Quốc như một phần của văn chương thế giới" - bà Sooyun Yum, trợ lý điều hành của LTI Korea, chia sẻ với tạp chí Asymptote.

Cho tới năm 2021, LTI Korea gồm 4 bộ phận khác nhau với 57 nhân viên đã bao quát tất cả những việc cần làm để kết nối, phổ biến văn chương. Kể từ sự kiện đầu tiên năm 2006 đến nay, Liên hoan Nhà văn quốc tế Seoul do LTI Korea tổ chức đã mời hơn 240 nhà văn từ 54 quốc gia tới Hàn Quốc.

Trong năm 2021, LTI Korea chi khoảng 1,8 tỉ won (1,5 triệu USD) cho các dịch giả, nhà xuất bản, các tổ chức/viện văn học. Họ cũng chi 1,6 tỉ won (1,3 triệu USD) cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm của Hàn Quốc,

160 triệu won (135.000 USD) cho các NXB quốc tế để làm các sự kiện tiếp thị và quảng bá. Ngoài ra, LTI Korea cũng cấp 60 triệu won (50.000 USD) để tổ chức những sự kiện quảng bá văn chương Hàn Quốc. Năm 2020, đơn vị này hỗ trợ 159 dự án dịch thuật, 170 dự án xuất bản và 86 sự kiện văn chương quốc tế.

Cũng theo bà Sooyun Yum, LTI Korea có 5 chương trình tài trợ cho việc dịch thuật và xuất bản văn chương Hàn Quốc dành cho dịch giả của mọi ngôn ngữ có mong muốn chuyển ngữ một tác phẩm văn chương nào đó của Hàn Quốc sang một ngôn ngữ chưa được dịch.

Làm gì để mang văn chương ra thế giới? - Ảnh 3.

Bìa vài tác phẩm văn học Hàn Quốc, Indonesia đã xuất bản tại VN

Indonesia và "cú hích Frankfurt"

8 năm trước, tháng 3-2014 Indonesia thành lập Ủy ban Sách quốc gia (National Book Committee - KBN). Và cũng kể từ đó, quốc gia Đông Nam Á này mới có chương trình tài trợ cho dịch thuật văn học bằng ngân sách chính phủ.

Việc thành lập KBN được thôi thúc từ thực tế năm 2015 Indonesia được chọn là khách mời danh dự tại Hội chợ sách Frankfurt (Đức) sau hàng thập niên theo đuổi mục tiêu bất thành. 18 tháng trước khi hội chợ diễn ra, KBN ra đời với nhiệm vụ chuẩn bị sách cũng như các hoạt động khác. 

Theo số liệu trên trang web của UNESCO, Chính phủ Indonesia đã chi khoảng 11 triệu USD cho việc tham gia và quảng bá sách của họ tại Hội chợ sách Frankfurt 2015 và khoảng 300.000 USD cho Hội chợ sách quốc tế Indonesia cùng năm đó.

Từ "cú hích Frankfurt", KBN tiếp tục duy trì hoạt động ổn định dưới sự quản lý của Bộ Văn hóa và giáo dục Indonesia. Theo chia sẻ của bà Laura Prinsloo, chủ tịch KBN, với báo Jakarta Post (Indonesia), KBN có chương trình tài trợ cho các NXB nước ngoài đã mua bản quyền dịch tác phẩm của Indonesia có tên I-LIT. 

Chẳng hạn, năm 2018 KBN chọn được 70 tựa từ 131 đề cử, gồm các tác phẩm dịch ra 6 ngôn ngữ tại hơn 10 quốc gia. Những tác phẩm chọn sẽ được hưởng tài trợ 100% chi phí dịch thuật. "Tài trợ dịch thuật đã khuyến khích các NXB nước ngoài in tác phẩm của Indonesia tại nước họ", bà Prinsloo nói.

Việt Nam cần chiến lược phát triển quỹ dịch thuật

* Dịch giả Lệ Chi, phó chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn TP.HCM: Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của việc thành lập, phát triển quỹ dịch thuật để đưa sách bản địa ra thế giới và cần một chiến lược cụ thể, kỹ càng cho nó.

Nếu quỹ dịch thuật được cung cấp hằng năm, ban đầu có thể kinh phí có hạn, số tác phẩm được dịch chưa nhiều, nhưng dần dần con số này sẽ tăng lên hằng năm. Chỉ khi có sản phẩm dịch trong tay, chúng ta mới có thứ mang đi giới thiệu và giúp các nước bạn hiểu mình.

* Dịch giả Hiền Nguyễn, chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn TPHCM: Hội đồng văn học dịch thuộc Hội Nhà văn TP.HCM ra mắt hôm 8-4-2022 là khởi đầu quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa văn học Việt Nam nói chung và giới thiệu văn học khu vực miền Nam ra thế giới nói riêng. Theo tôi, hội đồng này cần xây dựng chiến lược phù hợp theo từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu (2022 - 2023) cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn chương song phương và đa phương, phát triển và hỗ trợ đội ngũ (dịch giả, chuyên gia, công ty đại diện bản quyền…), xây dựng giải thưởng văn học dịch, xây dựng mạng lưới giữa các bên liên quan, xây dựng thư viện văn học dịch…

Giai đoạn tiếp theo (2024 - 2025) nên tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch và xuất bản văn học Việt Nam ra các ngôn ngữ khác (khi đã có nguồn nhân lực và tài lực), xây dựng nền tảng giới thiệu và quảng bá văn học dịch Việt Nam và thế giới, xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về dịch văn học…

* Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được dịch sang tiếng Việt: Cô gà mái xổng chuồng, Người ăn chay, Hãy chăm sóc mẹ, Bố con cá gai, Thác mặt trời, Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi... Ngoài Người ăn chay (The Vegetarian) của Han Kang giành Giải Booker quốc tế năm 2006, tập thơ Hysteria của Kim Yideum là một thành công bất ngờ khác của văn học Hàn Quốc ở Mỹ vì đã giành Giải thưởng dịch thuật quốc gia Mỹ và Giải dịch thuật châu Á Lucien Stryk năm 2019; tiểu thuyết The Disaster Tourist (Du lịch thiên tai) của Yun Ko-eun giành Giải Dao găm dịch thuật của Hiệp hội Nhà văn tội phạm (CWA) tại Anh năm 2021.

* Một số tác phẩm văn học Indonesia đã ra mắt độc giả Việt Nam: Chiến binh cầu vồng, Đẹp là một nỗi đau…. Trong đó, Chiến binh cầu vồng đã bán được trên 5 triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Việt Nam hụt cơ hội đề cử giải Nobel văn chương vì... thư đến trễ Việt Nam hụt cơ hội đề cử giải Nobel văn chương vì... thư đến trễ

TTO - Ngày 17-2, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - nhận được thư đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam để xét giải Nobel văn chương năm 2022 từ Ủy ban Nobel (thuộc Viện Thụy Điển).

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên