16/06/2014 07:25 GMT+7

Lá thư rơi nước mắt của cô bé bóc hột điều

MỸ DUYÊN
MỸ DUYÊN

TT - Chúng tôi tìm về xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước sau khi đọc lá thư của Nguyễn Thị Ngọc Như, cựu học sinh lớp 7C Trường THCS Bình Minh, gửi các thầy cô của mình. Lá thư được Ngọc Như viết sau khi đã nghỉ học.

Đừng từ bỏ ước mơ em nhé! Thầy viết đơn kêu cứu cho tròƯớc mơ của cô sinh viên nghèo hiếu học

xBvHiUtu.jpgPhóng to
Ngọc Như làm việc tại xưởng điều - Ảnh: Mỹ Duyên

Ngọc Như đã nghỉ học khi hoàn tất năm học 2012-2013. Từ đó đến nay, em làm công việc bóc tách hạt điều tại xưởng điều cách nhà 2km. Cởi bỏ găng tay, tạp dề, Như lau mồ hôi và từ tốn chia sẻ câu chuyện của mình.

Từ một học sinh giỏi suốt 7 năm liền...

"Hồi mới nghỉ, thấy em họ đi học, nó khóc quá chừng, ai cũng xót. Đến khi đi làm Như rất đúng giờ đúng giấc, làm suốt và rất ít nghỉ ngơi, biết dùng đồng tiền kiếm được lo cho bà ngoại"

ChịNGUYỄN THỊ CHÍN (hàng xóm của Như)

Khi Như còn nhỏ, ba mẹ đã ly hôn. Như sống với bà ngoại 70 tuổi và người em họ tên Tú. Vào lớp 1, Như tập tành giúp bà ngoại làm việc nhà, chăm sóc em. Mùa hè đến, Như và Tú thường đi hái điều, hái cà phê mướn cho hàng xóm. Lớn hơn một chút, Như làm quen với công việc bóc tách hạt điều tại những xưởng gần nhà để kiếm thêm thu nhập và tiện trông nom bà.

Như bắt đầu vào lớp 5 cũng là lúc mắt ngoại yếu hẳn rồi không thấy gì nữa. Đồng thời, tiền hỗ trợ việc học từ mẹ cũng thưa thớt vì mẹ phải gồng mình, lo lắng nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Dần cảm được những khó khăn của gia đình, Như dành nhiều thời gian làm việc nhà, cùng người dì mất sức lao động thay phiên nhau chăm sóc ngoại. Bên cạnh đó, Như vẫn nỗ lực học tập, tham gia nhiều cuộc thi và hoạt động các cấp. Kể chuyện, viết chữ đẹp, học sinh giỏi cấp huyện lớp 4, lớp 5, lớp 6 cho đến cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” do huyện tổ chức, cuộc thi nào Như cũng được nhà trường đề cử tham gia. Như còn là thành viên tích cực trong phong trào văn nghệ, hoạt động Đội của trường, được nhiều học sinh biết đến. Không có điều kiện và thời gian như bạn bè, Như tranh thủ học bất cứ lúc nào rảnh, trao đổi với bạn bè, thầy cô khi không hiểu bài. Chưa bao giờ Như bỏ một buổi học nào vì đối với Như đi học là niềm vui, khát khao thay đổi cuộc đời.

Cùng với nỗ lực của Như là sự hỗ trợ của thầy cô tại những ngôi trường Như học. Thầy cô và bạn bè giúp Như tập sách, quần áo, quyên góp tiền để Như đi học nhưng mọi thứ chỉ cầm cự đến khi Như hoàn tất lớp 7. Bệnh tình của bà và dì trở nặng, không ai chăm sóc. Tú còn trong tuổi ăn, tuổi học. Như đành phải bỏ lỡ con đường của mình lao vào mưu sinh, nép mình với nước mắt mỗi khi thấy các bạn đến trường.

... Đến lao động chính trong gia đình

Như bắt đầu công việc bóc tách hạt điều từ cuối năm lớp 6. Khi còn đi học, tranh thủ những lúc rảnh Như và Tú thường vào xưởng làm việc. Đến khi nghỉ học, Như đều đặn thức dậy lúc 5g30 sáng để lo cơm nước cho bà, sau đó em đi làm đến 17g30 mới về nhà.

Công việc bóc tách hạt điều không khó nhưng người làm phải thường xuyên bao bọc tay chân kỹ lưỡng, nếu sơ suất để nhựa điều dính vào da sẽ bị phỏng, lở.

Hằng ngày Như bóc tách được khoảng 11kg điều loại C với giá 10.000 đồng/kg. Với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng, Như thường dùng để trang trải nhu yếu phẩm trong gia đình như gạo, thức ăn hằng ngày, thuốc men cho bà ngoại. Số tiền còn dư Như để dành đóng học phí cho Tú và chỉ xài cho bản thân mình chưa đến 100.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Chín, người hàng xóm và cũng là đồng nghiệp của Như tại xưởng điều, nói: “Như rất dễ thương, thiệt thà, ngoan ngoãn. Mọi người xung quanh rất thương nhưng ai cũng có hoàn cảnh nên chỉ giúp được một lúc nào đó. Cả xóm đều biết Như chăm chỉ, giỏi giang nhưng vì gia đình quá khó khăn đành phải nghỉ học”.

“Em rất muốn đi học lại vì từ trước đến nay ước mơ của em là được đến trường. Sau khi học xong em sẽ tìm một việc làm ổn định hơn để lo cho gia đình, phụ mẹ lo cho em Tú. Nếu cứ như bây giờ em sợ Tú sẽ dang dở như em” - Như chia sẻ ước mơ của mình khi mắt đỏ hoe, vội vàng trở về bàn làm việc.

“Xót xa trước quyết định của em”

Thầy Nguyễn Thanh Hồng, hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nói: “Thật sự khi đọc được bức thư của Như, tôi rất cảm động và đã đọc trước toàn trường. Em là một học sinh giỏi nhất khối, liên đội trưởng gương mẫu, đặc biệt viết chữ rất đẹp. Mọi công tác thầy cô giao cho em đều hoàn thành tốt, từ việc quản lý lớp cho đến các hoạt động, phong trào của trường. Không chỉ thế, em sống chan hòa, được bạn bè nể trọng và tin yêu. Nhà trường đã cố gắng tạo mọi điều kiện để em đi học, đến tận nhà vận động nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, nếu em đến trường thì người em họ phải bỏ học để chăm sóc bà ngoại, mưu sinh phụ gia đình. Ý thức được điều đó, em đành từ bỏ ước mơ để nhường cho Tú. Nhà trường cảm phục nhưng cũng xót xa trước quyết định của em”.

ijzcyEgX.jpgPhóng to

Em muốn mang khăn quàng đỏ

Kính gửi các thầy cô yêu quý của em!

Vậy là em đã xa trường lớp, xa các thầy cô nửa năm học rồi! Đến giờ này em vẫn chưa quen khi nghĩ mình không còn là học sinh của trường. Đối với em, thời gian vừa qua giống như em đang trong dịp nghỉ hè. Nhưng mùa hè của riêng em sẽ kéo dài mãi mãi và không bao giờ kết thúc, vì với tất cả mọi người mùa học mới đã bắt đầu từ lâu và học kỳ I đã gần hết. Đã có lúc em tự dối rằng hãy cố gắng vượt qua, đây chỉ là một giấc mơ, khi tỉnh giấc mọi thứ sẽ trở lại bình thường và em sẽ được đến trường. Nhưng thật bàng hoàng khi đó không phải là giấc mơ mà là sự thật, một thực tại em phải chấp nhận và không thể nào thay đổi. Em muốn đến trường, muốn được tung bay trên sân trường như một chú chim sổ lồng nhưng điều đó mãi mãi chỉ là ước vọng. Vì hoàn cảnh bắt buộc, em đành phải nén lòng vẫy tay chào tạm biệt mái trường yêu dấu, xa rời các thầy cô mà em yêu quý nhất, chia tay những người bạn thân mến đã cùng em chung lớp chung trường.

Mỗi lần nhìn thấy các bạn, các em cắp sách tới trường em lại thèm khát được bước tới giảng đường, được khoác lên người bộ đồng phục, được mang trên vai chiếc khăn quàng thắm đỏ, được nâng niu từng quyển sách rảo bước trên con đường thân quen ấy! Con đường đến trường giờ đây không còn xa nữa, không còn gập ghềnh khó đi nhưng với em nó lại chông gai và xa xôi đến tận cuối chân trời. Em đã cố quên và mang trên môi những nụ cười rạng rỡ, vậy mà giọt nước mắt cũng phải vỡ òa khi kỷ niệm xưa bất chợt tìm về.

Giờ đây, em đang tập đi trên ngưỡng cửa cuộc đời. Em nhớ lắm góc sân trường xưa cũ, nhớ từng hàng cây xếp lá mỗi chiều tan học, nhớ lớp học, nhớ cả bàn ghế, nhớ cả tiếng trống vang lên mỗi giờ giải lao... và nhớ lắm các thầy cô yêu dấu. Mỗi lời nói, mỗi câu dặn dò của các thầy cô như còn âm vang mãi trong trái tim em. Những giờ học nghiêm khắc, những nụ cười ấm áp của các thầy cô... Ôi! Biết bao kỷ niệm ngọt ngào mà trọn đời em sẽ không thể nào quên được...

Cảm ơn các thầy cô đã cho em một khung trời đầy mơ ước, cảm ơn các thầy cô đã nhen nhúm lên ngọn lửa yêu thương, ấm áp trong lòng em, cảm ơn các thầy cô đã tạo cho em niềm đam mê và khát khao được đến trường. Và cảm ơn nhất những tình cảm thiêng liêng, vô bờ bến mà các thầy cô đã dành cho em trong suốt mấy năm qua.

MỸ DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên