Kỳ 1: Ruộng 121 bậc thang Kỳ 2: 100 năm mở ruộng
![]() |
Ông Mã A Cháng kể chuyện đi mở ruộng - Ảnh: Hồng Thảo |
Việc này ông Vảng cho biết ông Mã A Cháng ở thôn Móng Sến 2, xã Trung Chải là một “nghệ nhân” kỳ tài của Lào Cai. Phó chủ tịch xã Trung Chải Chảo Pết Lẩy nói tuy đã 67 tuổi nhưng ông Cháng ít khi chịu ngồi trên đỉnh núi mà thường đi mở ruộng thuê từ Sa Pa sang huyện Bát Xát, huyện Mù Căng Chải. Cầm hòn đá vạch xuống đất, vẽ đường vào Móng Sến 2, phó chủ tịch xã nói: “Qua Móng Sến 1 là sang Móng Sến 2. Sau 15 phút đi xe máy, còn lại đi bộ thêm ba giờ nữa mới tới nhà ông Cháng trên đỉnh núi”. Cũng nhờ những chuyện kể dọc đường về “nghệ nhân” này và qua nẻo rừng nào cũng gặp những thửa ruộng bậc thang xanh lúa (đa số là sản phẩm do ông Cháng khai mở) nên cả ba chỉ dừng nghỉ vài phút trong chặng hành trình đi tìm “nghệ nhân”.
Đời mở ruộng
Ông Cháng là người Mông nhưng nói thạo tiếng Dao, tiếng Giáy vì ông không nhớ đã mở bao nhiêu thửa ruộng cho người Giáy, người Dao. Nghe chúng tôi gọi “nghệ nhân”, ông liếc mắt cười, xua tay bảo: “Ta là kẻ đi làm thuê mà. Đói ăn thì đi làm cho người ta để kiếm cái ăn cái mặc thôi”.
Năm 16 tuổi, ông Cháng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Kể từ đó ông bắt đầu cuộc đời đi làm thuê vì ông là con đầu của gia đình bảy anh em không có cả muối để ăn cơm. Nhưng để được người ta thuê lần đầu tiên không dễ, họ vào tận ruộng nhìn tận mắt ông biến cái dốc núi trở thành từng bậc ruộng bằng ngăn ngắt thì họ mới thuê. Chuyến đầu tiên ông đi mở ruộng ở xã Phình Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) với một cái túi quàng chéo trước ngực, một cái cuốc vác vai. Trong túi chỉ có một gói cơm, bao thuốc lào, cái bật lửa và tấm nilông. Sau 15 ngày ông khai xong thửa ruộng gieo được 10kg giống, được chủ khen và thưởng thêm tiền công.
Rời Phình Ngan ông sang Suối Tủng, Xủng Hoảng làm tiếp. Nơi nào ruộng xa nhà chủ thì ông làm lán trú, vừa làm vừa bảo vệ ruộng. Cứ thế, ông đi liên miên năm này qua năm khác. Cách nay một tháng, ông còn đi mở thửa ruộng gieo 25kg giống ở xã Pờ Xì Ngài. Ông kể: “Sau khi tôi trở thành thợ, người có nhu cầu mở ruộng không cần phải lần đường vào Móng Sến 2 để thuê mà gửi thư tay hoặc qua bưu điện. Có ngày tôi nhận được ba thư, phải khăn gói lên đường ngay mới phục vụ kịp nơi này nơi kia”.
Cuộc đời đi mở ruộng cũng có lúc vui lúc tủi. Lúc vui là mở ruộng cho cả dân thường và chủ tịch huyện Sa Pa Má A Châu, trưởng công an huyện Chang A Chỉnh. Vui nhất là thi thoảng được cả dân và chủ tịch huyện đãi cơm nếp. Còn chủ nhà đã cho ăn đói lại giả vờ kêu thợ làm không tốt để bớt xén tiền công thì tủi, khổ lắm. “Đã là thợ, khắc làm thì khắc có ăn. Làm dối có nghĩa tự làm đói mình, dại gì” - ông dằn vặt.
![]() |
Một thửa ruộng bậc thang mới mở ở Sa Pa - Ảnh: Ngọc Bằng |
Niềm tự hào
Khi được nhiều người thuê, ông Cháng rủ thêm con rể, các cháu và bạn đi làm. Lúc ấy ông được lên chức “chỉ huy”. Ông nói người chỉ huy phải chịu trách nhiệm làm những công đoạn khó nhất khi mở một thửa ruộng như giữ bờ ruộng cho chắc, nước không thể “dột”; san đất cho bằng; xẻ bờ khi cong, khi thẳng nhưng phải thật chuẩn; chọn vị trí thông nước dích dắc từ ruộng cao xuống ruộng thấp (nước nhỏ trổ lỗ thẳng, nước to trổ lỗ xen kẽ) để luôn giữ được nước trong mùa hạn nhưng không ngập úng, gây xói lở ruộng trong mùa mưa.
Ông Cháng nêu tiếp kinh nghiệm: nếu đất bằng thì mở từ dưới lên, nhưng đối với vùng đất dốc có nhiều đá thì phải mở từ trên xuống để tránh những tảng đá to rơi từ trên xuống sẽ gây chết người hoặc phá nát ruộng. Tuy dụng cụ mở ruộng đơn giản chỉ có cái cuốc bướm (lưỡi cuốc lõm ở giữa theo chiều dọc) để tạo bờ cong, cuốc lưỡi gà để tạo bờ thẳng, xà beng để đào gốc cây, rựa để phát cây tạp. Riêng lưỡi cày càng nặng càng tốt vì sẽ cày được sâu, diệt được cả gốc cỏ tranh hoặc rễ cây rừng. Kiêng nhất là làm tạp nham khiến thửa ruộng xấu xí.
Trước khi khai ruộng phải đi tìm nguồn nước (có khi phải đi xa hàng cây số mới “bắt” được nước về). Nước còn có tác dụng như cái livo - thước đo cân bằng - của thợ xây dựng để nước chảy đến đâu mặt ruộng được thăng bằng ở đó. Kể đến đây ông Cháng tự hào: “Bây giờ quen rồi, chỉ nhìn một lần cũng cân bằng được mặt ruộng phẳng tăm tắp rồi mới bắt đầu giục trâu cày, bừa cho thật ngấu đất, hai tháng sau cắm cây mạ vào là chắc ăn”.
Từ một mình ông Mã A Cháng đi làm thuê, nay đã có hàng chục người (chủ yếu là thanh niên) ở Móng Sến 1 và Móng Sến 2 chuyên nghề đi mở ruộng với niềm tự hào không hề thua kém người Hà Nhì ở xã Ý Tí, huyện Bát Xát - nơi có những thợ mở ruộng nổi tiếng cả vùng Tây Bắc. Họ chính là những người đã góp tay làm nên những thửa ruộng diệu kỳ ở Sa Pa bao năm qua.
Ruộng bậc thang phát triển, chấm dứt cảnh di cư tự do Theo Ban Dân tộc Lào Cai, trước đây người dân tộc ở Sa Pa chủ yếu phát nương làm rẫy, trồng lúa nương, trồng ngô để lấy cái ăn. Từ năm 1998 đã chấm dứt cảnh phát nương đốt rừng, nhờ đẩy mạnh phong trào làm ruộng bậc thang, trồng ngô và rau sạch đã chấm dứt cảnh di cư tự do vào Tây nguyên, sang Lai Châu. Nếu không có ruộng bậc thang thì rừng Sa Pa sẽ bị phát trụi. Nguy cơ vườn quốc gia Hoàng Liên bị tàn phá. Khu vực rừng Toòng Sành, Bản Xèo của huyện Bát Xát (Lào Cai) cũng có nguy cơ bị xâm lấn để làm nương rẫy. Ở VN, ngoài Sa Pa, ruộng bậc thang có rải rác ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai. Tại Yên Bái, ruộng bậc thang tập trung ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình thuộc huyện Mù Cang Chải. Tại đây có 500ha, năng suất bình quân hơn 4 tấn/ha. Tháng 10-2007 toàn bộ số ruộng bậc thang này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngoài ra ở hai tỉnh Hòa Bình, Hà Giang cũng có những thửa ruộng bậc thang chưa được nhiều người biết đến. |
---------------------------------------------------------
Cần phải làm gì để ruộng bậc thang giữ được dáng vẻ độc đáo, khoe sắc? Phải làm sao để ruộng bậc thang trở thành di sản thế giới?
Kỳ tới: Từ Sa Pa ra thế giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận