30/04/2012 08:11 GMT+7

Làm gì để chống bóc lột trẻ em?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em đang là một trong những vấn đề xã hội. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoa Nam, phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh và xã hội, nói:

eA26FuWz.jpgPhóng to
Ông Đặng Hoa Nam
- Ở VN cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, trẻ em phải tham gia lao động kiếm sống sớm, bị bóc lột sức lao động hoặc phải lao động nặng nhọc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại. Không thể phủ nhận ngày càng xuất hiện thêm nhiều hình thức sử dụng lao động trẻ em trá hình, nhiều cách bóc lột sức lao động trẻ em tinh vi.

* Đâu là cơ sở để xác định việc lạm dụng lao động trẻ em, thưa ông?

- Nhiều quốc gia cho rằng phải cấm lao động trẻ em dưới mọi hình thức. Tại một hội nghị quốc tế về lao động trẻ em tồi tệ, người ta đưa ra những bức ảnh cho thấy trẻ em đang lau dọn, quét sàn tại chính phòng ở của chính các em trong các trung tâm bảo trợ xã hội và coi đó là bóc lột lao động.

Theo tôi, vấn đề lao động trẻ em còn gắn liền với văn hóa của mỗi dân tộc. Ở VN, trẻ làm việc nhà trong gia đình, giúp đỡ bố mẹ tăng thu nhập, hay như trẻ nông thôn tham gia vụ mùa, trẻ ở miền núi đi kiếm củi không phải là lao động tồi tệ. Việc xác định lao động tồi tệ hay là lao động bình thường phải căn cứ vào nhiều tiêu chí. Lao động tồi tệ là khi trẻ em làm việc không phù hợp với độ tuổi, trẻ bị bóc lột sức lao động, không được trả lương xứng đáng, quá giờ quy định, không được chăm sóc khám sức khỏe, không được đi học, vui chơi giải trí, lao động trong môi trường độc hại.

"Khi đi dự một đám cưới tại Hà Nội, tôi thật sự xót xa khi ở dưới khách khứa ăn uống linh đình, trên sân khấu một cậu bé được giới thiệu trong top 10 cuộc thi Đồ Rê Mí nhảy múa, hát hò. Em hát bài rock với những lời “anh yêu em”, “em yêu anh” rất không phù hợp. Nhiều người đều thấy phản cảm, không ổn tí nào, nhưng vì những quy định hiện tại chưa đề cập thì biết xử lý thế nào đây?"

Ông Đặng Hoa Nam

* Có nhiều cơ sở sản xuất sử dụng lao động trẻ em lập lờ danh nghĩa “lao động giúp đỡ gia đình” để bóc lột sức lao động của trẻ. Trẻ em lao động tại các cơ sở này được biện minh là con cái, họ hàng chứ không phải đối tượng lao động đi thuê...

- Thực trạng lao động tồi tệ, bóc lột sức lao động trẻ em chủ yếu phát sinh ở khu vực phi kết cấu, cơ sở sản xuất không phép, trái pháp luật như bãi vàng, khai thác than thổ phỉ, khai thác đá, cơ sở may, lao động trẻ em trong dịch vụ như nhà hàng, cơ sở ăn uống, trẻ em giúp việc gia đình... Tóm lại, ở nhóm phi kết cấu có nguy cơ cao và cần quy định cụ thể của pháp luật, cần phải thanh tra xử lý.

* Trẻ em giúp việc trong gia đình từng được bàn thảo để đưa vào thành quy định của luật, nhưng đến nay vẫn chưa có những quy chuẩn cần thiết để bảo vệ các em?

- Tôi cũng ở trong tổ biên tập dự thảo nghị định về lao động giúp việc trong gia đình, trong đó có đối tượng trẻ em. Ý tưởng ban đầu là để tạo hành lang pháp lý bảo vệ đối tượng lao động đặc biệt này, trong đó có trẻ em và người chưa thành niên. Nhưng khi xây dựng thành văn bản pháp luật thì thấy cần quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nữa, bên cạnh quyền của lao động giúp việc gia đình còn có quyền của người sử dụng lao động, hợp đồng sẽ quy định thế nào, tài sản của người chủ nếu bị xâm hại sẽ xử lý ra sao...

* Tổ chức Lao động quốc tế đang kêu gọi toàn cầu xóa bỏ lao động trẻ em tồi tệ vào năm 2016. VN liệu có “nhập” được vào lộ trình này khi các thống kê cho thấy số trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm ở mức 25.000-30.000 em?

- Đúng là theo báo cáo của các tỉnh thành thì số trẻ phải lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại hiện dao động quanh mức 25.000-26.000 trẻ, nhưng nói thật đây là kết quả thống kê chưa bài bản. Ngoài một vài tỉnh được triển khai dự án nghiên cứu về tình hình lao động trẻ em có thống kê đầy đủ, nhiều tỉnh trong báo cáo gửi về bộ bỏ trống hoàn toàn cột thống kê lao động trẻ em. Cũng không thể trách địa phương được khi cơ cấu tổ chức hiện tại thiếu cán bộ được giao làm công tác trẻ em ở xã, phường. Trẻ là đối tượng luôn gắn với gia đình, cộng đồng, không có cán bộ cơ sở hay cộng tác viên tại địa bàn thì rất khó có thống kê, báo cáo đầy đủ, kịp thời.

Tôi muốn nhấn mạnh, dù còn không ít khó khăn, thách thức, tôi cho rằng VN sẵn sàng tham gia vào cam kết xóa bỏ lao động tồi tệ ở trẻ em theo lộ trình toàn cầu.

* Khó khăn lớn nhất trong giải quyết lao động trẻ em tồi tệ ở VN hiện nay là gì, thưa ông?

- Tôi muốn nói nhiều hơn đến việc xây dựng pháp luật. Theo tôi, ngoài việc nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cần bổ sung quy định không cho phép trẻ em tham gia lao động trong môi trường không phù hợp với trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần, cả từ góc độ pháp lý và đạo lý. Xây dựng quy định pháp lý về lao động trẻ em không nên sa đà vào quy định nghề gì, công việc gì thì nghiêm cấm hoặc được sử dụng có điều kiện. Muốn pháp luật bao quát, không bỏ sót và tránh “lách luật”, cần quy định những tiêu chí cụ thể về những tác động của công việc đối với trẻ em. Tức là lấy trẻ em làm chủ thể để đánh giá tác động.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên