Đó là phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin & du lịch tỉnh Lào Cai, đang là người đảm trách công việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - thông tin & du lịch công nhận ruộng bậc thang ở Sa Pa là di sản quốc gia. Sau đó, đề xuất Cục Di sản và các cơ quan liên quan đề nghị UNESCO công nhận quần thể ruộng bậc thang Sa Pa - bãi đá cổ Mường Hoa - vườn rừng Hoàng Liên Sơn là di sản thế giới.
Kỳ 1: Ruộng 121 bậc thang Kỳ 2: 100 năm mở ruộng Kỳ 3: “Nghệ nhân” ruộng bậc thang
![]() |
Ông Trần Hữu Sơn - Ảnh: Hồng Thảo |
Ông Sơn cho biết:
- Thật khó có thể biết chính xác thời điểm khai sinh của ruộng bậc thang ở nước ta. Theo nghiên cứu của một số tài liệu khảo cổ về những dấu vết của mương cổ dài gần mười mét nằm trong hệ thống mương đào dài hơn 10km (có những đoạn mương khá kiên cố) tại xã Ý Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai), đó là dấu vết khai mở cổ xưa nhất của hình thái ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc, cách nay hơn 100 năm. Hệ thống mương này có chức năng dẫn nước từ xa đến ruộng bậc thang của người Hà Nhì.
Trên nhiều tảng đá cổ thuộc bãi đá cổ ở xã Hầu Thào (phía đông nam Sa Pa) có nhiều hình khắc về ruộng bậc thang chứng tỏ ruộng bậc thang đã xuất hiện ở Lào Cai khá lâu. Theo tôi biết, hiện còn nhiều ruộng bậc thang ở Sa Pa đã 100-200 năm tuổi.
Riêng ở Sa Pa, chủ nhân lâu đời của những thửa ruộng bậc thang 121 bậc tại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải cũng không xác định được một cách “chính sử” về sự xuất hiện ban đầu của ruộng bậc thang. Trong khi đó, hơn 10km2 ruộng bậc thang Banaue trên vùng núi Fugao cách mặt biển 1.500m của Philippines được xác định cách nay 2.000 năm. Những thửa ruộng này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1995.
* Ruộng bậc thang có những ưu điểm gì, thưa ông?
- Khi lý giải vì sao ruộng bậc thang xuất hiện tại một số vùng núi cao ở nước ta, một số tộc người Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu cho biết do vùng núi cao hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước, vì thế họ tìm cách khắc phục bằng cách chọn các sườn núi có đất màu, bạt thành bậc tam cấp để tạo nên những vạt đất bằng đa dạng về kích thước, chênh nhau về độ cao, chạy theo sườn núi. Sau đó tìm nguồn nước dẫn vào ruộng (dẫn thủy nhập điền) theo hệ thống thủy lợi dân gian khá tinh vi để làm mềm đất phục vụ việc cày, bừa dễ dàng. Đây chính là phương thức canh tác, xây dựng đồng ruộng lúa nước trên đồi núi khá hiệu quả.
Ruộng bậc thang giữ nước rất tốt nên giữ được phân bón, theo đó giữ độ ẩm cho rừng. Dù mưa hay nắng, ruộng bậc thang luôn giữ được lưu lượng, cường độ dòng chảy, hạn chế xói mòn nên độ màu mỡ của đất rừng không bị rửa trôi.
Đa số ruộng bậc thang ở Sa Pa đều sử dụng giống lúa lai nhị ưu (838), bắc ưu (903) của Trung Quốc và VL 20 (giống lúa lai tạo, chịu hạn giỏi của Lào Cai) nên năng suất đạt khoảng 5,5 tấn/ha, cao hơn nhiều so với giống lúa địa phương. Như vậy, ruộng bậc thang càng nhiều càng tạo việc làm cho nhiều lao động. Đây là điều kiện quan trọng để hạn chế nạn đốt rừng làm rẫy và lối sống du cư du canh của một số tộc người.
![]() |
Một kiểu làm sạch lúa từ ruộng bậc thang ở Sa Pa - Ảnh: Vũ Toàn |
* Việc khai mở ruộng bậc thang không dễ. Có phải vì thế nên đa số lao động trên ruộng bậc thang là nam giới?
- Ngày xưa, một gia đình không thể khai mở được ruộng bậc thang vì núi cao, rừng rậm mà phải nhiều nhà hợp sức lại hoặc cả dòng họ cùng phân công nhau làm. Có nơi hình thành các tổ “đổi công” tự phát huy động trai gái của cả làng đi làm ruộng bậc thang, nhưng thành phần khai phá chỉ là nam giới. Cách nay khoảng 30 năm người ta còn thấy nam giới không chỉ đi cày, bừa mà còn đi cấy trên ruộng bậc thang. Sau này nhiều địa phương có cả phụ nữ và trẻ em cùng tham gia làm ruộng đông như ngày hội làng.
* Hiện 100% diện tích canh tác lúa ở Sa Pa đều bằng ruộng bậc thang. Vậy tại sao các vùng núi của nhiều tỉnh khác, đặc biệt vùng núi cao như Thanh Hóa, Nghệ An... lại không thấy có ruộng bậc thang xuất hiện?
- Ruộng bậc thang rất quan trọng với người miền núi vì gạo không chỉ là nguồn lương thực chính mà còn để trao đổi, buôn bán. Gạo đối với các tộc người vùng cao còn chứng minh sức mạnh gia tộc, là nguồn sống của tộc người. Ruộng bậc thang là loại hình canh tác đặc biệt của vùng Đông Nam Á, vì nó là sự thích nghi trọn vẹn ý muốn của con người vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với thiên nhiên trong sự tôn trọng, bảo vệ môi trường.
Việc ruộng bậc thang chưa phổ biến khắp các tỉnh vùng núi cao ở nước ta có lẽ là do tập quán canh tác cũ của người miền núi, trong lúc các địa phương chưa thật sự quan tâm thay đổi tập quán ấy theo chiều hướng có lợi không chỉ cho riêng từng địa phương.
* Ruộng bậc thang có sức hút với du khách nước ngoài ra sao, thưa ông?
- Năm nào cũng có đông du khách trong và ngoài nước lên Sa Pa bằng tàu hỏa và xe du lịch từ Hà Nội. Năm 2007 có khoảng 305.000 lượt người. Sáu tháng đầu năm nay có 180.000 lượt người. Không ít du khách đã bị các thửa ruộng bậc thang Sa Pa hút hồn vì cảnh trí độc đáo và sản phẩm của nó. Chắc chắn sau khi ruộng bậc thang ở Sa Pa trở thành di sản thế giới thì lực hút của nó sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
* Để ruộng bậc thang giữ được dáng vẻ độc đáo, khoe sắc, theo ông cần phải làm gì?
- Đó là câu chuyện cần phải tính ngay từ bây giờ vì Sa Pa không thể nằm ngoài xu hướng đô thị hóa với mật độ dân số ngày càng tăng. Mà đã giữ là phải giữ bền vì thiếu ruộng bậc thang thì Sa Pa thiếu đi một phần hồn vía của con người và thiên nhiên của xứ sở này. Chúng tôi phấn đấu trong năm 2009 ruộng bậc thang sẽ trở thành di sản quốc gia. Tiếp đó sẽ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Chúng tôi đang phát động cuộc thi sáng tác nhiếp ảnh về ruộng bậc thang. Ngay trong tháng 10 sẽ có một cuộc trưng bày về vẻ đẹp của ruộng bậc thang tại Sa Pa. Đồng thời chúng tôi cũng kiến nghị trong công tác quy hoạch sẽ định hướng bảo tồn các khu ruộng bậc thang. Hiện nay sở đang tiến hành mô hình bảo tồn hệ thống ruộng bậc thang tại làng Cát Cát cách thị trấn Sa Pa 11km.
* Ông Nguyễn Thọ Cảnh (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An): Nghệ An cũng muốn làm ruộng bậc thang, nhưng... Khi lên một số tỉnh phía Bắc tìm hiểu về cây chè, chúng tôi được nghe giới thiệu về ruộng bậc thang ở Sa Pa, Yên Bái, Hà Giang. Nhận thấy những ưu điểm vượt trội của ruộng bậc thang, chúng tôi đã tham khảo ý kiến Ban dân tộc cùng các huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An và chuẩn bị tổ chức cho già làng, trưởng bản tại địa phương đang tồn tại tập tục đốt rừng làm nương rẫy đi tham quan. Nhưng kết quả không thành. Lý do, các già làng, trưởng bản cho rằng từ xưa vùng núi cao Nghệ An không có tập quán làm ruộng bậc thang nên bây giờ làm rất khó. Tuy vậy, chúng tôi đang tập trung xem xét phương án làm ruộng bậc thang vì thay đổi tập quán cũ thành phương thức canh tác mới, độc đáo và hiệu quả là cuộc cách mạng rất cần thiết đối với nông nghiệp miền núi. Đặc biệt, nếu có ruộng bậc thang thì sẽ xóa sổ 14.000ha rừng bị đốt làm rẫy hằng năm và cung cấp đủ gạo cho người dân vùng cao, tạo được cảnh quan kỳ vĩ như ở Sa Pa. |
-----------------------------------------------------
Trong số báo tới, nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ sẽ bàn đến ý nghĩa sâu sắc của những hạt lúa chín lên từ ruộng bậc thang và câu chuyện về văn hóa lúa nước mang sắc thái rất riêng của các tộc người vùng cao.
Kỳ tới: Đẹp, bền vững, thân thiện với thiên nhiên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận