20/08/2017 12:41 GMT+7

Là 'Tư lệnh' ngành: Ứng xử sao trước những xung đột?

ÁI NHÂN ghi
ÁI NHÂN ghi

TTO - BOT Cai Lậy, xin nhận chìm 'vật chất' ở biển Vĩnh Tân... gây ra dư luận lớn. Bộ trưởng - vị tư lệnh ngành - cần phản ứng thế nào trước những chuyện thuộc lĩnh vực mình quản lý gây ra xung đột lợi ích trong cộng đồng?

Khi dư luận phản ứng về dự án nhận chìm “vật chất” nạo vét ở vùng biển nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) thì Chính phủ đã xem xét lại - Ảnh: ĐỨC TRONG
Khi dư luận phản ứng về dự án nhận chìm “vật chất” nạo vét ở vùng biển nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) thì Chính phủ đã xem xét lại - Ảnh: ĐỨC TRONG

Trong trường hợp này, tư lệnh ngành nên hành động như thế nào để bảo đảm phương châm mà Chính phủ đang xây dựng: “kiến tạo - hành động - liêm chính”?

Ông Diệp Văn Sơn
Ông Diệp Văn Sơn

* Chuyên viên cao cấp DIỆP VĂN SƠN:

Phải lấy lợi ích nhân dân làm đầu

Bộ trưởng phải là chính khách - đúng với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Một chính khách nhất thiết phải lắng nghe, đứng về phía lợi ích của người dân (lợi ích chung) để điều hành, quản lý.

Nhất là chính khách lại là “tư lệnh” ngành quan trọng, gắn với nhiều công trình, dự án liên quan mật thiết với đời sống người dân.

Một sự việc, dự án, công trình... thuộc lĩnh vực mình quản lý gây ra xung đột lợi ích trong cộng đồng hoặc gây ra dư luận khác nhau, phản ứng bất thường trong xã hội thì bộ trưởng phải lắng nghe, đánh giá kỹ lưỡng để có quyết định đúng đắn theo pháp luật và đúng tầm.

Một tư lệnh ngành không thể quyết định chỉ dựa trên báo cáo tham mưu thiếu khách quan của cấp dưới - đó là chưa kể đến yếu tố thiếu khách quan vì lợi ích nhóm.

Nhân dân đang nhìn vào bộ máy Chính phủ khi cam kết xây dựng Chính phủ theo phương châm “kiến tạo - hành động - liêm chính”. Từng chính khách trong bộ máy đó phải hành động theo đúng tinh thần của phương châm ấy.

“Kiến tạo” đòi hỏi cao về trí tuệ, năng lực. Để “hành động, liêm chính” cũng đòi hỏi không nhỏ bản lĩnh của chính khách.

Để bảo đảm yếu tố “hành động, liêm chính” thì chính khách phải loại trừ được động cơ cá nhân, lợi ích nhóm và hành động, quyết sách phải dựa trên lợi ích cộng đồng thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Người dân không tự nhiên phản ứng với quyết sách, dự án, công trình... - nhất lại là phản ứng đến mức xung đột.

Ví dụ nói riêng về BOT Cai Lậy, Tiền Giang (không bàn đến yếu tố lợi ích nhóm), rõ ràng khi người dân phản ứng về việc đặt trạm thu phí và đòi phải dời trạm thì Bộ Giao thông vận tải lại quan ngại về thiệt hại cho doanh nghiệp đầu tư BOT.

Trong khi lợi ích của doanh nghiệp đầu tư BOT (cũng là người dân trong nghĩa chung) không thể xem xét tách rời, đối kháng lợi ích của những nhóm lợi ích khác.

Rõ ràng trạm thu phí Cai Lậy đã gây ra xung đột lợi ích với tất cả những người liên quan như: người dân địa phương, cá nhân sử dụng phương tiện phải mất phí khi qua trạm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp du lịch...

Đó là chưa kể đến xung đột do đặt trạm thu phí trên ở ngay con đường huyết mạch có thể gây ra thiệt hại rất lớn đến thu hút đầu tư, du lịch... của các tỉnh miền Tây.

Trong khi đó, một bài học còn nóng hổi về lắng nghe dân là dự án nhận chìm “vật chất” ở nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. Khi dư luận phản ứng gay gắt thì dự án đã được Chính phủ xem xét lại thận trọng hơn.

Những khuất tất trong dự án BOT Cai Lậy có thể sẽ được làm rõ với trách nhiệm của những người liên quan. Vai trò của tư lệnh ngành sẽ được thử thách. Những phản ứng, hành động của tư lệnh ngành sẽ được người dân nhìn vào, ghi nhớ.

TS Trương Minh Huy Vũ
TS Trương Minh Huy Vũ

* TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Cần nhạy cảm về thông tin

Các sự kiện diễn ra gần đây như nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), xét xử các đại gia ngân hàng, tăng thuế VAT... là những điểm soi của công luận.

Khi diễn ra, chúng nhanh chóng thu hút dư luận, gây hoang mang tâm lý và tạo ra những phản ứng xã hội, thậm chí chính trị đa chiều (mà hầu hết theo hướng tiêu cực).

Nhu cầu xử lý hay phản ứng (nhanh) các khủng hoảng này là một cách thức để hạn chế các hệ quả không đáng có của nó. Trong đó, xử lý và quản trị khủng hoảng về mặt truyền thông với tương tác thông tin là một trong những việc tối quan trọng và đầu tiên.

Dù đã có những nỗ lực khác nhau, tuy nhiên các sự kiện trên vẫn bị đánh giá còn nhiều hạn chế trong việc xử lý thông tin. Có thể khái quát chung ba yếu điểm lớn:

- Một là, các phản ứng thường quá chậm (không phải với người ảnh hưởng, mà với tốc độ phát tán của thông tin).

- Hai là, khi thông tin rò rỉ thì có những biện pháp quản lý khủng hoảng từ các cơ quan chức năng, nhưng chủ yếu là theo phương thức “3 chưa”: chưa nghe, chưa biết, chưa được giao trách nhiệm.

- Ba là, khi quyết định xử lý thông tin thì không nhất quán và chưa có phối hợp giữa các cơ quan hữu quan. Điều này làm mức độ hiệu quả của các thông điệp đưa ra bên ngoài - ngay cả khi có thông tin chính xác - kém hơn so với dự kiến.

Câu hỏi quan trọng đặt ra về một phương thức xử lý khủng hoảng thông tin hiện nay ở tầm quốc gia và từng ngành, từng địa phương cục bộ; cách tiếp cận “từ trên xuống” có còn phù hợp với xu hướng “thông tin hóa” đang diễn ra khi thông tin không đi theo các điểm nút theo hàng dọc, mà chạy chủ yếu theo hàng ngang, thậm chí từ nhiều hướng khác nhau.

Sự nhạy cảm thông tin của những người đứng đầu ngành, địa phương cũng chính là sự nhạy cảm chính trị, quyết định sự thành bại của vấn đề tổ chức lẫn con người.

Đỗ Thiện
Đỗ Thiện

* ĐỖ THIỆN (Trường ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức):

Làm gì và như thế nào?

Các yếu tố nhanh gọn, nhất quán và cởi mở phải được thực hiện trong một chiến lược thông tin bài bản về nội dung, trong đó vị tư lệnh ngành phải nhận diện đúng những vấn đề mà tổ chức của mình đang gặp phải. Việc kiểm tra và nhìn nhận khách quan yếu tố thượng tôn pháp luật là điều tối quan trọng.

Tuy nhiên, không được hiểu máy móc theo kiểu “đúng quy trình”, mà phải chứng minh được quy trình đó hợp lý và không ngược lại lợi ích chung.

Việc chứng minh phải được thực hiện minh bạch, công khai và khách quan. Việc phát ngôn “đúng quy trình” mà thiếu sự xem xét, phản biện với những câu hỏi từ phía công luận chỉ làm khủng hoảng càng trở nên tồi tệ. Điều quan trọng thứ hai trong xử lý khủng hoảng chính là “xin lỗi”.

Việc công khai xin lỗi khi sai và hứa khắc phục trước công luận sẽ giúp giữ được niềm tin từ công chúng, ngăn sự lan tỏa của làn sóng phản đối, đưa khủng hoảng vào giai đoạn “dừng lại và chờ đợi”, tạo không gian và thời gian cho việc khắc phục hậu quả của tổ chức.

Nhiều trường hợp các nhà chức trách bỏ qua giai đoạn này, thay vào đó là các chỉ đạo trực tiếp giải quyết hậu quả. Điều này tuy có thể dừng được cuộc khủng hoảng nhưng làm suy giảm niềm tin của công luận đối với trách nhiệm và tâm huyết của người làm quản lý.

Giai đoạn tiếp theo cần làm chính là cải thiện hình ảnh. Ngoài việc xử lý nghiêm theo luật pháp các sai phạm, bồi thường hợp lý, cơ quan gặp khủng hoảng cần gia tăng các hoạt động bù đắp, cải thiện hình ảnh và uy tín của mình.

Trong khi đó, nếu tổ chức chứng minh mình “trong sạch” và được sự đồng thuận từ công luận thì việc lên tiếng rút kinh nghiệm để né tránh những khủng hoảng tương tự cũng cần thiết để gia tăng niềm tin từ người dân.

Ông Bùi Đặng Dũng
Ông Bùi Đặng Dũng

* Ông BÙI ĐẶNG DŨNG (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):

Phải biết tiếp thu

Đối với một số vụ việc xảy ra gần đây khiến dư luận phản ứng như vụ nhận chìm “vật chất” xuống biển, hay việc giới tài xế phản ứng đối với trạm thu phí đường tránh ở Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) thì tôi cho rằng với những người đứng đầu, việc phản ứng thế nào sau dư luận này là điều cần phải cân nhắc.

Ví dụ vụ việc ở Cai Lậy, trong khi dư luận đưa ra những ý kiến về việc đặt trạm không đúng vị trí, thu phí quá cao và thu phí quốc lộ cho đường tránh... nhưng khi họp báo, lãnh đạo bộ chưa tiếp thu các ý kiến phản ảnh của dư luận nói chung, khiến dư luận càng nóng thêm lên sau những phát ngôn đó.

Tôi cho rằng đối với một vấn đề, nhất là liên quan đến kinh tế và liên quan đến túi tiền của một bộ phận nhân dân, thì cần phải thận trọng, lắng nghe.

Do đó, việc cần phải làm đối với người đứng đầu các ngành là phải lắng nghe, kiểm tra và tiếp thu, sửa chữa nếu những ý kiến, phản ảnh của dư luận, người có quyền lợi liên quan là đúng.

Trong một số vụ việc mới xảy ra gần đây, việc lắng nghe của những người đứng đầu ngành đã không được phát huy.

HOÀNG ĐIỆP ghi

ÁI NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên