06/06/2024 14:57 GMT+7

Lãi vay tăng hơn trăm tỉ mỗi năm, nhà đầu tư làm 2,7km vành đai 2 lo dự án đội vốn

Mỗi tháng, nhà đầu tư làm dự án 2,7km đường vành đai 2 TP.HCM phải chịu lãi vay hơn 14 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng, dẫn đến áp lực trả lãi cũng như đội vốn.

Dự án đoạn 3 đường vành đai 2 dài 2,7km khởi công từ năm 2017 và tạm dừng thi công từ năm 2020 đến nay, khi khối lượng công việc đạt 44% - Ảnh: CHÂU TUẤN

Dự án đoạn 3 đường vành đai 2 dài 2,7km khởi công từ năm 2017 và tạm dừng thi công từ năm 2020 đến nay, khi khối lượng công việc đạt 44% - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (doanh nghiệp dự án) vừa có kiến nghị gửi UBND TP về tháo gỡ vướng mắc cho dự án đoạn 3 đường vành đai 2 dài 2,7km. 

Dự án có tổng mức đầu tư 2.765 tỉ đồng (bao gồm xây lắp và mặt bằng, được ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2016.

2,7km vành đai 2: Phát sinh lãi vay hơn 14 tỉ đồng/tháng

Theo Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái, quá trình triển khai dự án đến nay đã gần 8 năm. Tổng giá trị thực chi thực hiện dự án của nhà đầu tư đến nay trên 2.200 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn chủ sở hữu thực góp khoảng 800 tỉ đồng (gấp gần hai lần mức vốn chủ sở hữu phải đảm bảo theo luật định và hợp đồng BT) và phần vốn vay ngân hàng khoảng 1.400 tỉ đồng.

Tổng giá trị thực hiện đã được nghiệm thu, xác nhận tính đến cuối năm 2019 đạt hơn 1.400 tỉ đồng (giải ngân giải phóng mặt bằng trên 960 tỉ, thi công đạt khoảng 500 tỉ đồng (đã được xác nhận tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2019). Còn giá trị lãi vay tạm tính trên 600 tỉ đồng.

Theo phương án tài chính của dự án và hợp đồng vay vốn, giải phóng mặt bằng được thực hiện bởi ngân hàng tài trợ vốn là 1.456 tỉ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 90%, tương ứng với 960 tỉ. Để hoàn thành 100% cần hơn 100 tỉ. Nếu để càng chậm, càng phát sinh nhiều hệ lụy, bao gồm cả tăng chi phí.

Như vậy, việc gia hạn hợp đồng BT và tiến độ, thời gian mà TP dự kiến thanh toán cho doanh nghiệp theo hợp đồng là vô cùng quan trọng và cấp thiết. 

Đây là cơ sở và cũng là điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp và ngân hàng có thể tiếp tục giải ngân cho dự án. Tuy nhiên đến nay, sau rất nhiều thời gian phối hợp làm việc với các sở ngành và tổ công tác liên ngành của TP, các bên vẫn đang trong quá trình chờ đợi, tháo gỡ.

"Ngoài ra, việc chậm thanh toán cho nhà đầu tư sẽ kéo theo phát sinh chi phí lãi vay của dự án theo quy định của hợp đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay mỗi tháng hơn 14 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng, dẫn đến áp lực trả lãi vay cũng như đội vốn thực hiện dự án, gây thiệt hại cho ngân sách", công văn của doanh nghiệp nêu.

Hai vấn đề cần giải quyết để khởi động công trình đình trệ gần 4 năm

Theo quy định của hợp đồng BT, nhà đầu tư làm dự án đoạn 3 vành đai 2 sẽ được TP thanh toán bằng quỹ đất theo từng giai đoạn. 

Đến năm 2021, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, đã bỏ loại hợp đồng BT. Đoạn 3 vành đai 2 rơi vào nhóm dự án chuyển tiếp. Quá trình triển khai gặp vướng mắc về quy trình thanh toán quỹ đất (là tài sản công).

Trong nhiều năm qua, việc triển khai các thủ tục chuẩn bị cho thanh toán hợp đồng BT đã ký kết chưa được hoàn thành. Nhà đầu tư cũng chưa được thanh toán dù đã bỏ khá nhiều vốn để làm dự án. 

Để gỡ vướng, nghị quyết 98 có quy định, đối với dự án thực hiện theo hợp đồng BT có trước Luật PPP mà chưa hoàn thành thanh toán, TP được sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xây dựng quy trình thanh toán quỹ đất chung cho các dự án BT theo nghị quyết 98. Mới đây, UBND TP đã yêu cầu sở này nghiên cứu góp ý của các sở ngành để hoàn thiện quy trình.

Một vấn đề khác là cần sớm hoàn thành công tác đàm phán và điều chỉnh hợp đồng BT. Đây là cơ sở để tiếp tục chi trả chi phí giải phóng mặt bằng. Được biết, trong ngày 6-6, Tổ công tác liên ngành của TP dưới sự chủ trì của Sở Giao thông vận tải TP sẽ họp để rà soát nội dung đàm phán điều chỉnh hợp đồng.

Khoản vay có thể chuyển nợ xấu

Ngân hàng TNHH Indovina - chi nhánh Thiên Long, là một trong hai ngân hàng tài trợ vốn, vừa có văn bản gửi nhà đầu tư và UBND TP về tháo gỡ các vướng mắc cho dự án đoạn 3 đường vành đai 2.

Theo ngân hàng, việc chậm thanh toán cho nhà đầu tư có thể dẫn đến hệ quả là khoản vay của doanh nghiệp sẽ chuyển nợ xấu. Doanh nghiệp có thể dẫn tới ngừng hoạt động, phá sản. Trường hợp doanh nghiệp dự án phát sinh nợ xấu phải kê biên, xử lý tài sản sẽ dẫn tới khởi kiện giữa các bên liên quan.

2,7km vành đai 2 TP.HCM đình trệ: Thúc hoàn thiện hồ sơ, đàm phán điều chỉnh hợp đồng2,7km vành đai 2 TP.HCM đình trệ: Thúc hoàn thiện hồ sơ, đàm phán điều chỉnh hợp đồng

Sau khi được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026, nhà đầu tư dự án 2,7km đường vành đai 2 nhận yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để tiến hành đàm phán điều chỉnh hợp đồng BT.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên