Tranh vui minh họa |
Chị đi lấy chồng. Gửi vào hành trang của chị là lời dặn dò của mẹ: “Con về bên ấy, nhà người ta có nói con trâu thành con bò thì con cũng dạ cho cửa nhà yên ấm nghe con…”.
Chị gật đầu nhận lời dạy của mẹ, để từ đó một cuộc đời mới đã bắt đầu với những vòng xoay vô tận của những việc không tên.
Nhẫn nhục và hi sinh, những mỹ từ gắn cho các phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam đã khiến chị tự nguyện quên đi bản thân mình vì sự thoải mái, an nhàn của những thành viên trong gia đình mới của chị.
Cho đến một ngày khi đã mệt nhoài, chị nhìn lại mình để thảng thốt nhận ra bản thân đang quá đỗi cô đơn giữa những người thân vô cảm.
Chồng xem sự lao lực của chị là lẽ tất nhiên của bổn phận làm vợ. Con của chị xem sự tất tả ngược xuôi của mẹ là nhiệm vụ của đấng sinh thành.
Chị hụt hẫng thẫn thờ. Chị những tưởng những cố gắng của mình sẽ được những người yêu thương ghi nhận. Chỉ cần ghi nhận thôi chứ không cần đáp lại, như vậy cũng đủ cho chị rồi. Nhưng cay đắng thay, sự ghi nhận mà chị mong mỏi ấy cũng chẳng bao giờ tới.
Chị nhìn những người chồng tan tầm ghé chợ mua thức ăn, về nhà chăm con và nấu cơm chờ vợ mà không khỏi thoáng buồn.
Câu chuyện của chị không phải là cá biệt mà là mẫu số chung của đa số phụ nữ Việt Nam, những người được giáo dục bởi những người mẹ, người bà rằng đã là phụ nữ thì phải biết hi sinh vì chồng, vì con.
Cái đức hi sinh ấy như một gia tài truyền kỳ mà những phụ nữ của các thế hệ sau nhận lấy, theo quan sát của tôi, vẫn phần lớn một cách tự nguyện hơn là miễn cưỡng.
Họ tự nguyện bởi họ được sinh ra và giáo dục trong một xã hội công nhận hi sinh là một thuộc tính của phái nữ.
Nhận định của tôi đã được củng cố khi gần đây, hoa hậu Việt Nam đã đăng quang với câu trả lời giành được thiện cảm của ban giám khảo và đông đảo khán giả, rằng đức hi sinh là điểm làm nên sự khác biệt của phụ nữ Việt Nam.
Xã hội Việt Nam tôn vinh người phụ nữ hay đang ép buộc họ phải quên mình vì người khác để từ đó, một hệ quả kéo theo là những người khác trong gia đình sẽ nhận lấy sự hi sinh đó như một lẽ tất nhiên nên hóa thành vô cảm?
Sự vô cảm đó đã biến tổ ấm thành tổ lạnh, nơi những thành viên việc ai nấy lo, hồn ai nấy giữ. Những người phụ nữ ấy thường phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc hi sinh nốt cho trọn một con đường đã chọn, hoặc bứt phá để có nhiều người phải cùng chịu tổn thương.
Bạn sẽ phản đối, phê phán rằng tôi quá tiêu cực, bởi còn một lựa chọn nữa là đấu tranh để biến sự vô cảm thành thông cảm.
Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người đồng tình với mình rằng xác suất chiến thắng trong cuộc đấu tranh này là rất thấp. Khi một thói quen thụ hưởng đã thành cố hữu, sự thay đổi nó không thể dễ dàng.
Tuy nhiên, một sự thay đổi, dẫu chậm hơn, nhưng bền vững hơn là hoàn toàn có thể. Nó sẽ bắt đầu khi xã hội thôi tôn vinh người phụ nữ bằng những dây trói vô hình mà siết chặt, khi những người mẹ dạy con gái biết yêu mình hơn thay vì phải quên mình và dạy con trai biết ý thức chia sẻ thay vì mặc nhiên thụ hưởng.
Tôi đã quyết tâm thực hiện sự thay đổi đó bằng cách dạy con trai từ những điều thật nhỏ khi tuổi của con tôi còn nhỏ, từ việc giúp mẹ phơi quần áo, rửa bát, quét nhà.
Khi con tôi trưởng thành, tôi sẽ dạy con bài học đầu tiên của cuộc sống gia đình rằng những việc tưởng như nhỏ nhặt ấy sẽ không làm người đàn ông hèn kém đi, mà ngược lại sẽ giúp xây dựng người đàn ông thành tượng đài vững chắc trong lòng người phụ nữ.
Đời sống là cộng sinh nên cần lắm sự sẻ chia. Chúng ta hãy thay đổi trong tư duy để chung tay biến vô cảm thành thông cảm, cho hạnh phúc gia đình được vững chắc hơn.
Người đàn ông trong nhà bạn có chia sẻ việc nhà cùng bạn? Có phải là phụ nữ thì phải hi sinh, đảm đương hết tất cả việc trong gia đình? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận