13/04/2014 07:00 GMT+7

Lại bêtông hóa thêm một danh thắng

(Nguồn: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn)
(Nguồn: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn)

TT - Sau hàng loạt dự án can thiệp thô bạo vào các thắng cảnh du lịch như lắp thang máy để “leo” Ngũ Hành Sơn, xây dựng cáp treo trên đỉnh Phanxipăng... lại thêm một danh thắng tiếp tục bị con người can thiệp, đó là dự án “nâng cấp điểm dừng chân Mã Pì Lèng” trên cao nguyên đá Đồng Văn mà huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang thực hiện.

Khởi công tuyến cáp treo lên đỉnh Phan Xi PăngQuy hoạch phá nát bãi biển Nha Trang Quy hoạch “bức tử” bãi biển Nha Trang

FaBt7d06.jpg
Hẻm vực Tu Sản nhìn từ điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, phía dưới là sông Nho Quế huyền thoại (ảnh trái) và mỏm đá huyền thoại nơi hẻm vực Tu Sản đã bị san phẳng, nhường chỗ cho mảng bêtông đang được xây dựng - Ảnh: Hoài Trang - Ngô Nhật Quang

Còn nhớ năm 2011, cộng đồng phượt đã bàng hoàng khi chợ phiên Đồng Văn dời sang địa điểm mới để lại những dãy nhà cổ đẫm màu thời gian và hoài niệm trở nên hoang lạnh thì mấy ngày gần đây, một bức ảnh chụp toàn cảnh “đệ nhất hùng quan” trên đèo Mã Pì Lèng được chia sẻ trên mạng xã hội lại khiến nhiều người “thương nhớ Đồng Văn” thêm một lần đau xót.

Đau xót và tiếc nuối

Nằm về phía bắc tỉnh Hà Giang thuộc vùng Đông Bắc và cực Bắc VN, trên độ cao trung bình 1.400-1.600m so với mực nước biển, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 1-10-2010, bao gồm địa giới hành chính của bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với diện tích hơn 2.356km2, là nơi chứa đựng nổi bật các loại hình di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.

Trong số các di sản kiến tạo - địa mạo tại khu vực này, hẻm vực Tu Sản và cảnh quan thung lũng đứt gãy sông Nho Quế được hình thành do sự đứt gãy của vỏ Trái đất cách đây hàng chục triệu năm là danh thắng kỳ vĩ nhất trên cao nguyên đá. Hẻm vực sâu 700-800m, dài 1,7km, vách dốc 70-90 độ được coi là hẻm vực sâu nhất VN và có thể là sâu nhất Đông Nam Á.

Di sản kiến tạo - địa mạo này đã được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan” và được các nhà khoa học xếp vào tổ hợp di sản cấp quốc tế, rất hiếm gặp trên thế giới.

Ai từng đi trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc hẳn đều biết dưới chân vọng cảnh đài Mã Pì Lèng hiểm trở có một mỏm đá huyền thoại nhô ra trên vách núi.

Đã không ít khách du lịch men theo lối mòn lẫn trong cỏ dại và những mỏm đá tai mèo sắc nhọn đến mỏm đá này để lưu lại hình ảnh nhớ đời. Bởi đây được xem là nơi lý tưởng nhất để ngắm dòng sông Nho Quế biếc xanh huyền thoại và hẻm vực Tu Sản - hẻm vực sâu nhất VN. Bởi ở đây bất cứ ai cũng có thể dang tay ôm trọn hình ảnh đất trời nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Bởi cũng chỉ ở đây người ta mới thấy hết một hẻm vực Tu Sản sâu thẳm nhưng cũng hùng vĩ và vô cùng lộng lẫy.

Nhưng, dân đi sẽ không còn một vọng cảnh đài thiên tạo hoàn hảo, hoang dã và hấp dẫn như thuở nào. Đè lên chính mỏm đá luôn nằm trong những khung hình “kinh điển” của Mã Pì Lèng nơi địa đầu Tổ quốc, giờ là một mảng sân bêtông lớn đang được xây dựng. Mỏm đá huyền thoại đã bị san phẳng, nhường chỗ cho một đài quan sát nằm trong dự án nâng cấp điểm dừng chân Mã Pì Lèng do huyện Mèo Vạc thực hiện.

Dừng chân tại đèo Mã Pì Lèng ngày 5-4 trong chuyến đi Hà Giang mới đây nhất, Ngô Nhật Quang (Hà Nội) cho biết: “Ban đầu tôi đã sốc, sốc thật sự. Sau khi nghĩ lại tôi đã xuống tận nơi xem làm vậy có hợp lý không. Nhưng tôi thấy từ mỏm đã có, góc nhìn và chụp ảnh không đẹp bằng điểm ngắm ở trên vệ đường. Việc xây đài ngắm cảnh ở mỏm đá đã phá vỡ cảnh quan toàn bộ nơi này”.

Không chỉ Quang, một số dân đi tận mắt chứng kiến sự việc đã chia sẻ ngay hình ảnh này lên mạng khiến cộng đồng phượt thêm một lần rúng động. “Có những nơi sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Từ giờ sẽ mất đi một góc chụp quen. Chia buồn với bạn nào chưa đặt chân tới đây trước khi bêtông hóa”. Chia sẻ trên Facebook của tác giả Faith Ttvn đã ngay lập tức đầy ắp phản hồi.

Không thiếu ý “cho qua”, nhưng hầu hết vẫn là nỗi tiếc nuối, đau xót và cả giận dữ: “quá đau”, “quá nản”... Hàng loạt hình ảnh “ngày xưa Tu Sản” theo đó đã được chia sẻ như một cách chứng minh vẻ đẹp không thể thay thế của hẻm vực này. Kèm theo đó còn có người bày tỏ thẳng thái độ như Ngong Hankang: “Chắc là từ nay mỗi năm tớ sẽ bớt lên Hà Giang, từ 10 lần xuống 5 lần hay ít hơn”! Và theo đó là câu hỏi nhức nhối: “Đến bao giờ con người ta mới thôi can thiệp thô bạo vào cảnh quan thiên nhiên vốn đã tồn tại hàng ngàn năm nay?”...

“Không nằm ở khu vực 1 của di sản”!

INoW2MJT.jpgPhóng to
Hẻm vực Tu Sản nhìn từ điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, phía dưới là sông Nho Quế huyền thoại - Ảnh: Hoài Trang
wWBaPVor.jpgPhóng to
Hẻm vực Tu Sản nhìn từ điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, phía dưới là sông Nho Quế huyền thoại (ảnh trái) và mỏm đá huyền thoại nơi hẻm vực Tu Sản đã bị san phẳng, nhường chỗ cho mảng bêtông đang được xây dựng - Ảnh: Ngô Nhật Quang

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-4, ông Nguyễn Lê Huy - giám đốc ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn - cho biết: “Đây là dự án nâng cấp điểm dừng chân theo kế hoạch của tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc, phục vụ cho việc tái đánh giá công viên địa chất vào giữa năm nay. Dự án do Sở VH-TT&DL Hà Giang tham mưu với tỉnh, chúng tôi chỉ là thành phần tham gia tư vấn để đảm bảo không ảnh hưởng đến địa chất của khu vực”.

“Theo tôi được biết, từ điểm dừng chân trước đây người ta sẽ xây dựng các bậc đi xuống, phía mỏm đá nhô ra sẽ xây dựng một điểm quan sát an toàn cho du khách. Việc xây dựng điểm quan sát mới chỉ là phần nhỏ, dự án chủ yếu hướng đến việc nâng cấp hệ thống điểm dừng chân có sẵn” - ông Huy nói.

Ở quan điểm chuyên môn, theo ông Huy, đây chỉ là việc tôn tạo, mức độ ảnh hưởng đến di sản địa chất là không có. Vì di sản địa chất nằm ở những hóa thạch, cảnh quan hẻm vực. Điểm quan sát này tuy nằm trên bờ hẻm vực Tu Sản nhưng không phá vỡ những cái đó.

Bà Nguyễn Thị Toán - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang - thừa nhận dự án do UBND huyện Mèo Vạc làm chủ đầu tư nhằm tôn tạo, nâng cấp điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng. Bà cũng khẳng định “đây chỉ là tôn tạo, không nằm ở khu vực 1 của di sản nên không phải xin thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL”. Bắt đầu từ tháng 3-2014, khu vực đang tôn tạo, nâng cấp thuộc địa phận Mèo Vạc và nằm trong khoanh vùng khu vực 2. Trước đây có một trạm dừng chân ở bên đường nhưng theo dự án sẽ trở thành bãi đỗ xe, còn điểm ngắm cảnh thì chuyển xuống phía dưới.

“Dự án chỉ mở rộng trạm dừng chân vốn đã có từ trước chứ không ảnh hưởng gì đến cảnh quan tự nhiên, vì khu vực sông Nho Quế và hẻm vực còn ở xa. Thật ra, dự án chỉ nâng cấp thêm một chút do chỗ cũ chật quá. Điểm ngắm cảnh chỉ cách điểm dừng chân cũ hơn 10 bậc, từ nơi này có thể ngắm toàn cảnh Nho Quế dễ hơn chứ không làm xuống nữa đâu” - bà Toán cho biết.

Theo bà Toán, điểm ngắm cảnh mới sẽ giúp du khách ngắm sông Nho Quế và hẻm vực tốt và an toàn hơn. Thực tế trong quy định về quản lý không gian thắng cảnh có phần cho phép tôn tạo. Chẳng qua khi công trình đang thực hiện có người không hiểu được tính chất công việc nên phản ứng.

Cũng theo bà Toán, hiện sở đang làm quy hoạch cao nguyên đá Đồng Văn, cuối năm 2014 sẽ hoàn thành. Tới đây, dự kiến Hà Giang sẽ xây dựng tổ hợp cổng chào cùng các công trình dịch vụ cho khách du lịch. Công trình sẽ được xây dựng tại nơi đặt biển Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn nhưng hiện nay chưa được phê duyệt.

Nhát cắt đau lòng!

Lần nào lên Đồng Văn (Hà Giang) cũng phải chạy xe qua đèo Mã Pì Lèng, bất kể ngày mưa hay nắng. Cái cảm giác choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của cao nguyên đá, sự khâm phục dành cho nhân dân các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái năm xưa đã chung tay xây dựng con đường mang tên Hạnh Phúc cheo leo giữa lưng chừng trời chưa bao giờ thôi lay động con tim.

Nếu đã một lần đứng tại vọng cảnh đài Mã Pì Lèng, ngắm hẻm vực Tu Sản thăm thẳm và con sông Nho Quế biếc xanh, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói...

Năm tháng qua đi, khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn nơi địa đầu Tổ quốc ngày một đông. Nhiều dân đi trong số đó đã bất chấp nguy hiểm từ những mỏm đá tai mèo sắc lẻm và vách núi chênh vênh, luôn tìm cách đi xuống bên dưới trạm dừng chân Mã Pì Lèng, nơi có một vách đá nhô ra để khám phá và trải nghiệm.

Đáp ứng nhu cầu có thật đó, cũng như để đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, tháng 3-2014 huyện Mèo Vạc đã quyết định xây thêm một vọng cảnh đài bên dưới trạm dừng chân Mã Pì Lèng. Một quyết định không sai. Nhưng tiếc thay!

Tôi bàng hoàng khi nhận ra một khối bêtông lớn đã đổ xuống trên mỏm núi gần như thường xuyên nằm giữa khung hình của bức tranh cao nguyên đá. Để giải bài toán cho khách du lịch liệu có cần một sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên như thế chăng? Sau khi vọng cảnh đài hoàn thiện hẳn sẽ có nhiều du khách có cơ hội lại gần hơn với dòng Nho Quế, với hẻm vực Tu Sản.

Nhưng từ trên con đường Hạnh Phúc, con đường mà hằng ngày nhân dân miền biên xứ vẫn đều đặn đi nương, xuống chợ sẽ không còn nữa bức tranh thiên nhiên lung linh hoàn mỹ thuở nào. Bức tranh tuyệt đẹp ấy đã có một nhát cắt bằng bêtông đủ lớn để người đi phải nhức mắt, lại thấy thêm một lần “xót xa như rụng bàn tay” khi nhớ về cao nguyên đá Đồng Văn.

Giá như chính quyền Mèo Vạc giải bài toán du lịch và bảo tồn thân thiện hơn, khéo léo hơn để bức tranh toàn cảnh không bị phá vỡ bởi một vọng cảnh đài bằng bêtông thô cứng.

Giá như người ta không san phẳng những mỏm đá để lấy một mặt bằng rộng lớn, hoặc giả chọn cách làm lan can như bờ rào đá của người Mông... thì nhiều người yêu mến Đồng Văn sẽ không phải thốt lên đầy tiếc nuối, cho một ký ức đẹp giờ đây đã bị lem màu.

Phản ứng của dư luận

* ÔngTRẦN THẾ DŨNG (phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, TP.HCM):

Phải lắng nghe góp ý của dư luận

Nhiều lần ghé lại trạm dừng chân cho khách ngắm cảnh đèo Mã Pì Lèng, tôi cũng bắt gặp không ít các bạn trẻ liều lĩnh ra tận mỏm đá xa nhất để chụp ảnh. Đó là hành động không hay, nhưng để đề phòng, thiết nghĩ ban quản lý chỉ cần dựng bảng nghiêm cấm kèm phạt tiền nếu vi phạm hoặc cắt người trực nhắc nhở, răn đe.

Đâu cần xây dựng đài vọng cảnh với lý do đảm bảo an toàn cho du khách hoặc để khách ngắm sông Nho Quế, hẻm vực Tu Sản được cận cảnh hơn. Bởi lẽ với công trình đang xây dựng kia, nó không chỉ phá tiền cảnh, ảnh hưởng đến không gian, vẻ đẹp chiều sâu của hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế mà còn làm giảm đi nét đẹp toàn cảnh đèo Mã Pì Lèng.

Việc cần làm hiện giờ là các sở, ban, ngành có trách nhiệm cần lắng nghe sự góp ý của dư luận, xây dựng lại các hạng mục hoàn toàn bằng chất liệu đá tai mèo, đồng thời công trình nhất thiết phải hài hòa với không gian núi non xung quanh.

* ÔngNGUYỄN HOÀNG HIỆU (hướng dẫn viên du lịch Công ty Hanoiopentour):

Mất đi vẻ đẹp tự nhiên

Theo tôi, nếu san bằng mỏm đá để lấy khoảng rộng và xây dựng nơi ngắm cảnh bằng bêtông cốt thép thì sẽ rất buồn cười. Việc làm này sẽ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên cảnh quan Mã Pì Lèng.

Thật sự, nếu có một đài vọng cảnh được xây dựng đẹp, đảm bảo tính an toàn và thẩm mỹ thì sẽ dễ được chấp nhận hơn. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Tôi thấy việc cần làm bây giờ ở điểm dừng chân Mã Pì Lèng chính là vấn đề môi trường.

* ÔngVŨ TUẤN PHONG (quản lý tour của PYS Travel, Hà Nội):

Nhiều du khách sẽ tìm địa điểm khác

Cảm giác đầu tiên của tôi khi nhìn hai bức ảnh về việc xây dựng điểm ngắm cảnh tại mỏm đá Mã Pì Lèng là không được thoải mái lắm, bởi xây đài vọng cảnh như vậy phần nào ảnh hưởng đến cảnh quan hoang sơ, tự nhiên nơi này.

Có thể nó sẽ bảo đảm an toàn khi ngắm cảnh, có thêm chỗ ngắm cảnh, các góc chụp ảnh mới dành cho du khách ở Mã Pì Lèng. Xe du lịch cũng có chỗ dừng thoải mái hơn vào những dịp cao điểm. Đồng thời đáp ứng, chuyên nghiệp hóa và thúc đẩy tốc độ phát triển du lịch ở Hà Giang. Tuy nhiên, những du khách đến Mã Pì Lèng thường ấn tượng về cảnh đẹp núi non hùng vĩ, hẻm vực sâu hun hút, choáng ngợp của hẻm vực Tu Sản, thích chụp ảnh ghi dấu ấn cá nhân ở đây.

Xây dựng một đài vọng cảnh như thế cũng có nghĩa góc chụp ảnh quen thuộc của nhiều người đã không còn nên những du khách trẻ, đặc biệt là dân phượt, sẽ phải tìm kiếm một địa điểm khác.

* FAITH TTVN (chia sẻ trên Facebook cá nhân):

Góc máy đẹp đã hoàn toàn biến mất

Mỏm đá này chỉ đẹp nếu nhìn toàn cảnh từ trên đèo xuống, xây thêm bất cứ cái gì đều làm hỏng đi cảnh quan tự nhiên vốn có của nó. Bạn nào từng xuống mỏm đá kia nhìn xuống sẽ thấy đứng ở đó không hề đẹp chút nào, chỉ là góc nhìn xuống sông bình thường.

Có lẽ chỉ khi nào các bạn nghĩ đến cảnh đứng trên đèo chụp xuống có cái lan can bêtông với lố nhố người đứng ở đó các bạn mới thấy chán nản khi một góc máy đẹp đã hoàn toàn biến mất bởi sự can thiệp của những người “làm du lịch”.

* AnhNGÔ NHẬT QUANG (Hà Nội):

Can thiệp quá thô bạo

Nếu muốn an toàn cho du khách thì có thể rào lại, chứ can thiệp thế này là quá thô bạo. Nếu xây một tháp ngắm cảnh ở ngay điểm dừng bên đường thì sẽ đẹp hơn là phá đi rồi xây dưới mỏm đá đó.

(Nguồn: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên