18/11/2014 09:20 GMT+7

Dụ - dọa - dạy - dỗ: để trò chịu khó học

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Âm thầm đóng học phí để trò tiếp tục đến lớp, bảo lãnh với nhà trường để trò không dở dang trước ngày tốt nghiệp...

Cô Phan Thị Hiền Lương (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Phú Nhuận) tư vấn hướng nghiệp cho học trò - Ảnh: Q.L.

Đó là những câu chuyện đẹp vẫn lặng lẽ diễn ra mỗi ngày tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Phú Nhuận (TP.HCM).

Năm nay trung tâm có đến bốn cô giáo trẻ được Thành đoàn TP.HCM vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”. Trong bảy năm giải thưởng này hình thành, hầu như năm nào trung tâm cũng có nhà giáo được tuyên dương.

Dụ - dọa - dạy - dỗ

186 “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”

Hôm nay 18-11, Thành đoàn TP.HCM sẽ vinh danh và trao giải thưởng cho 186 “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp thành phố năm 2014.

Dù ở cấp mầm non hay đại học, các nhà giáo trẻ (từ 35 tuổi trở xuống) đều có những sáng kiến, mô hình hay, phương pháp mới áp dụng vào quá trình giảng dạy và đem lại hiệu quả cho học trò.

Các điển hình đều tiêu biểu trong đạo đức, chuyên môn và cống hiến.

Trong đó, không ít thầy cô giáo trẻ lần thứ năm liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng được bình chọn và tuyên dương dịp 20-11 hằng năm này.

Phải nói ngay đây là công thức được không ít thầy cô tại trung tâm tạm đúc kết cho quá trình giảng dạy của họ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Ly - nhà giáo trẻ tiêu biểu ba năm liên tiếp - chia sẻ: “Học trò của mình nhiều hoàn cảnh mà phần lớn đều khó khăn, có em thật sự lúc vào trường chưa ngoan nên vừa phải dạy vừa phải dỗ, có khi còn phải dọa và cả dụ các em chịu khó học để sau này bớt khổ”.

Mãi sau khi tốt nghiệp rời khỏi trường, cô học trò Hoàng Ngân mới biết sự thật rằng cô giáo Khánh Ly đã âm thầm đóng mấy tháng học phí (gần 2,5 triệu đồng) cho mình.

Nhà Ngân vất vả, mẹ bệnh suốt, vì nợ mấy tháng tiền học nên cô bé dứt khoát không chịu đến lớp dù cô giáo đến tận nhà vận động đủ kiểu, nói là chỉ cho mượn tiền đóng chứ không cho luôn nhưng cô học trò vẫn lắc đầu.

Bất đắc dĩ, cô Khánh Ly phải nhờ một bạn thân cùng lớp nói đây là tiền của gia đình cô bạn này cho mượn, Hoàng Ngân mới chịu trở lại lớp. “Mình cũng chẳng chờ trò trả lại, cô bé đã tốt nghiệp là mình vui rồi”, cô Khánh Ly nói.

Bảy năm công tác tại trung tâm, cô giáo Nguyễn Thị Hương nói có biết bao câu chuyện học trò cứ nhớ mãi. Làm giáo viên kiêm trợ lý thanh niên, không ít lần bằng những phân tích, tình cảm của mình, cô Hương đã kịp thời giảng hòa, ngăn chặn nguy cơ đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn tuổi học trò.

Cô còn đứng ra bảo lãnh với nhà trường để một nam sinh tạm nghỉ học trong một tháng chờ thi tốt nghiệp vì phải đi làm thêm do gia cảnh quá túng thiếu bởi quy chế nhà trường không cho nghỉ như vậy.

Nhiều học trò ở trung tâm đến từ các tỉnh hoặc là người thành phố thì cũng thuộc diện gia đình khó khăn. Có lúc dở dang việc làm thêm, học trò gọi điện xin nghỉ, thầy cô cũng chỉ biết động viên rồi âm thầm giảng lại bài sau đó.

Cô giáo trẻ Phan Thị Hiền Lương còn dành hẳn hai buổi chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần mở lớp phụ đạo miễn phí môn văn cho học sinh yếu.

Đại gia đình

Ngày nhận quyết định về trung tâm công tác, cô Khánh Ly kể buồn đến mức chỉ muốn xin chuyển đi nơi khác ngay. Nhưng sau sáu năm giờ chuyện đã khác. “Ở đây như một gia đình, đồng nghiệp luôn hỗ trợ nhau cả chuyên môn lẫn đời thường, người này bận thì người kia sẽ giúp đưa đón con cái đi học cùng”, cô Khánh Ly bộc bạch.

Còn cô Nguyễn Thị Hương tự hào: “Mỗi lần nghe ai đó chê học trò trung tâm giáo dục thường xuyên là tôi sẽ nói lại ngay. Ở đây chúng tôi không chỉ là thầy mà còn là bạn, dạy trò làm người chứ không chỉ học văn hóa”.

Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thúy Liễu - giám đốc trung tâm - nói luôn tạo thuận lợi về thời khóa biểu, hỗ trợ một phần chi phí để các thầy cô giáo trẻ có điều kiện học lên cao hơn, cũng như kịp thời lắng nghe để tháo gỡ ngay khó khăn, sao cho mỗi người phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo của họ.

Phó giám đốc Nguyễn Trần Bảo Long bổ sung: “Giáo viên trẻ luôn được đặt ở vị trí trung tâm dù là chuyên môn hay hoạt động phong trào. Vì muốn cải thiện chất lượng học viên, chúng tôi quan tâm trình độ người dạy trước”.

 “Khoảng cách thầy trò ở đây không quá lớn, các em đã quá vất vả để kiếm sống, nhiều gia đình không trọn vẹn nên tạo ra môi trường khiến các em không thấy hụt hẫng, không quá cách biệt là điều trung tâm luôn hướng đến”, thầy Long nói.  

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên