Lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi đã tiến sát 9%/năm còn lãi suất huy động tại ngân hàng cao nhất khoảng 8,6%/năm. Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Ngày 20-3 Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố phát hành 10.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi đợt 1 dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, kéo dài đến ngày 6-6. Mệnh giá tối thiểu từ 1 triệu đồng với ba kỳ hạn là 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Với chứng chỉ tiền gửi mệnh giá dưới 2 tỉ đồng, lãi suất tương ứng là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Mệnh giá từ 2 tỉ đồng trở lên, lãi suất cao hơn 0,1%/năm, cao nhất lên đến 8,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Với doanh nghiệp còn được lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng nếu tham gia mua chứng chỉ tiền gửi từ 500 triệu đồng, lãi suất lên tới 8,2%/năm.
Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi do NH Đông Nam Á (SeABank) phát hành có mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ hàng năm.
"Ông lớn" là BIDV mới đây phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng/tài khoản dành cho khách hàng cá nhân và 50 triệu đồng/tài khoản dành cho khách hàng tổ chức.
Tuy nhiên khác với các ngân hàng khác, BIDV cho người mua lựa chọn giữa hai hình thức lãi suất là cố định và thả nổi.
lãi suất cố định là 7,6%/năm, còn lãi suất thả nổi là 7,5%/năm áp dụng cho kỳ đầu và sẽ được điều chỉnh bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng biên độ 0,6%/năm nhưng không thấp hơn mức 7,5%/năm.
Trước đó ngay đầu năm 2019 nhiều ngân hàng khác cũng đã huy động chứng chỉ tiền gửi do cần vốn để cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu và có thêm nguồn vốn trung dài hạn để cho vay, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% về mức 40%.
Vì sao các ngân hàng chọn phát hành chứng chỉ tiền gửi? Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều ngân hàng cho biết trước đó đã đẩy lãi suất huy động các kỳ hạn dài lên cao nhưng số người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài vẫn rất ít. Do vậy NH phải phát hành chứng chỉ tiền gửi, chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn nhưng đổi lại được nguồn vốn dài hạn và ổn định để cho vay.
Chưa kể, so với huy động tiết kiệm phát hành chứng chỉ tiền gửi còn lợi hơn ở điểm NH tính trước được chi phí bỏ ra vì NH chỉ phát hành với số lượng nhất định. Trường hợp đắt hàng, bán đủ số lượng trước hạn thì NH sẽ kết thúc đợt bán giấy tờ có giá trước hạn.
Trong khi đó nếu tăng LS huy động thì chi phí phải bỏ ra cao hơn do sẽ phải tăng LS trên toàn bộ danh mục vì hệ thống sẽ tự động tái tục, chưa kể NH cũng không chủ động được đầu vào.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng động thái này của các ngân hàng sẽ dẫn đến lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới, nhất là các khoản cho vay trung dài hạn, cho vay tiêu dùng cá nhân, vay mua bất động sản…
Trên thực tế lãi suất cho vay mua nhà đã nhích lên mức 11,2-12,5%/năm gây áp lực không nhỏ trong việc trả nợ, nhất là với những người vay mua nhà vài năm trước đây.
Có ngân hàng đưa ra mức lãi suất ưu đãi thấp hơn nhưng chỉ cố định trong khoảng từ 3 đến 6 tháng đầu, sau đó thả nổi theo thị trường và cũng sẽ ở mức từ 11-12%/năm.
Với mức lãi suất này, nếu vay 1 tỉ đồng trong vòng 20 năm, mỗi tháng người vay phải trả gốc và lãi khoảng 13 đến 14 triệu đồng, chưa kể nếu lãi suất nhích lên số tiền phải trả hàng tháng của người vay còn cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận