15/11/2007 21:50 GMT+7

Làm ăn ở Lào: Đầy triển vọng

Theo DƯ BẢO CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo DƯ BẢO CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Từ năm 1997, tại Việt Nam đã nổi lên phong trào hợp tác với Lào làm rừng lấy gỗ, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, hợp tác về phát triển y tế giáo dục, đào tạo chuyên viên cán bộ bậc cao đẳng, đại học và trên đại học…

qKalN61o.jpgPhóng to
Đoàn công tác của Công ty cổ phần Việt Mỹ Thịnh đang lấy mẫu đất tại huyện Pakson tỉnh Champassak để tìm hiểu xem đất có phù hợp với trồng ca cao hay không
Từ năm 1997, tại Việt Nam đã nổi lên phong trào hợp tác với Lào làm rừng lấy gỗ, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, hợp tác về phát triển y tế giáo dục, đào tạo chuyên viên cán bộ bậc cao đẳng, đại học và trên đại học…

Đến nay hướng hợp tác phát triển Việt Nam - Lào đã đi vào diện rộng trên nhiều lĩnh vực, giữa nhiều địa phương, giữa chính quyền và chính quyền, nhưng điểm nổi bật là sự hợp tác phát triển kinh tế giữa các tư nhân Việt Nam (các doanh nghiệp tư) cùng với các nhà doanh nghiệp Lào đã ngày càng nhiều hơn.

Những đơn vị đi đầu

Chương trình hợp tác phát triển đồn điền cao su giữa Tổng cục Cao su Việt Nam với Bộ Nông Lâm Nghiệp Lào đã đạt những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Đáng kể hơn cả là Tổng Công ty Cao su Việt Lào do ông Hồ Văn Ngừng làm Tổng giám đốc đã hoàn thành trồng mới được 10.000 hecta cao su trên vùng đất rất đẹp của huyện Ba Chiêng, tỉnh Champassak (cách biên giới Việt Nam khoảng 300km). Đây là một chương trình hợp tác có kết quả cụ thể dựa trên phương châm “tài nguyên đất và công nhân Lào, vốn và kỹ thuật của phía Việt Nam”.

Trong chưa đầy năm năm, doanh nghiệp này đã xây dựng được một đồn điền xinh đẹp với những cây cao su lớn mạnh, thẳng tắp với những công trình phụ đầy đủ tiện nghi để chăm sóc cho công nhân Lào - Việt. Ông Hồ Văn Ngừng đã hớn hở nói với đoàn đi tham quan của Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) ngay giữa vùng đất đỏ xinh đẹp thuộc nông trường số 1 ở Ba Ching: “Giờ đây Chính phủ hai nước Lào - Việt đã có một công trình cụ thể chứng minh hữu hiệu kết quả của tình đoàn kết Việt - Lào về kinh tế”.

Tổng Công ty Cao su Việt Lào không dừng ở 10.000 hecta, mục tiêu trong ba năm tới sẽ hoàn thành chỉ tiêu 20.000 hecta, với kinh phí vừa phải, mỗi hecta trồng cao su từ ngày khởi công cho đến ngày thu hoạch lứa mủ đầu tiên, không vượt quá 3.500 USD.

Không chỉ có Tổng Công ty Cao su Việt Lào mà trên vùng đất cao nguyên Boloven gồm bốn tỉnh Champassak, Xêkon, Salavan, Attapeu đã và đang mọc lên nhiều đồn điền cao su với diện tích trên 70.000km2 là những công trình hợp tác với các tỉnh khác của Việt Nam.

Đi đầu và đi trước là tỉnh Đắk Lắk. Tổng Công ty Cao su Đắk Lắk vừa ăn mừng hoàn thành 3.000 hecta cao su tại Paksé, ngoài ra còn trồng mới 200 hecta cà phê tại Pakson.

Tỉnh Bình Dương cũng đã tham gia chương trình hướng về Nam Lào bằng một nông trường 2.000 hecta. Thủ tục ban đầu vừa hoàn thành và năm 2008 sẽ đi vào phát triển cụ thể. Kế tiếp là tỉnh Đồng Nai. Hơn 10 tháng qua, đoàn cán bộ của Công ty Tín Nghĩa (một đơn vị có thế mạnh về kinh tế của tỉnh Đồng Nai) đã liên tục đến nước Lào, tham quan và khảo sát đất đai từ các tỉnh bao quanh thủ đô Vientiane đến các tỉnh Khăm Muộn, Bolikhamxay, Savannakhet để tìm vùng đất thích hợp cho cây cao su. Đồng Nai là địa phương có diện tích đất trồng cao su lớn nhất Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm, nhưng do khó chọn được một vùng đất lớn vừa tầm 2.000 - 3.000 hecta đất sát liền nhau trong một khu vực, cho nên Công ty Tín Nghĩa đã chuyển sang hướng trồng cây cà phê và hợp tác thương mại trên nhiều lĩnh vực với các tỉnh khác của Lào.

Một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đã bị cuốn hút vào vòng hợp tác phát triển kinh tế với Lào. Công ty TNHH Quán Quân ở Chợ Lớn đã tham gia chương trình trồng khoai mì ở tỉnh Salavan và tiến tới sử dụng Salavan như một tâm điểm để thu mua sắn lát tại các tỉnh khác của Nam Lào. Công ty này đã lập nhà máy chế biến sắn lát tại chỗ với công suất hơn 20 ngàn tấn/năm. Nhiều nhà đầu tư tư nhân Việt Nam khác cũng đang tìm đất trồng sắn tại Lào, dĩ nhiên những người đến sau vẫn gặp khó khăn hơn trong vấn đề tìm những khu đất lớn thuận lợi.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Mỹ Thịnh đã thuê được vùng đất thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu tại huyện Pakson tỉnh Champassak để thành lập đồn điền trồng cây ca cao, một sản phẩm mới tại Lào, khá thích hợp với vùng đất đỏ bazan (mỗi năm có gần đến 300 ngày mưa). Đặc điểm chương trình đầu tư của công ty này là kết hợp với một số doanh nhân Việt kiều tại Canada và Mỹ để thành lập một đồn điền hoa hướng dương, lấy giống từ Mỹ, với chương trình thành lập khu du lịch sinh thái rộng 300 hecta tại Cây số 4 huyện Pakson mang tên “Thiên đàng hoa Hướng dương” với tham vọng trồng nhiều loại để lấy hạt giống bán ngược về Canada và Mỹ.

Không chỉ có cao su, cà phê… mà còn nhiều dự án khác

E8FDl7wH.jpgPhóng to
Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của nước bạn Lào
Khai thác nguồn gỗ còn dồi dào của rừng Lào vẫn là một mục tiêu còn được một số tư nhân Việt Nam nhắm tới, nhưng do chủ trương hiện nay của Chính phủ Lào là giới hạn tối đa việc phá rừng, chương trình tư nhân Việt Nam hợp tác với Lào để lấy gỗ cũng bị hạn chế. Chính phủ Lào chỉ cho khai thác và tận thu gỗ ở những vùng làm thủy điện. Chương trình thủy điện Nậm Thơn tại các tỉnh Trung Lào, chương trình thủy điện Sekaman 1, 2, 3 vẫn còn đang tiếp tục vì lợi ích thiết thực cho tương lai của Lào.

Do đó, khai thác nguồn lợi kinh tế này vẫn còn là món hàng khá béo bở đối với nhiều nhà kinh doanh Việt Nam. Riêng Công ty Savimex của TP.HCM đã ký văn kiện hợp tác chính thức với tỉnh Champassak về việc thành lập nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu và thị trường Mỹ, nhà máy đặt cơ xưởng trên đất Paksé, thu mua nguồn gỗ của địa phương chế biến hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một chương trình được khích lệ vì phù hợp với chủ trương của hai địa phương.

Một nguồn lợi lớn của đất nước Lào vẫn còn nằm sâu trong lòng đất đó là các quặng mỏ. Chính phủ Lào đã mở cửa một phần cho việc hợp tác khai thác quặng mỏ đối với Việt Nam và đối với một vài nước khác. Australia đã hợp tác khai thác mỏ vàng tại Tchépone tỉnh Savanakhet, nhưng hiệu quả kinh tế của việc hợp tác này dường như chưa được phía Lào hài lòng lắm do kinh nghiệm ban đầu về ký kết hợp tác khai thác mỏ với quốc tế chưa được đầy đủ.

Việt Nam cũng đã có vài công ty xin phép khai thác mỏ vàng ở vùng Nam Lào, nhưng vẫn còn trong giai đoạn thăm dò trong từng khu vực được quy định vài ngàn hecta. Khai thác quặng sắt thép là một lĩnh vực được rộng mở hơn. Một vài công ty Việt Nam đã bước đầu thành công trong một vùng mỏ sắt với trữ lượng quặng sắt khá lớn. Nhưng thủ tục về phía Việt Nam lại có trục trặc vì có sự đua chen giành giật công trình của một vài Việt kiều từ Canada đã đầu tư nhiều năm với công ty than đá từ Quảng Ninh, Công ty Vinacoalmin. Đây cũng là một bài học cần được nghiên cứu và giải quyết thỏa đáng giữa các đối tác Việt Nam để giảm bớt sự cạnh tranh trong thị trường Lào.

Khả năng hình thành một cộng đồng kinh tế Việt - Lào - Campuchia

Đất nước Lào với gần 250 ngàn km2, chỉ với hơn 6,5 triệu dân là một vùng đất còn rất nhiều rộng mở cho các hướng phát triển mới. Điểm thuận lợi tự nhiên là đặc tính dân tộc của người Lào. Người Lào là một dân tộc hòa bình, không thích cạnh tranh đua chen với bất cứ ai. Đó có lẽ là một ảnh hưởng tự nhiên của một đất nước giữa lục địa và cũng là ảnh hưởng truyền thống của Phật giáo lâu đời. Đến nước Lào để đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm do tính hòa bình và ổn định lâu dài của đất nước này. Riêng các nhà đầu tư Việt Nam lại càng an tâm hơn vì giữa người Lào và người Việt đã có một sự gắn kết lâu dài về tình cảm, về lịch sử, đã có nhiều mối dây ràng buộc về kinh tế và văn hóa truyền thống.

Hiện nay, chính sách của Chính phủ Lào thoáng mở toàn diện với các nhà đầu tư Việt Nam dù là tư nhân hay nhà nước, dù lớn hay nhỏ. Đa số những viên chức có trọng trách hiện nay đều là những người đã có quá khứ chung sống với các cán bộ Việt Nam từ trong chiến tranh, hầu hết đều có thời kỳ trưởng thành và học tập tại Việt Nam. Đó là thuận lợi lớn cho phía các nhà đầu tư Việt Nam nếu chúng ta biết cách khai thác và đối xử chân tình với phía bạn.

Khó khăn lớn đối với nhà đầu tư Việt Nam trong các chương trình sản xuất tại Lào là vấn đề công nhân: huấn luyện tay nghề và lựa chọn ngay từ đầu những người có chuyên môn cao.

Thủ tục đưa công nhân Việt Nam sang Lào hiện không đơn giản, thời gian lưu trú tại Lào vẫn còn bị giới hạn từ sáu tháng đến một năm. Sở dĩ có những giới hạn này vì ngoài các công nhân của các công ty sang Lào hợp tác kinh tế, nhiều năm qua vẫn luôn có sự trà trộn của những thành phần không tốt từ phía Việt Nam sang Lào để làm đủ mọi ngành nghề có thể kiếm ra tiền. Cũng từ đó nảy sinh một số bất ổn trong xã hội Lào trước đây vẫn nổi tiếng là một xã hội không trộm cắp cướp giật, ít khi nào có gây sự ẩu đả ngoài đường phố.

Hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế là một nhu cầu tất yếu của hai nước Việt và Lào. Việt Nam với lực lượng công nhân có tay nghề cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn, đang có nhu cầu mở rộng thị trường lao động sang các nước khác. Đất nước Lào với tài nguyên về rừng, đất nuôi trồng, khai thác quặng mỏ lúc nào cũng cần đến các chương trình hợp tác lao động có mục tiêu đáp ứng ngắn hạn và dài hạn. Cả hai phía trong tương lai theo các yêu cầu thực tế khách quan sẽ tiến tới được một chiến lược phát triển chung về kinh tế và xã hội, có được sự thống nhất trong cộng đồng nhân dân giữa hai nước để cùng hợp tác phát triển lâu dài. Đó là một đòi hỏi rất chính đáng và rất cần thiết mà những bước chuẩn bị cụ thể hiện nay giữa hai chính phủ cho thấy sự hình thành một cộng đồng kinh tế chung Việt Nam - Lào và có thể cả Campuchia là rất thuận lợi.

Nhu cầu tất yếu của phát triển kinh tế tương lai là nhu cầu gắn kết thành từng khối và từng cộng đồng chung. Lịch sử phát triển kinh tế của ba nước từng nằm trong Liên bang Đông Dương sẽ hình thành một cộng đồng mới để trả lời cho vấn đề này.

Theo DƯ BẢO CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên