17/04/2005 13:53 GMT+7

Làm gì để công chúng không quay lưng với "hàng nội"??

NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ

TTCN - Liệu Đại hội Hội Nhà văn VN sắp khai mạc sẽ giải quyết những vấn đề trên như thế nào để có nhiều tác phẩm “nội địa” được đông đảo công chúng hưởng ứng và hội nhập được thế giới?

nl4BMGn5.jpgPhóng to
Nhiều bạn đọc chỉ thích đọc sách văn học dịch
TTCN - Liệu Đại hội Hội Nhà văn VN sắp khai mạc sẽ giải quyết những vấn đề trên như thế nào để có nhiều tác phẩm “nội địa” được đông đảo công chúng hưởng ứng và hội nhập được thế giới?

Trong thời gian diễn ra Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM, liên tiếp trên hai số báo Tuổi Trẻ (ngày 11 và 12-3) có hai ý kiến đăng trên trang 1: “Hàng loạt tác phẩm của nhà văn TP.HCM như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi” (nhà văn Nguyễn Thúy Ái) và “... đọc sách thì phải rút ra một điều gì có ích cho cuộc sống. Nhưng nhà văn hiện nay ít khi thấy đề cập những vấn đề đó, cho nên tôi không đọc văn trong nước nữa” (Thành Trung).

Đọc những dòng này, đúng như nhà báo T.A.Đ. (Tuổi Trẻ ngày 11-3) đã viết: “Nghe thật đau lòng...”. “Đau” cho người viết đã đành mà cũng “đau” cho tổ chức hội và “cơ chế” đã sinh ra các hội vì đã tốn bao công sức lo cho nhà văn sáng tác; hằng năm Nhà nước (trung ương và địa phương) tuy chưa phải là hào phóng và cũng chưa thấm gì so với đầu tư cho truyền hình và bóng đá (chẳng hạn) cũng đã bỏ ra nhiều tỉ đồng nuôi các “bộ máy” văn nghệ và cấp tiền trực tiếp cho nhà văn viết tác phẩm. Như thế, nếu quả là tất cả tác phẩm viết ra, in ra đều không đáng đọc, rơi vào quên lãng thì thật đau lòng. Nhưng có đúng thế không?

Hẳn là không ai phủ nhận tình trạng văn học (cũng như phim ảnh, sân khấu...) trong nước còn nhiều hạn chế, chưa sánh được với những nền văn nghệ lớn trên thế giới. Có thể dễ dàng dẫn ra nhiều lý do đã đưa đến tình trạng này: trước hết là do tài năng, bản lĩnh nhà văn còn thiếu, rồi do cơ chế và cách đánh giá tác phẩm không thích hợp với đặc thù sáng tạo nghệ thuật nên “mỗi nhà văn khi viết đều có mang trong đầu một tinh thần tự kiểm duyệt trước, vì sợ rằng mình viết như thế thì sẽ không được in, sẽ bị phê bình” (nhà thơ Phạm Sĩ Sáu), rồi do đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm...

Để khắc phục tình trạng trên phải có sự cố gắng đồng bộ từ nhiều phía và phải có thời gian vì tác phẩm văn nghệ không phải là thứ mì ăn liền; muốn có tác phẩm “in dấu ấn thật sự sâu đậm” thì nhiều khi còn là nhờ Trời cho nữa (tài năng vốn là đặc ân của tạo hóa ban cho rất ít người mà)!

Tuy vậy, từ tình trạng nói trên mà cho rằng văn chương trong nước không đáng đọc thì không thỏa đáng, không thật chính xác. Bạn Thành Trung (và những ai đó nữa) có quyền “không đọc văn trong nước nữa” nhưng xin được hỏi: Trong “rừng” sách văn học VN hiện nay, bạn đã đọc được mấy phần trăm? Thật ra, hầu hết các nhà văn VN đều biết “phận” mình, tài mình đến đâu, chẳng cần ai đề cao, tâng bốc; chỉ cần được nhìn nhận một cách công bằng trên cơ sở một cảm quan văn chương đúng đắn, phù hợp với những điều kiện mới.

Do đó, điều đáng bàn hơn là tìm ra cách thức quảng bá những giá trị đích thực của văn chương trong cơ chế thị trường và trong khi “văn hóa nghe-nhìn” đang lấn át, thậm chí đè bẹp “văn hóa đọc”... Cứ dạo qua các trung tâm sách, chúng ta sẽ thấy không chỉ “văn trong nước” ít người mua mà nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới cũng bị xếp vào sách hạ giá dù chỉ in 1.000-2.000 cuốn cho hàng chục triệu người biết đọc! Điều này lại càng đáng “đau lòng” vì nó chứng tỏ một sự suy thoái tinh thần và văn hóa của cả cộng đồng.

Ngay cả những tác giả, tác phẩm kinh điển vĩ đại của thế giới như Anh em nhà Karamadôp của Đôxtôiepxki, Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi, Đi tìm thời gian đã mất của M.Proust..., bạn đọc hôm nay mấy người còn đủ kiên nhẫn đọc lại một cách mê say? Trong khi đó, một số tiểu thuyết của các nữ văn sĩ Trung Quốc đang gây dư luận (không bị chê là “mờ nhạt”) là nhờ viết về tình dục (sex) một cách bạo liệt và trần trụi. Đó có là thị hiếu “thấp kém” không? Rõ ràng là những chuẩn mực giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn chương đang có những đổi thay không dễ gì đưa ra một kết luận vội vàng và độc đoán.

Lại còn việc tổ chức các hội nên cải cách như thế nào cho phù hợp với cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp mà vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời vẫn mở rộng chân trời sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Vấn đề này đã được nhà thơ Thanh Thảo và nhà phê bình Lại Nguyên Ân nêu công khai trên một số báo. Đây là một chuyên đề gay cấn không chỉ đối với những người hoạt động văn nghệ mà đã được cân nhắc đưa lên bàn các vị lãnh đạo cấp cao nhiều lần.

Thiết nghĩ, do tính “lịch sử” của nó, không thể giải quyết vấn đề một cách vội vàng (như ý kiến nhà văn Nguyên Ngọc trên Tuổi Trẻ ngày 9-4, tuy ý tưởng là đúng đắn nhưng không thể tức khắc “...chấm dứt sự tài trợ cho các hội. Cứ để các hội tự sống, không sống được thì chết”). Theo tôi, cách giải quyết phải là từng bước, trước mắt nhất thiết không mở rộng biên chế các hội, không lấy thêm biên chế thế chỗ cho số người về hưu, thiết lập dần cơ chế “phi hành chính hóa” các hội...

Liệu Đại hội Hội Nhà văn VN sắp khai mạc sẽ giải quyết những vấn đề trên như thế nào để có nhiều tác phẩm “nội địa” được đông đảo công chúng hưởng ứng và hội nhập được thế giới? Vấn đề thật không đơn giản, nhưng với 500 nhà văn - những con người vốn giàu trí tưởng tượng, sáng tạo, được ngồi lại bên nhau sau năm năm chiêm nghiệm suy xét mọi lẽ đúng-sai, thật-giả ở đời, chúng ta có quyền hi vọng và chờ đợi

*Xem tất cả những tin bài của Diễn đàn văn học "Người đọc đang chờ đợi gì ở các nhà văn?"

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên