20/07/2014 04:35 GMT+7

Lahm và bài học thủ lĩnh kiểu mới

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Đọc thông tin về việc Philipp Lahm nói lời chia tay đội tuyển Đức, ngay sau khi men say chiến thắng chưa kịp tan, bỗng thấy bồi hồi về câu chuyện của một người thủ lĩnh.

Cách đây gần bốn năm, những người quan tâm đến bóng đá Đức theo dõi sát sao câu chuyện gay cấn xung quanh người mang băng đội trưởng của đội tuyển nước này. Số là trước khi VCK World Cup 2010 khởi tranh, tuyển Đức bị xem là dính một đòn trí mạng khi Michael Ballack bị chấn thương và chiếc băng đội trưởng đã phải tạm trao cho Lahm.

Sau khi World Cup 2010 kết thúc, giữa Lahm và Ballack đã xảy ra một cuộc “đụng độ” lớn khi thủ lĩnh mới đã công khai tuyên bố cho dù Ballack có quay lại tuyển Đức thì cũng không còn cơ hội lấy lại băng đội trưởng! Ballack đã thề rằng sẽ quay lại và băng đội trưởng sẽ phải trả lại cho người xứng đáng hơn. Và kết cục: HLV Joachim Loew đã vĩnh viễn gạch tên Ballack để chọn Lahm.

Tôi nhớ hồi xảy ra vụ đấu khẩu ầm ĩ của hai thủ lĩnh bóng đá Đức, đã được nghe ông Vũ Công Lập - một người hết sức am hiểu bóng đá Đức - kể không ít người cùng quan điểm với Ballack khi tỏ ý chê Lahm không xứng đáng là một thủ lĩnh đúng nghĩa. Với số đông, thủ lĩnh phải như Beckenbauer, Rumeniger, Matthaeus, Ballack... là những người có tài nghệ tuyệt vời, đủ khả năng một mình làm xoay chuyển tình thế. Đáp trả lại quan điểm này, Lahm cho rằng đó là kiểu thủ lĩnh của thời xa xưa. Thủ lĩnh của thời đại ngày nay không phải là người giỏi nhất, mà là người kết hợp được mọi người, khiến mọi người phải dốc hết sức để cống hiến cho thành công của tập thể.

Gần bốn năm trôi qua, giờ đây khi Lahm tuyên bố giã từ tuyển Đức ngay sau khi vừa đứng trên đỉnh cao danh vọng, nghiệm lại mới thấy chính xác làm sao. Những Messi, Ronaldo là những thủ lĩnh đích thực. Có điều họ là thủ lĩnh theo kiểu cũ, mà tập thể có nhiệm vụ phải phục vụ thủ lĩnh. Và kết cục thì ai cũng đã thấy, đó là khi bóng đá phát triển như một ngành công nghiệp, kiểu thủ lĩnh ấy đã không đi đến đích cuối cùng.

Ngày nay, trong mọi trường học đào tạo về quản lý, ai cũng được dạy về cách tổ chức làm việc nhóm, và thủ lĩnh của nhóm đúng là không nhất thiết phải trao cho người giỏi nhất, mà cần một người biết kết hợp mọi người tốt nhất.

Philipp Lahm chia tay đội tuyển Đức sau bốn năm làm thủ lĩnh và anh đã để lại cho chúng ta một bài học thực tế quý báu về vai trò người thủ lĩnh hiện đại là như thế nào.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên