15/06/2008 04:12 GMT+7

Ký ức về Võ Văn Kiệt - Kỳ 3: Gặp những người ấn tượng

HUY ĐỨC
HUY ĐỨC

TT - Năm 1951, ông Võ Văn Kiệt ra Việt Bắc. Ông, lúc bấy giờ là phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cùng đoàn đại biểu Nam bộ ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II, sau đó dự lớp "Hoa Nam" tại Trường Nguyễn Ái Quốc III, khóa sáu tháng. Trường đóng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Một số cán bộ vừa tập huấn ở Hoa Nam (Trung Quốc) về tham gia hướng dẫn thảo luận, thấy lý lịch Võ Văn Kiệt là bần nông, có đi ở đợ, rất "cốt cán", thích lắm.

hYbPw5SO.jpgPhóng to
Đồng chí Võ Văn Kiệt khi ở Quảng Châu chuẩn bị lên đường về Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần 2, họp từ ngày 11 đến 19-2-1951

Kỳ 1: Những ngày thơ ấu Kỳ 2: Một cái tên bắt đầu một sự nghiệp

"Địa chủ Nam bộ"

Các thầy chọn ông Kiệt tham gia một tiết mục kịch, ông vào vai địa chủ. Đêm diễn vở kịch đó có Tổng bí thư Trường Chinh dự. Ông Kiệt nhớ lại: Mặc dù được liệt vào loại "gan to", nhưng có ông Trường Chinh ông cũng thấy ớn lắm. Trước khi bắt đầu, ông Kiệt phải xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để lấy can đảm. Hết vở kịch, các khách mời đều khen, động viên.

Ông Trường Chinh bắt tay ông: "Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đấy là địa chủ Nam bộ chứ không phải địa chủ Bắc bộ". Ông Kiệt lúc ấy không hiểu hết ý nghĩa lời nhận xét của ông Trường Chinh. Nhưng trước sau quan điểm về giai cấp của ông cũng bắt đầu từ những người địa chủ, trí thức mà ông biết: trí thức, địa chủ Nam bộ.

Trong số những người kháng chiến ở Nam bộ, ông Kiệt biết có những địa chủ rất giàu có như vợ chồng ông Bùi Thiện Lộc cũng đã ra bưng theo kháng chiến. Cựu bí thư Bạc Liêu, ông Nguyễn Thành Nhơn, cũng là một địa chủ. Năm 1950, khi ông Lê Đức Thọ, ông Lê Toàn Thư từ Xứ ủy Nam bộ xuống tỉnh ủy bàn với ông Kiệt về quyết định để ông Võ Văn Kiệt làm bí thư thay ông Nhơn chỉ vì ông Nhơn là địa chủ, ông Kiệt đã không chịu. Ông biết lúc đó cả về học vấn lẫn khả năng lãnh đạo, ông Nhơn đều có nhiều mặt hơn mình. Trước khi theo kháng chiến, những nông dân như ông Kiệt chỉ có cái "quần đùi".

Khái niệm về Tổ quốc lúc đó của ông cũng hết sức đơn giản. Sau này, dự những cuộc họp của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, nghe những bậc trí thức như Nguyễn Văn Hưởng, Ung Văn Khiêm, Phạm Ngọc Thuần... nói, ông thấy có một khoảng cách rất rõ giữa mình và những bậc trí thức đó. Lúc đó, ông biết nếu mình có gì hơn họ thì cũng chỉ hơn cái "cấp ủy" chứ không thể hơn họ về lòng yêu nước, sự hiểu biết và khả năng thu hút quần chúng được. Trước khi gặp cách mạng, ước mơ lớn nhất của ông là thoát khỏi đồng ruộng lam lũ, tù túng. Có lúc ông chỉ mong được làm anh lơ xe, làm anh thợ cắt tóc.

Kỷ niệm với anh Ba Duẩn

dW7DYvon.jpgPhóng to

Đồng chí Võ Văn Kiệt trong kháng chiến chống Mỹ

Năm 1952, ông Võ Văn Kiệt trở lại miền Nam. Đến Tam Kỳ, Quảng Nam, vào Đoàn Giải phóng, nghe nói ông Lê Duẩn - bí thư Xứ ủy Nam bộ - vừa ra Bắc, đi qua đây, ông rất tiếc. Ông Kiệt gặp ông Lê Duẩn lần đầu tiên vào cuối năm 1949 trong hội nghị xứ ủy mở rộng tổ chức tại Đồng Tháp Mười.

Lần gặp đó, ông Kiệt có một ấn tượng mạnh về ông Duẩn, ấn tượng về một con người đầy sức sống, uyên bác và có sức thu hút mạnh mẽ. Cũng trong hội nghị đó, ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ biết ông Kiệt. Hai nhân vật về sau sẽ trở thành những người có ảnh hưởng lớn trong Đảng từ đó bắt đầu chú ý và đánh giá cao về ông Kiệt.

Năm 1955, sau Hiệp định Genève, ông Võ Văn Kiệt lại có thêm nhiều kỷ niệm với ông Lê Duẩn. Năm đó, trên cửa sông Đốc, Cà Mau, chuyến tàu tập kết cuối cùng đợi sẵn, ông Kiệt chia tay mọi người ra đi. Nhưng chiều ấy ông không xuống bến mà ém chờ ông Lê Duẩn. Lúc chạng vạng tối, ông Lê Duẩn cùng với ông Lê Đức Thọ, trước mặt báo chí và Ủy ban Giám sát, đã lên tàu để rồi lúc gần nửa đêm, một chiếc xuồng con bí mật đón ông quay lại.

Khuya, ông Võ Văn Kiệt đưa ông Duẩn về một căn cứ ở Bạc Liêu, nơi ông Duẩn rất thích: một cái trại nằm giữa đồng, xung quanh là sông nước. Đêm ấy, bà chủ nhà thấy ông Kiệt quay về cùng một ông, bà nghĩ chắc to lắm. Sáng, ông Kiệt ra giúp bà chủ nhà nhổ lông vịt làm cơm, bà hỏi: "Có phải ông Duẩn?". Ông Kiệt giật mình nhưng phản ứng mau lẹ: "Đâu có, ổng đi hồi hôm rồi". Bà dứt khoát: "Ông Duẩn! Cậu không tin, tôi lấy hình cho coi".

Nói rồi bà lên trang thờ lấy hình ông Duẩn xuống. Ông Kiệt thấy khó lòng chối mãi, bèn dặn: "Thì ông này giống ông Duẩn nhưng chị không được nói với bất cứ ai nhé”. Buổi sáng hôm ấy ông Kiệt cứ phân vân, nhưng rồi ông quyết định phải thú thật với "anh Ba". Ông kêu ông Duẩn ra vườn, nói: "Bà già phát hiện ra anh". Ông Duẩn hỏi: "Ai nói?". "Không, bà còn giữ hình anh trên trang". Ông Duẩn lắc đầu: "Lại Trần Bạch Đằng!".

Hồi đó, ông Trần Bạch Đằng làm thông tin, cho chụp hình ông Lê Duẩn rồi cơ quan nào cũng treo. Ông Kiệt giải thích: "Nhưng bà già có ý thức lắm, anh cứ yên tâm". Ông Duẩn suy nghĩ rất căng rồi nói: "Chỉ cần bả mừng, bả nói với con bả là đủ lộ". Rồi ông lệnh: "Chuẩn bị, tối đi".

Đó là những ngày cực kỳ căng thẳng của cách mạng miền Nam. Những nhà lãnh đạo kháng chiến như ông Duẩn, ông Kiệt phải đối phó với sự ruồng bố gắt gao của chính quyền Ngô Đình Diệm, với cái chết trong từng gang tấc. Ông Duẩn cũng có lúc bị bật ra đảo Hòn Khoai. Năm 1956, từ Bến Tre ông lên Sài Gòn, tại đây cơ sở tiếp tục "bể", thêm một số ủy viên thường vụ xứ ủy bị bắt. Ông Duẩn quyết định đưa Xứ ủy Nam bộ sang Phnom Penh. Năm 1957, ông Duẩn ra Bắc, tạm giao quyền lãnh đạo xứ ủy cho ông Nguyễn Văn Linh. Từ miền Tây, ông Kiệt lên thay ông Linh làm bí thư Khu ủy Sài Gòn.

Sài Gòn - Gia Định

Từ Campuchia ông Kiệt về Tây Ninh rồi dần tiếp cận với Sài Gòn. Hầu hết những cơ sở cũ mà ông nhận "bàn giao" đều "vỡ" hết. Nhiều khu ủy viên vừa nối được liên lạc đã bị bắt. Ông Kiệt quyết định xây dựng hoàn toàn cơ sở mới, ra lệnh không được móc nối với cơ sở cũ phòng đối phương để lại cài bẫy.

Cũng trong giai đoạn này, ông đưa ra một đề nghị được xứ ủy chấp nhận: lấy Gia Định làm bàn đạp thâm nhập Sài Gòn - Chợ Lớn, thành lập Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Sài Gòn - Gia Định từ sự liên kết có ý nghĩa kháng chiến đó về sau trở thành một khu vực hành chính chung.

Trong suốt những năm 1959-1970, ông Võ Văn Kiệt lúc thì nằm dưới địa đạo Củ Chi, lúc vào hẳn trong thành phố, vừa xây dựng các phong trào đấu tranh ở nội thành, vừa xây dựng lực lượng vũ trang chiến đấu vùng ven đô. Ông Lê Đức Anh nhớ về giai đoạn này của ông Kiệt: năm 1963, ông Lê Đức Anh được cử vào Nam, về Bộ chỉ huy Miền, sau khi ông báo cáo với Trung ương cục ý kiến chỉ đạo, mà cho tới hôm nay ông Anh vẫn chú ý nhấn mạnh là "ý kiến của anh Lê Duẩn và anh Văn Tiến Dũng", theo đó: phải xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang cả trong đô thị và vùng ven.

Tướng Trần Văn Trà, tư lệnh Miền, nói: "Vấn đề đô thị phải mời anh Sáu Kiệt". Ông Kiệt khi đó đang ở Củ Chi, được mời ngay lên Miền để nghe chủ trương mới. Đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ông Lê Đức Anh và ông Võ Văn Kiệt. Ấn tượng của ông Lê Đức Anh về ông Kiệt là: "Tôi thấy anh nói các kế hoạch mới với một niềm tin vững chắc và tôi cũng rất tin anh".

Theo ông Lê Đức Anh, ông Kiệt từ trước đó đã lãnh đạo khu ủy xây dựng các cơ sở trong nội thành, xây dựng lực lượng biệt động và một phần lực lượng đặc công cho không chỉ Sài Gòn mà cho cả Miền. Trong con đường sự nghiệp của mình, ông Kiệt và ông Anh còn gặp nhau nhiều những năm sau đó.

_____________

Ngày 3-3-1973, quân đội Sài Gòn đánh vào Chương Thiện, dự kiến trong bảy ngày sẽ bịt cửa ngõ U Minh. Khu IX ngay sau đó tổ chức tấn công trên toàn địa bàn quân khu. Nhiều nơi cho rằng "Khu ủy Tây Nam bộ xé Hiệp định Paris". Đại tá Lê Đức Anh và ông Kiệt phải ra quyết định quan trọng.

Kỳ tới: Phải giữ đất, giữ dân

HUY ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên