Đoàn xe Việt Nam qua cửa khẩu Xa Mát (Tân Biên, Tây Ninh) sau chuyến đi đến đền Preah Vinhear (Campuchia) - Ảnh: T.Đ.H. |
Chưa bao giờ lái ôtô, xe máy từ Việt Nam sang các nước ASEAN dễ như hiện nay.
Một ngày ăn cơm 3 nước
So với những năm trước, việc di chuyển bằng ôtô qua mỗi nước giờ đã dễ dàng như đi từ tỉnh này sang tỉnh kia, chỉ có điều giá xăng mua ở “bên kia” cao hơn.
Ông Đỗ Minh Hồ Hải - diễn đàn Ôtô Sài Gòn (OS), từng nhiều lần lái xe xuyên quốc gia và các nước ASEAN, Trung Quốc - cho biết thủ tục đăng ký để đưa xe ra khỏi Việt Nam “lang thang” ở các nước đã dễ dàng hơn. Đường cao tốc ASEAN (ASEAN highway), quốc lộ của các quốc gia đã tốt hơn rất nhiều, nên việc di chuyển trên đường không những thoải mái mà còn thuận tiện hơn nhiều.
“Giờ có thể ăn sáng, uống cà phê ở TP.HCM, trưa ăn tại Campuchia và tối đã sang Lào hoặc Thái ăn tối, nghỉ ngơi” - ông Hải nói.
Để một ôtô cá nhân (không đăng ký chạy dịch vụ) có thể lăn bánh ở các nước Lào, Campuchia, chủ xe chỉ cần đăng ký giấy phép liên vận tại sở giao thông vận tải địa phương sau ba ngày xe đã có thể lăn bánh hợp pháp ở nước bạn trong thời gian từ 15-30 ngày.
Từng dẫn một đoàn xe theo hành trình từ TP.HCM qua Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và ngược về trong vòng 13 ngày, ông Trương Đức Hải - giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông - cho biết những năm trước xe Việt Nam muốn qua Campuchia phải có giấy phép của Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) duyệt theo từng đoàn, chứ không duyệt cho từng xe riêng lẻ, rồi chờ phía Bộ Du lịch Campuchia cấp phép với chi phí 100 USD/xe, chưa kể tiền “duyệt” ở cửa khẩu của phía Campuchia lên đến vài chục USD/xe. Đoàn xe này muốn chạy qua Thái Lan cũng phải chờ phía bạn duyệt một lần nữa mới được phép di chuyển.
Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Rắc rối tay lái thuận - nghịch
Một ôtô đăng ký hợp pháp sẽ dễ dàng lấy được giấy phép liên vận tại sở giao thông vận tải trong vòng 3-7 ngày với chi phí chỉ 50.000 đồng, có giá trị trong hai tháng và có thể thoải mái ra vào các cửa khẩu quốc tế đường bộ giữa Việt Nam - Lào - Campuchia trong thời gian từ 15-30 ngày (tính từ ngày nhập cảnh nước bạn). Ngoài ra xe còn phải mua bảo hiểm quốc tế trong những ngày lưu thông trên nước bạn. Tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm đều có bán sản phẩm này.
Về nguyên tắc ôtô đều có thể di chuyển từ Việt Nam sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên trong các nước ASEAN, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines lái xe bên phải đường, còn Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Brunei sử dụng làn xe bên trái, vì vậy lái xe của các nước sử dụng đường bên phải cần một số điều kiện mới có thể chạy ở các nước sử dụng đường bên trái.
Theo các lái xe Việt Nam từng lái xe “lang bạt” những quốc gia ASEAN, nếu muốn sang các quốc gia khác (ngoài Lào và Campuchia) đều bắt buộc phải qua Thái Lan. Trong khi đó quy định của Thái Lan khá ngặt nghèo, đặc biệt là các xe đi riêng lẻ một mình. Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) khẳng định nếu tự làm thủ tục và lái xe qua Thái Lan mà không qua công ty du lịch là điều không thể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện TAT tại Việt Nam cho biết nếu muốn thuận tiện khi lái xe trong các nước ASEAN, cách tốt nhất là đi xe theo đoàn (caravan) do một công ty du lịch tổ chức (lái xe vẫn đi trên xe riêng của mình). Các đoàn từ 1-3 xe sẽ gặp nhiều khó khăn khi qua biên giới vì thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Theo những người lái xe qua các nước ASEAN, quy định giao thông ở các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia lái xe bên phải ngược hẳn với vị trí ngồi của lái xe ở Việt Nam, Lào, Campuchia, nếu không có xe cảnh sát hoặc xe dẫn đường sẽ dễ gây tai nạn.
Còn đại diện TAT khẳng định nếu không có xe dẫn đường, các xe có tay lái nghịch (với xe ở Thái Lan) sẽ không được lưu thông.
Chưa dễ dàng cho xe máy Theo một số phượt thủ, việc đưa xe máy sang các quốc gia ASEAN phụ thuộc khá nhiều vào nhân viên cửa khẩu quốc tế nước bạn. Quy định hiện nay muốn đưa xe máy sang các nước ASEAN phải lên danh sách đoàn và được VNAT duyệt danh sách, sau đó đoàn xe phải được một công ty du lịch có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tổ chức chương trình di chuyển cho cả đoàn. Ngay cả các đoàn xe máy của nước bạn vào Việt Nam cũng vậy, phải do một công ty du lịch lữ hành quốc tế tổ chức chương trình. Công ty này phải làm việc với VNAT để nhờ hỗ trợ và mọi thủ tục đi lại, xe dẫn đường đều phải do phía Việt Nam tổ chức, đi theo một lộ trình nhất định và quay về trong thời gian đã định sẵn. |
Ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Đây là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 (hai trụ cột còn lại là Cộng đồng an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN). Chuyên trang “Chuyển động ASEAN” ra đời nhằm kịp thời phản ánh những chuyển động của 10 nước thành viên ASEAN trong tiến trình đi tới một cộng đồng thống nhất như mục tiêu đề ra. Báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến đóng góp và tin bài cộng tác của quý độc giả. Vui lòng liên lạc theo địa chỉ email: dungbt@tuoitre.com.vn. |
Điều kiện cấp phép liên vận - Xe không quá 9 chỗ ngồi (kể cả người lái). Không sử dụng cho mục đích vận tải thương mại. - Giấy đăng ký sở hữu phương tiện (bản photo kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền). - Nộp đơn, tờ khai tại sở giao thông vận tải (phòng quản lý vận tải đường bộ). Các mẫu đơn và tờ khai có sẵn tại cơ quan cấp phép. - Tại cơ quan cấp phép, người dân nộp đơn và tờ khai tại bộ phận một cửa, nhận giấy hẹn và trả kết quả tại đây, thời hạn nhận được giấy phép liên vận sau ba ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. - Lệ phí cấp giấy phép liên vận: 50.000 đồng. |
Giấy tờ cần thiết để lái xe xuyên ASEAN - Hộ chiếu còn giá trị ít nhất sáu tháng, kèm theo một bản sao. - Giấy đăng ký xe còn trống chỗ để ghi chú, kèm theo một bản sao. - Giấy phép lái xe, kèm theo một bản sao. - Một bức ảnh chụp phía trước với biển số đăng ký. - Giấy cho phép sử dụng xe có chữ ký của chủ xe, kèm theo hai bản sao. - Bản sao CMND của chủ sở hữu với chữ ký mới nhất (hai bản). - Nếu xe có hợp đồng cho thuê của một công ty, lái xe phải cung cấp thư của luật sư và giấy phép mang xe ra khỏi quốc gia sở tại. Bản sao của bức thư phải có chữ ký của một thành viên công ty được ủy quyền và đóng dấu công ty (hai bản sao). - Bản gốc giấy đăng ký xe. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận