19/05/2012 09:26 GMT+7

Kỷ vật kể chuyện

 MAI LÂM
 MAI LÂM

TT - Mấy tấm hình đã ngả màu vàng ố, cuốn sổ tay bằng giấy loại xấu ra đời từ những năm còn chiến tranh... - mỗi đồ vật trong Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM cất giữ một mẩu chuyện về Bác Hồ để chờ kể cho du khách, ấp ủ cả những câu chuyện chưa được kể bao giờ.

Kỳ 2: Bức ảnh từ lòng đấtKỳ 1: Cuốn sách của cha

D3jhbLpZ.jpgPhóng to
Nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết và tập thơ về Bác Hồ - Ảnh: Mai Lâm

Giữa dòng xe tấp nập ở Sài Gòn, một chiếc môtô bấm còi bí bo. Xe đặc biệt: sơn màu xanh kiểu xe nhà binh, có ba bánh, bốn chỗ, trước xe phất phới lá cờ đỏ sao vàng. Lái xe cũng đặc biệt: đội nón bảo hiểm kiểu nón cối bộ đội, trên nón gắn ngôi sao vàng, chỉ có một chân, một tay rưỡi, một nụ cười tươi và đôi mắt vui. Trên những con đường mà chiếc xe đi qua, người đi đường vẫy tay chào.

Áo ấm ngày đông

Cũng với chiếc môtô đó, cách đây ít ngày, ông Lê Thống Nhứt, 81 tuổi, thương binh đặc biệt với tỉ lệ thương tật 91%, đã tìm tới Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM để làm một chuyện hệ trọng. Dựng xe cẩn thận, tự tay ông chống nạng đi vào, trao tặng một bọc đồ được gói ghém cẩn thận. Bên trong là chiếc áo trấn thủ cũ sờn được Bác Hồ tặng vào mùa đông năm 1955. Tổng cộng, chiếc áo đã ở với ông 57 năm.

Nhắc tới kỷ niệm về Bác Hồ, giọng ông bỗng rưng rưng: “Năm 1953, tôi bị thương trong một trận càn, chân phải bị cắt bỏ, chân trái bị gãy, tay phải bị giập nặng. Đang trong thời gian điều trị thì Ty Thương binh cấp cho một chiếc áo ấm, dạng áo trấn thủ, nói là của Bác Hồ gửi tặng cho thương binh nặng. Cầm cái áo mà tôi xúc động, biết ơn Bác Hồ. Phần lớn anh em trong Nam ra Bắc không chịu được cái lạnh mùa đông. Đằng này lại đang bị thương nặng thì càng khốn khổ với giá rét”. Nhận áo rồi, ông Nhứt không mặc, sợ áo cũ nên ông lồng áo trong bao áo gối để gối đầu hằng đêm.

Thời gian sống tại miền Bắc, có một lần ông Nhứt sang thăm người anh điều trị tại trại thương binh hỏng mắt. Buổi sáng hôm ấy, ông dậy sớm tản bộ ra cổng trại thì thấy có nhiều công an mặc sắc phục. Hỏi ra mới biết hôm ấy có đoàn đại biểu đến thăm. Ông nhớ lại: “Qua khe cửa sổ, tôi nhìn mãi, nhìn mãi mà không thấy Bác đâu. Chỉ thấy một ông bác sĩ cùng đi với vài người nữa. Phái đoàn tỏa ra nhiều hướng. Tốp của ông bác sĩ đi thẳng xuống nhà bếp, vào xem cả phòng vệ sinh. Đi qua bậc thềm, ông bác sĩ chỉ xuống, có ý như bảo phải cọ rửa cẩn thận kẻo thương binh té ngã. Tiếp đó, bác sĩ vào phòng thương binh.

Anh em thương binh thì thầm với nhau: “Đoàn đến vậy mà không biết có Bác Hồ không?”. Lúc này vị bác sĩ mới cởi nón, tháo khẩu trang rồi lên tiếng: “Thế này không biết có phải là Bác Hồ không nhỉ?”. Nghe giọng nói trầm ấm thân thương, anh em thương binh hô to: “Bác Hồ, Bác Hồ” rồi chạy tới ôm Bác. Buồn cười ở chỗ thương binh toàn là người hỏng mắt nên chỉ vài anh ôm trúng Bác Hồ, còn lại toàn là anh em ôm nhau. Thấy vậy, Bác bảo mỗi anh trở về giường của mình rồi Bác lần lượt đến từng giường nắm tay từng người một”. Anh thương binh cụt chân, cụt tay Lê Thống Nhứt đứng nhìn, rớt nước mắt vì xúc động.

Tặng đi báu vật

Gần đến ngày 19-5, tận tay mang kỷ vật đến bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, khi biên bản giao nhận đã được làm xong cũng là lúc nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết bật khóc. Khóc rồi, bà lại cầm lên, đặt xuống từng món đồ: quyển sổ tay có lời đề tặng được Bác Hồ tặng năm 1969, quyển Truyện Kiều, quyển Chinh phụ ngâm được Bác tặng, mấy tấm ảnh gốc bà được chụp với Bác, một tập thơ chép tay những bài thơ viết về Bác mà bà đã cặm cụi chép sau ngày Bác mất.

“Ở nhà đã quyết đem tặng mà khi tặng rồi lại buồn. Chắc thấy tôi khóc lóc thương quá, mấy cô ở bảo tàng hứa sẽ chụp lại cho tôi bản sao của mấy tấm hình, photo lại quyển sổ chép thơ. Các cô ấy bảo làm xong hết rồi, chắc mấy hôm nữa là được nhận. Nhận lại dù là bản sao cũng thấy ấm lòng”, bà Tuyết thổ lộ.

Là nghệ sĩ ngâm thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều lần bà Trần Thị Tuyết được vào Phủ chủ tịch ngâm thơ cho Bác nghe. Mỗi lần được gặp Bác, ấn tượng lớn nhất của bà về Bác là tình thương bao la. Bà kể: “Biết đứa con trai đầu của tôi bị bại liệt, Bác vẫn luôn hỏi thăm, động viên rồi khuyên: “Dù thế nào cháu cũng phải cho bé đi học để sau này còn làm người có ích, tàn nhưng không phế!”. Nghe lời Bác, tôi đã cho cháu học đến hết lớp 10. Mấy năm tôi đi học bổ túc văn hóa ở Hưng Yên, biết tôi học xa nhà, ăn uống thiếu thốn nên mỗi lần vào ngâm thơ cho Bác nghe, Bác bảo tôi ở lại ăn cơm. Một lần, bữa cơm có cá rất ngon. Thấy tôi không dám ăn vì đó là tiêu chuẩn dành riêng cho Bác, Bác nói: “Cháu ăn đi, hôm nay Bác tiếp khách, phải nhịn miệng đãi khách chứ!”. Lúc ấy tôi thấy Bác Hồ giống như một người cha, người ông của mình”.

Đầu năm 1969, bà Tuyết được Bác tặng quyển sổ tay, trang đầu có lời đề tặng viết tay: “Học tập tốt, phấn đấu tốt. Chú ý nên luyện thanh. Góp sức đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Bà bồi hồi: “Năm đó cũng là năm tôi ít được gặp Bác nhất vì sức khỏe Bác đã yếu. Khi bác Vũ Kỳ đưa tôi vào thăm thì Bác đã yếu, nằm trên giường, không còn bảo tôi đọc báo hay ngâm thơ như mọi lần. Tuy rất mệt nhưng Bác vẫn hỏi thăm, dặn tôi phải giữ sức khỏe, chăm chỉ luyện thanh”. Đó cũng là lần cuối cùng bà được gặp Bác.

Báu vật thiêng liêng

Là người trực tiếp tham gia những chuyến sưu tầm kỷ vật về Bác Hồ, chị Nguyễn Thị Hoa Xinh, giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, tâm sự: “Mỗi lần tiếp nhận một kỷ vật, chúng tôi vừa mừng lại vừa thấy như mình có lỗi vì đã lấy đi một báu vật thiêng liêng, thân thương mà chủ nhân của nó vô cùng yêu quý. Có bác tặng xong thì buồn quá, bị bệnh phải nhập viện. Có người tặng rồi, về nhà nhớ quá, lại lên năn nỉ bảo tàng cho xin lại. Nghe các cô, các bác nói tha thiết quá, dù đã nhập vào hồ sơ lưu, có trường hợp chúng tôi vẫn phải trả lại. Để rồi đến khi cô, bác ấy mất, họ vẫn không quên nhắc con cháu mang trở lại giao cho bảo tàng. Có gia đình có nhiều kỷ vật nhưng lại tặng làm nhiều lần, mỗi lần tặng là một lần đắn đo, lưu luyến”.

 MAI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên