29/01/2014 09:00 GMT+7

Làm ăn với ngựa dễ mà không dễ

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TTC - Thời bây giờ, đi lại người ta phóng xe máy vù vù hoặc lên luôn phi cơ riêng. Những câu chuyện hùng tráng kiểu “vết thù trên lưng ngựa hoang” đã là quá vãng. Tuy nhiên, chuyện “làm ăn” với ngựa thì vẫn còn rất rộn ràng, từ vùng quê mịt mù tới chốn thành thị xa hoa.

5UCKG1Qu.jpgPhóng to

Chị em lên ngựa

Đã qua rồi cái thời xe ngựa “xực tắc” chở hàng bông ra chợ, xe ngựa bây giờ toàn chở khách Tây đi du lịch sinh thái. Về các xã Tân Thạch, Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, không khó để người ta bắt gặp những “bóng hồng” đầu đội nón lá, chân đạp xe thồ ngựa trên khắp các nẻo đường quê. Không chỉ có giọng nói ngọt như đường phèn đúng điệu miền Tây, nhan sắc của các chị cũng vào hàng mặn mà. Tuy nhiên, làm nghề đánh xe ngựa thì những gương mặt trắng hồng này đều phải phơi ra nắng gió từ sáng đến chiều, thành ra ai cũng che khẩu trang kín mít, hôm nào khách hối quá, không che kịp là đỏ ửng lên như Quan Công.

12 giờ trưa, điện thoại gọi xe chở khách rôm rả tíu tít, các chị lật đật khoác áo, ghì cương, lên ngựa, thành thạo chạy trên con đường quê hẹp chỉ vừa một chiếc xe thồ. Mỗi cuốc xe chở khách là 25.000 đồng, phụ nữ cũng như đàn ông, đều phải chịu khó ngồi chờ xoay tua để chở khách, không có ưu tiên. “Ở đây nhiều nhà phụ nữ đánh xe thồ cũng được hơn 20 năm rồi, nhà tui là 5 đời, giờ nữ có tui, con tui với em dâu của tui! Tui đi nhiều tỉnh miền Tây chỉ thấy ở Bến Tre là có thôi, độc nhứt vô nhị đó nghen!”, bà Kim Chấn, một người đánh xe ngựa 53 tuổi, có 25 tuổi nghề rổn rảng cho biết.

Dù đã có “truyền thống” lâu đời như vậy, nữ đánh xe ngựa cũng luôn gặp phải những tình huống rất... khó đỡ, như đang chở khách thì ngựa chứng hất ngã lăn xuống đường, rồi lọt luôn xuống mương. Có khi ngựa cứ phăng phăng chạy một lèo về nhà vì quen đường, thay vì đi tới nhà hàng như lịch trình, làm các chị phải cho ngựa lủi đại vào bụi tre lùm cây để ngừng lại. Bởi vậy trong đội đánh xe ngựa, người nhỏ tuổi nhất thì cũng đã xấp xỉ 30 tuổi, “còn trẻ quá mà suốt ngày luần quần với mấy con ngựa, hết chở tới cắt cỏ, dọn phân rồi té lên té xuống, làm sao nó có chồng con gì được!”- chị Kim Em, làm chung với chồng cho biết. Tuy nhiên, làm nghề này cũng có lắm cái vui, vui nhất là khi được người trên huyện xuống mướn xe đi đưa dâu. Mỗi lần như vậy là cả đội ngựa chộn rộn trang trí cho ngựa, từ cắt lá dừa thành mái che hình trái tim trên chiếc xe thồ tới gắn dây kim tuyến, gắn bông cho ngựa. Khoản này thì xe của các chị phải ăn đứt độ điệu với xe của các anh rồi. Mà ngay cả các chị cũng có dịp “điệu” luôn, đi ăn đám cưới mà, thay cho khẩu trang kín mít, nón lá sùm sụp, các chị có được một dịp hiếm hoi thêm chút son phấn, hãnh diện lái chiếc xe ngựa thồ của mình đi gần chục cây số vào nội thị, ai nấy cũng đều phải ngoái nhìn. “Đời mình từ năm sáu tuổi đã theo ông già đi cắt cỏ cho ngựa, lớn lên theo chồng lái xe ngựa chở đất đá làm con đường này, giờ thì chở khách nuôi con đã 18 tuổi rồi, năm chỉ có mấy lần đánh xe ngựa đi đám cưới là được trang điểm thôi đó nghen, vui dữ lắm!” - chị Kim Tuyến (39 tuổi) vui vẻ kể lại.

Học cưỡi ngựa từ tuổi lên 4

Ba giờ chiều, ba chiếc xe hơi đỗ xịch ngay trước một trang trại ngựa nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở quận 2, các cô bé tóc vàng, mắt xanh nhanh chóng mang bốt, găng tay, đội nón bảo hiểm, bắt đầu dắt ngựa vào sân, chuẩn bị cho giờ học trị giá 400.000 đồng/giờ của mình. Saigon Pony Club là nơi chuyên dạy cưỡi ngựa cho trẻ em, đáp ứng nhu cầu chơi cưỡi ngựa ngày càng cao của các em thiếu nhi. Bên trong sân, thầy giáo của các em - ông Amaury, một người Pháp - đội nón tai bèo, liên tục di chuyển với gương mặt đỏ au, mướt mồ hôi đặc trưng của những người liên tục dãi nắng dầm mưa làm việc với ngựa. Những con ngựa cũng cao thấp tùy theo chiều cao của các bé. Có bé mới 6 tuổi, cao chỉ chừng 1m nhưng cũng đã đường hoàng ngồi và điều khiển thông thạo một chú ngựa bé tí đi vòng vòng sân. Điều đáng ngạc nhiên là 80% học viên ở đây là nữ, trong khi theo quan niệm thông thường ở ta, đàn ông mới là đấng nam nhi hùng dũng trên lưng ngựa. Ông Amaury giải thích: “Thật ra cưỡi ngựa không phải chỉ có leo lên lưng ngựa rồi cưỡi, mà còn cả công đoạn chăm sóc và làm bạn với chú ngựa cùng đi với mình. Chuyện này thì con gái luôn giỏi hơn con trai. Tuy nhiên, các em nữ cưỡi ngựa ở đây cũng chẳng vì thế mà thiếu đi vẻ phong độ, đĩnh đạc và cả lòng dũng cảm khi ngồi trên lưng ngựa, thậm chí Sofia, cô bé người Úc mới 8 tuổi khi thấy ngựa chạy chậm quá thì thúc ngựa phi như tên bắn trên sân, bụi tung mù trời, còn cô bé thì tỉnh bơ, cười khúc khích khoái chí.

Không riêng gì trẻ em nước ngoài, ngay cả các em Việt Nam cũng rất hào hứng với môn cưỡi ngựa này. Trẻ em Việt Nam có một kỹ năng rất đặc biệt, đó là ngã ngựa rất thành thạo. Vì sao thế? “Vì ở Việt Nam mọi người đi xe máy, chuyện lên xuống xe và cả ngã khỏi xe máy đều đã trở thành một phản xạ tự nhiên, khi lên ngựa thì chuyện ngã xuống không còn quá đáng sợ nữa”, ông Amuyra cho biết thêm. Khi cùng có hai cô bé ngã ngựa, cô bé người Việt Nam té xuống đã ngồi ngay lên được, thậm chí còn chạy theo nắm cương ngựa lại vì sợ ngựa chạy đi mất, còn cô bé người nước ngoài chỉ ngồi yên mếu máo khóc. Tuy nhiên, về tình yêu với loài vật, sẵn sàng lội bùn sình để chơi với ngựa, chăm sóc cho ngựa thì trẻ em nước ngoài đã được hình thành như một thói quen. Chính vì thế, bất kể mùi hôi của ngựa, phân ngựa, nhất là vào mùa mưa, các em luôn nằng nặc đòi đi học, mưa nhỏ vẫn ra sân, mưa lớn thì vào chuồng chải lông, chăm sóc móng cho ngựa, thủ thỉ, ôm ngựa như một người bạn thân vậy. Cái này thì e là Việt Nam ta còn phải học hỏi nhiều!

Rất nhiều ngựa ở đây được mua từ Củ Chi, Long An, Đà Lạt, hầu hết là ngựa nhỏ để phù hợp với thể trạng của các em thiếu nhi. Anh Hùng Lâm (chuyên chăm sóc ngựa ở đây) cho biết: “Trước tui phụ nuôi ngựa đua cho trường đua Phú Thọ đó nghen, trường đua đóng cửa, thất nghiệp, lang thang kiếm được chỗ này. Nhìn tụi nhỏ cưỡi ngựa coi như đỡ nhớ nghề đi, chứ bì làm sao được với cái không khí rần rần máu lửa của mấy con chiến mã trường đua ngày xưa...”.

PnzbRmrI.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 492 ra ngày 15/1/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên