04/05/2013 10:30 GMT+7

Lại đòi báo chí cung cấp nguồn tin

LÊ KIÊN - MINH QUANG
LÊ KIÊN - MINH QUANG

TT - “Nghiên cứu sửa đổi điều 7 Luật báo chí theo hướng chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

R2e8bXjp.jpgPhóng to
Minh họa: DAD
Đây là đề xuất của Bộ Công an, vừa công bố trên cổng thông tin điện tử của bộ này.

Cụ thể, cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi vừa qua chất vấn cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Tại văn bản trả lời các ý kiến chất vấn (do bộ trưởng Bộ Công an ký), Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó có việc sửa đổi điều 7 Luật báo chí như trên.

Được biết, đây mới chỉ là ý kiến của Bộ Công an và chưa có văn bản chính thức nào kiến nghị Chính phủ, Quốc hội về vấn đề này.

Ông Nguyễn Cao Phúc, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, cho biết do công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, các vụ việc được phát hiện thông qua báo chí tương đối nhiều nên trong các giải pháp của Bộ Công an có đề xuất sửa đổi điều 7 Luật báo chí. Ông Phúc nhấn mạnh đây là giải pháp của Bộ Công an chứ không liên quan gì đến ý kiến cử tri.Trà Giang

Thực tế, đây không phải là đề xuất mới. Năm 2012, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi) đã đưa ra lấy ý kiến về quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh hành vi tham nhũng.

Thời điểm đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án luật này cho rằng quy định trên có thể mâu thuẫn với điều 7 của Luật báo chí. Trong bản thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Tư pháp đã nêu rõ quan điểm: “Ủy ban Tư pháp nhận thấy Luật báo chí quy định: báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện KSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

Theo quy định về đạo đức hành nghề báo chí (do Hội Nhà báo VN ban hành) và bộ quy tắc nghề nghiệp báo chí của thế giới thì bảo vệ nguồn tin là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của người làm báo. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng chống tham nhũng thì cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu”.

Vì lý do trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua tháng 11-2012 đã không có nội dung này.

Ngày 3-5, các đại biểu Quốc hội được hỏi đều từ chối bình luận về ý kiến nói trên của Bộ Công an, bởi các cơ quan của Quốc hội chưa nhận được đề xuất chính thức nào như vậy, thậm chí Bộ Công an cũng chưa đề xuất vấn đề này lên Chính phủ. Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí không được đặt ra trong chương trình nghị sự của Quốc hội năm 2013.

Hội nhà báo: Hoàn toàn không nên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Minh Huệ - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN - cho biết Hội Nhà báo cũng như cá nhân ông chưa được tiếp cận chính thức thông tin nên chưa có bình luận chính thức. “Cứ thực hiện theo đúng Luật báo chí thôi, cơ quan nào có đề xuất thì phải xem xét, còn đưa ra Quốc hội nữa” - ông Huệ nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Dũng Nhân - phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - cho biết theo ông, đề xuất cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra là hoàn toàn không nên. Báo chí có chức năng, có quyền, có yêu cầu được bảo đảm giữ bí mật nguồn tin và bí mật việc tác nghiệp. Nếu luật quy định buộc phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra thì ai dám cung cấp tin cho báo chí thực hiện điều tra nữa.

Hơn nữa, trong tất cả các đề tài điều tra mà báo chí thực hiện, không phải ngay một lúc mà có kết quả. Nếu cung cấp nguồn tin cho công an ngay từ đầu thì công việc điều tra của báo chí dễ rơi vào khó khăn và bế tắc.

LÊ KIÊN - MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên