01/12/2009 05:33 GMT+7

Kỳ thị với "gia đình quốc tế" ở Hàn Quốc

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, Korea Times, Korea Herald)
HIẾU TRUNG (Theo New York Times, Korea Times, Korea Herald)

TT - Số lượng con lai cha Hàn - mẹ nước ngoài đang bùng nổ, nhưng những đứa trẻ mang hai dòng máu này vẫn chưa được xem là một bộ phận chính thức của xã hội Hàn Quốc.

E0q985Cz.jpgPhóng to

Một phụ nữ Việt và con trai tên Ga-In sống tại thành phố Yeonggwang - Ảnh: NYT

Mới vài năm trước, số lượng phụ nữ có thai ở thành phố Yeonggwang, tỉnh Nam Jeolla thấp đến mức nhà hộ sinh thành phố gần như đóng cửa. Nhưng giờ đây lại rất đông đúc. Năm nay, 1/3 tổng số 132 trẻ sơ sinh ở nhà hộ sinh Yeonggwang là con lai so với mức gần như không cách nay 10 năm. Phần lớn trẻ ra đời ở đây lại là con lai giữa bố Hàn và mẹ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác. Các nữ hộ sinh cho biết họ đã phải học để nói từ “rặn” bằng bốn thứ tiếng khác nhau.

Chuyện tương tự cũng diễn ra ở rất nhiều địa phương tại Hàn Quốc, đặc biệt tại vùng nông thôn ở miền tây nam, khi hàng trăm nghìn phụ nữ châu Á di dân đến đây lấy chồng.

Không phải Hàn, mà là Kosian

Theo Bộ An ninh, tính đến tháng 5-2009 tổng số con lai của các gia đình “đa văn hóa” tại Hàn Quốc đã tăng tới 107.689 so với mức 58.007 của tháng 12-2008, chiếm 1% của 12 triệu trẻ em dưới 19 tuổi ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dân số, nếu các cuộc hôn nhân giữa nam giới Hàn Quốc và phụ nữ nước ngoài tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, số con lai tại Hàn Quốc sẽ tăng lên mức cứ chín trẻ em thì có một con lai vào năm 2020.

Xu hướng này càng rõ nét ở khu vực nông thôn, nơi diễn ra phần lớn các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc ước tính đến năm 2020 sẽ có tới 49% tổng số trẻ em của các gia đình nông dân là con lai.

Lâu nay, giới truyền thông và người dân Hàn Quốc thường không coi những đứa trẻ lai là người Hàn Quốc mà chỉ là Kosian (kết hợp của hai từ Korea + Asian, Hàn Quốc + châu Á), một từ lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1997 và đến năm 2004 trở thành phổ biến.

Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Hi vọng cho giới trẻ tại 23 trường học ở Seoul và Gyeonggi do cho thấy gần 38% trong tổng số gần 2.000 học sinh được hỏi nói chúng e ngại làm bạn với trẻ em bố Hàn, mẹ nước ngoài, gần 10% nói không hề muốn làm bạn. Lý do rất đa dạng: các bạn đó không nói được tiếng Hàn, có suy nghĩ và cách sống khác, màu da và ngoại hình khác biệt, thậm chí “cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với các bạn đó”.

Không ít người đã chỉ trích từ Kosian mang tính phân biệt chủng tộc. “Kosian là khái niệm đề cao sự thuần khiết sắc tộc đầy thiển cận nhằm phân biệt giữa người Hàn thuần chủng và trẻ em có bố Hàn, mẹ nước ngoài” - chuyên gia Lee Cheol Su của Văn phòng tư vấn luật pháp cho người nhập cư ở Seoul nhận định.

Thách thức cho “gia đình quốc tế”

Năm 2008, số vụ ly hôn đã tăng lên 11.250 vụ, cao hơn 30% so với năm 2007.

Ông Han Kuk Yom, giám đốc Trung tâm nhân quyền phụ nữ nhập cư, thừa nhận nguồn gốc của sự xung đột trong các gia đình quốc tế là bên nhà chồng thường ép buộc người vợ phải chấp nhận văn hóa Hàn Quốc, thay vì tôn trọng văn hóa của xã hội người vợ sinh ra và lớn lên. Ông bức xúc: “Các ông chồng Hàn thường nghĩ rằng do họ trả mọi thứ tiền, họ phải kiểm soát hoàn toàn người vợ. Họ không xem vợ là người bạn đời bình đẳng”.

Những căng thẳng trong gia đình cùng nạn phân biệt đối xử đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của những đứa con lai. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tỉ lệ trẻ em mang hai dòng máu bỏ học ở cấp tiểu học lên đến 15,4%, cao gấp 22 lần so với tỉ lệ trung bình toàn quốc.

Các chuyên gia xã hội nhận định “trẻ em thuộc các gia đình quốc tế là nạn nhân của sự phân biệt đối xử ở trường hằng ngày” như báo cáo của Cơ quan Nhập cư Hàn Quốc cho biết. Các bạn bè cùng lớp, thậm chí cả thầy cô thường phớt lờ hoặc đối xử một cách thiếu bình đẳng với nhiều trẻ bố Hàn, mẹ nước ngoài khiến chúng bỏ học.

Các chuyên gia xã hội cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần hành động gấp để ngăn chặn tình trạng xã hội tẩy chay những đứa trẻ của các gia đình quốc tế. “Tôi e rằng chúng ta đang phản ứng chậm trễ” - nhà nghiên cứu bình đẳng giới Suh Hae Jung thuộc Viện Nghiên cứu gia đình và phụ nữ Gyeonggido ở Suwon cảnh báo.

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, Korea Times, Korea Herald)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên