02/02/2017 10:47 GMT+7

Làm gì để giữ sức khỏe khi đi du học?

 HOÀNG DUY ghi
HOÀNG DUY ghi

TTO - Tiến sĩ Dương Quang Trung, giáo sư Trường đại học Queen’s University Belfast (Anh), chia sẻ vài kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe cho các sinh viên, nghiên cứu sinh đi nâng cao trình độ tại nước ngoài, nhất là các nước xứ lạnh.

*** Error ***
Tiến sĩ Dương Quang Trung (phải) và tác giả Hoàng Duy - Ảnh: tác giả cung cấp

Rời Việt Nam sang nước ngoài đi học và làm việc là phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và nhiều thứ khác, trong đó quan trọng nhất là môi trường sống (khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, nước uống...).

Nhiều bạn do không phù hợp môi trường sống nên hay bị đau ốm, không có người thân bên cạnh dẫn đến chán nản, ảnh hưởng không ít đến việc học tập và làm việc. Nhằm tránh rơi vào tình trạng này, các bạn cần lưu ý một số việc như sau:

1. Về ăn uống: Cần ăn nhiều rau, trái cây. Cơ địa người Việt phù hợp ở xứ nóng, sống trong nước ăn rau củ sao cũng được.

Nhưng xứ lạnh mùa đông độ ẩm thấp, khả năng cơ thể, đặc biệt là hệ bài tiết, hoạt động kém đi. Cho nên thành phần rau xanh, xà lách luôn cần có trong các bữa ăn hằng ngày, rất cần uống nhiều nước cam để tăng sức đề kháng.

Nhiều sinh viên ăn căngtin hay nhà hàng lượng rau ít dễ dẫn đến táo bón.

2. Cố gắng tập thói quen tự nấu ăn: Mỗi ngày nên dành ra 60-90 phút để nấu nướng. Ngoài việc tiết kiệm, vấn đề chính là nó vừa miệng.

Đừng sợ mất thời gian, cứ coi nấu nướng là giải trí. Sau một ngày học hành, làm việc căng thẳng, về nhà chui vào bếp, tự tay làm món ăn gì đó cũng giải tỏa được sức ép tinh thần trong cuộc sống.

Chỉ cần lên Google Search món ăn, ở đấy có hướng dẫn cách làm nhiều món ngon ngoài cao lầu, bánh mì thịt, phở, bún bò...

3. Tăng cường chơi thể thao: Cái này tối quan trọng. Thanh niên mà tối ngày cứ thức khuya chơi game người sẽ lờ đờ, không có sức sống. Nên chơi thể thao tối thiểu 1 tuần 2 lần với cường độ cao.

Có thể đá bóng trong vòng ít nhất một giờ. Chơi thể thao là cách để cơ thể bài tiết mồ hôi, thải ra chất độc. Ở các nước hàn đới, chạy cả giờ đồng hồ mới ra được mồ hôi nên cần phải vận động nhiều.

4. Về dị ứng: Cái này nhiều bạn ít để ý nhưng lại là điều rất phiền toái. Cơ địa của phần lớn người VN mình ít phù hợp với môi trường nước ngoài.

Cho nên phải rất cẩn thận với việc dị ứng. Mùa đông thì dị ứng da và mũi. Mùa hè là dị ứng phấn hoa.

Bạn nào ở VN hay bị mề đay, viêm xoang hay hen suyễn cần phải cẩn thận hơn. Tôi nhớ có một sinh viên than “em bị ghẻ hay sao anh ơi, ngứa quá” rồi chỉ mảng da đỏ lè.

Tôi cho biết đó là do khô da, khuyên em phải dùng kem giữ ẩm liên tục trong mùa đông.

Da khô dẫn đến bị ngứa, rồi gãi gây bong tróc và hư vùng da đó, rất khó lành. Nghe lời mình, bạn ấy dùng kem, bôi xong thì hết “ghẻ” luôn.

Trong dị ứng thì phấn hoa là kinh dị nhất. Triệu chứng nhẹ là hắt xì, chảy nước mắt, ngứa mắt. Triệu chứng nặng là ho. Nhiều bạn tưởng là ho do viêm họng, viêm phổi, uống thuốc hoài không hết. Thật ra do dị ứng.

Kinh nghiệm cho thấy trữ thuốc chống dị ứng Telfast HD 180mg mua ở VN (mỗi ngày uống 1 viên). Dị ứng loại này năm đầu tiên ít thấy, phải ở lâu mới thấy vì lượng phấn hoa vào cơ thể vào máu, sau 1 - 2 năm mới mạnh lên, gây kích thích.

Nói chung phải rất cẩn thận do không có cách gì trị vĩnh viễn dị ứng, phải chấp nhận “sống chung với lũ”.

5. Làm thêm: Nhiều bạn hỏi có nên đi làm thêm hay không. Mình có lời khuyên là tùy vào công việc. Các bạn học PhD (làm nghiên cứu) tuyệt đối không nên làm thêm.

Thứ bảy, chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi, hồi phục sức lực sau một tuần làm việc. Đừng ham kiếm thêm mấy đồng mà lao vào làm thêm ở ngoài, về nhà sẽ mệt nhoài, đến mai lên lớp không nổi thì sức đâu làm nghiên cứu.

Tiền lúc nào có thể kiếm bao nhiêu cho đủ? Cứ tập trung làm khoa học cho tốt, sau này ra trường có công việc rồi thì tha hồ hốt bạc.

HOÀNG DUY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên