26/07/2014 06:56 GMT+7

Kỷ vật trở về

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Ngày 25-7, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức trao trả hồ sơ cho 100 cán bộ, chiến sĩ của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhận nhiệm vụ tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève năm 1954.

100 cán bộ, thân nhân người đi B nhận lại hồ sơ, kỷ vật TP.HCM: trao trả hồ sơ cho cán bộ đi B Trao trả trên 5.000 hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B

ZtotilnE.jpgPhóng to
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Trần Tấn Ngời trao hồ sơ cho cán bộ từ miền Nam tập kết ra Bắc sau đó trở về Nam giai đoạn 1959-1975 để tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam - Ảnh: Thanh Vũ

Hôm đọc lá thư của UBND TP.HCM mời nhận hồ sơ đi B của cha mình, ông Lê Văn Minh (nhà ở Q.Gò Vấp) và vợ đều bật khóc. Lật tập hồ sơ, lần giở từng trang lý lịch, miết tay lên những dòng chữ viết tay của cha, ông bần thần: “Cái này ổng viết hồi tui mới 2 tuổi nè. Tui sinh năm 1952, nghe má kể ổng tập kết ra Bắc năm 1954, lúc đó tui mới biết đi chập chững. Hồi đó nhà nào có người đi B là tụi lính theo dõi dữ lắm. Khai sanh, giấy tờ của tui từ nhỏ tới lớn, trong mục họ tên cha chỉ thấy ghi hai chữ vô danh”.

20 năm xa và 7 ngày đoàn tụ

Trao trả tận tay

Phát biểu tại lễ trao trả kỷ vật, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang bày tỏ: “Trong hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, thẻ cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn còn có các kỷ vật như huân huy chương, bằng khen, giấy khen, hình ảnh, sổ tay, nhật ký... Đây không chỉ phản ánh quá trình phấn đấu hoạt động của cá nhân, của đơn vị, của tổ chức mà còn là minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày trước”.

Ông Cang yêu cầu Sở Nội vụ TP tiếp tục phối hợp với các quận huyện, sở, ban, ngành, Quân khu 7 và các tỉnh bạn để tìm kiếm thông tin, công bố danh sách cán bộ đi B trên phương tiện thông tin đại chúng và trao trả hồ sơ tận tay cho cán bộ hoặc người thân trong gia đình.

Theo ông Trương Văn Lắm - giám đốc Sở Nội vụ TP, năm 2013 sở đã tiếp nhận 1.920 tài liệu, hồ sơ đi B của cán bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ Trung tâm lưu trữ quốc gia III. Đây là khối tài liệu thuộc Ủy ban Thống nhất Chính phủ của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó trở vào Nam theo lệnh để tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam. Đến nay đã tìm được 254 địa chỉ cán bộ và thân nhân cán bộ đi B. Hiện Chi cục văn thư - lưu trữ của sở đã số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu này để làm tư liệu phục vụ nghiên cứu.

Năm ông Minh 17 tuổi, lần đầu tiên trong đời ông hỏi má về cha. Câu trả lời của má cũng không rõ ràng và hình ảnh người cha trong đầu ông vẫn là một dấu hỏi.

Mãi tới năm 1972, lúc này ông Minh đã lấy vợ, có con gái đầu lòng thì trong nhà mới có một sự lạ. Có mấy người khách tới nhà, ông hỏi má thì má gạt ngang: “Bà con bên ngoại mày lên chơi chớ ai!”. Nhưng đến hai bữa sau, má đột ngột thông báo: “Ba mày còn sống, ổng đi tập kết mới về, đang ở đình Phong Phú”. Rồi má dẫn vợ chồng ông, bồng theo cả đứa cháu nhỏ đi gặp mặt ông nội. Ông Minh nhớ lại: “20 tuổi mới gặp mặt cha lần đầu, tui bần thần, tay chân cứ lọng cọng. Hai cha con vừa ôm nhau thì ông già đã hỏi: “Mày đi lính gì?”. “Dạ, con đi hải quân, nhưng chỉ làm bên kỹ thuật, sửa chữa máy móc”. Câu trả lời của tôi làm gương mặt ông giãn ra một chút. Sau này tôi mới biết ông về đột ngột vì hay tin tôi đi lính quốc gia. Ông sợ cha con có ngày bắn nhau mà không biết”. Lần đó, mới gặp nhau chừng 15 phút thì bị lộ. Cha ông đi ngay khi cảnh sát ập tới.

Cuộc chia cách kéo dài thêm ba năm, cho tới ngày đất nước thống nhất. Trước ngày giải phóng, cha nhờ người đánh tiếng về nhà biểu mấy mẹ con ở đâu yên đó, không được nghe lời ai xúi bẩy bỏ đi. Đất nước thống nhất xong, ông cũng chưa về nhà ngay mà ở tại nơi làm việc trên Q.9. Má soạn đồ đến ở với cha được đúng một tuần. Đến ngày thứ bảy, bà lên cơn đau bụng quằn quại, chuyển vô bệnh viện mới biết bị ung thư dạ dày thời kỳ cuối. Má ông mất không lâu sau đó. “Trước khi mất, má đuổi vợ chồng tui ra ngoài, nằm trên giường bà níu lấy tay cha, biểu có lấy vợ sau thì ráng chọn người biết thương con cháu. Tội thằng Minh từ nhỏ tới lớn không có cha, tới chừng vừa có được cha thì giờ mất mẹ” - ông Minh kể.

Chờ đợi 20 năm chỉ để có bảy ngày thật sự sống trong đoàn tụ. Ngần ấy năm trời, mãi đến lúc má mình nhắm mắt xuôi tay, ông Minh chưa một lần nghe buông một lời oán than hay nuối tiếc.

“Đi Ông cụ” bằng cái đầu

Soạn tập hồ sơ được trao trả cẩn trọng, ông Đỗ Văn Dọi (Q.4) chép miệng: “Cảm ơn tổ chức đã gìn giữ và trả lại cho chúng tôi những kỷ vật gần như là nguyên vẹn. Cái này tui đem về cho con cháu để chúng biết cha ông chúng đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mạnh nhất như thế nào!”.

Nhớ lại thời kỳ tập kết ra Bắc năm 1954, ông kể: “Ban ngày làm việc hết mình cho miền Bắc, ban đêm lại mong nhớ miền Nam. Hễ nghe trên đài đưa tin cách mạng miền Nam, đồng bào miền Nam bị đàn áp, lòng anh em tập kết chúng tôi như muối xát, muốn mọc cánh bay về ngay miền Nam”. Đến năm 1968, ông được lệnh điều động bí mật trở vào Nam. Cầm theo tờ giấy nhỏ với vỏn vẹn ba chữ “Đi Ông cụ”, ông Dọi hành quân trở về Nam với lời dặn của người chỉ huy trước lúc lên đường: “Đi vào Nam là phải đi bằng cái đầu”. “Thú thật lúc đó anh em chúng tôi chưa hiểu “đi bằng cái đầu” là làm sao. Chỉ khi ngày nào cũng vác trên vai chiếc balô nặng 30kg, vượt đèo, vượt núi, đi bộ từ sáng tới tối mới đến trạm dừng chân, đến mức cái nút áo cũng phải cắt bỏ đi cho nhẹ được chút nào hay chút ấy thì mới thấm thía không thể đi bằng sức mà phải đi bằng ý chí, bằng cái đầu” - ông nói.

“Nhớ bữa cán bộ của Ủy ban Thống nhất Chính phủ tới hỏi: “Sao, giờ có đi B không?”, tui trả lời: “Không đi B thì đi đâu bây giờ!”. Vậy là làm thủ tục vỏn vẹn một tuần sau đi luôn” - ông Lê Ngọc Bôn, 81 tuổi (Q.2), cười hào sảng. Lúc đó vợ ông mới sinh con đầu lòng, ông chỉ kịp đặt tên con, nhắn mẹ vào chăm sóc rồi lên đường. Đi được một tháng, ông viết thư về cho vợ. Lá thư viết vội trên đường cũng chỉ vỏn vẹn ít chữ: “Mẹ con bà sao rồi? Ráng cố gắng chờ ngày thống nhất!”. Lục túi còn được 20 đồng, ông gửi kèm thư về cho vợ. Ông chia sẻ: “Những giấy tờ, kỷ vật gửi lại cho tổ chức, lúc đó mình chỉ nghĩ nếu mình hi sinh thì còn có cái gửi lại cho con, hoàn toàn không nghĩ sẽ có ngày nhận lại, cũng không nhớ mình đã để lại những gì. Thời đó, cuộc sống của mình gắn liền với lời dạy của Bác Hồ. Ra đi vì mục tiêu thống nhất đất nước, chúng tôi không băn khoăn, cũng không hối tiếc”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên