09/09/2014 13:25 GMT+7

Kỳ thi quốc gia: 91,66% ủng hộ phương án 1

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Chiều tối 9-9, buổi họp báo "kỷ lục" về thời gian do Bộ GD-ĐT tổ chức mới xong với rất nhiều thông tin muốn rõ hơn về kì thi quốc gia vào năm 2015.

Thứ trưởng Bộ GD-DT Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: VIỆT DŨNG
Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (phải) - Ảnh: VIỆT DŨNG
PGS TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh Như Hùng

Kì thi quốc gia năm 2015 dự kiến tổ chức vào ngày 9,10,11,12 tháng 6.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.

Nhiều điểm mới liên quan tới quyền lợi của thí sinh được lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải đáp.

1. Chỉ còn một kì thi quốc gia duy nhất

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT thì năm 2015, học sinh học hết chương trình THPT sẽ không có 2 kì thi riêng rẽ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ mà chỉ phải tham gia 1 kì thi quốc gia duy nhất.

Kết quả thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và là một căn cứ quan trọng để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.

2.  Có bốn môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp, không còn khối thi ĐH

Bộ GD-ĐT quyết định là mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo;

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của Kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường. Như vậy sẽ không còn khối thi truyền thống như trước đây.

Thí sinh cũng có nhiều hơn cơ hội để tuyển sinh vào các ngành, trường khác nhau tùy thuộc vào số lượng môn thi thí sinh lựa chọn.

Với những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi.

Thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT rồi, nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn mình lựa chọn để xét tuyển vào các ngành, trường tương ứng, không nhất thiết phải thi các môn bắt buộc nếu các môn đó không phục vụ cho xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn.

3. Đăng kí tuyển sinh vào các ngành, trường sau khi thi

Điểm khác biệt ở kì thi năm tới là thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi diễn ra kì thi.

Sau khi tham gia kì thi quốc gia và có kết quả thi, thí sinh căn cứ vào yêu cầu của các trường, các ngành đào tạo ( công bố trên website của các trường) và kết quả thi của mình để đăng kí dự tuyển vào địa chỉ phù hợp.

Việc này sẽ tránh cho thí sinh phải chịu rủi ro cao, không bỏ sót những thí sinh có kết quả điểm thi tốt nhưng đăng kí vào ngành quá sức của mình.

4. Có hai loại cụm thi

Để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các Cụm thi tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.

Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của Kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các Cụm thi tại địa phương do các Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ.

Các  thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các Cụm thi ở các trường ĐH do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GDĐT.

Các cụm thi dành cho thí sinh  có nguyện vọng tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ được tổ chức như các cụm thi của kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ “Ba chung” trước đây.

Những thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương tuy không được sử dụng kết quả của kì thi quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ nhưng vẫn có thể được phép tham dự các kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ của các trường có phương án tuyển sinh riêng.

5. Các trường ĐH-CĐ được phép tự chủ  tuyển sinh

Kết quả của kì thi quốc gia có thể được sử dụng như căn cứ duy nhất hoặc một trong những căn cứ quan trọng để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.

Như vậy, tùy theo yêu cầu đào tạo, đặc thù riêng của các trường, ngành đào tạo, có thể tổ chức các kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia ( hình thức phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông....).

Ngoài ra, các trường có phương án tuyển sinh riêng ( trình và được Bộ GD-ĐT đồng ý) có thể tổ chức kì thi riêng, lấy kết quả xét tuyển.

6. Đề thi tăng cường độ phân hóa, nhiều câu hỏi mở

Đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia, trong những năm đầu có cấu trúc tương tự như đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014: bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, có 2 phần (phần kiểm tra kiến thức cơ bản dùng để xét tốt nghiệp THPT và phần nâng cao để sàng lọc thí sinh trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng chiếm) và từng bước tăng cường đánh giá năng lực xử lý các vấn đề thực tế của học sinh.

Các môn: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý được ra theo hình thức tự luận; các môn còn lại ra theo hình thức trắc nghiệm.

Đề thi sẽ tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức tổng hợp trong từng môn học, kiến thức liên môn và hiểu biết xã hội, kỹ năng sống để trả lời. Với định hướng này, các môn thi sẽ chuyển dần thành các bài thi tổng hợp, tích hợp một cách có lộ trình, phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường.

Bộ GDĐT sẽ thành lập cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện, phát triển ngân hàng câu hỏi thi để xây dựng đề thi cho Kỳ thi THPT quốc gia.

Lộ trình tiếp theo

Cùng với việc đổi mới chương trình-SGK phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở bậc phổ thông, kì thi quốc gia cũng sẽ có những điều chỉnh tiếp ở các năm sau. Theo đó dự kiến từ năm 2017, sẽ chuyển từ các môn thi sang các bài thi. Các bài thi sau này sẽ gồm các phần được thiết kế theo hướng tổng hợp, lồng ghép dần (ví dụ: trong bài thi Toán sẽ có phần nội dung về Tin học, trong bài thi Ngữ văn có có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, trong bài thi Vật lý có kiến thức về Hóa học, Sinh học....) để đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.

Đa số ý kiến đồng ý phương án 1

16g50 Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án tổ chức kì thi quốc gia.

Theo số liệu do Bộ GD-ĐT vừa công bố,  trong số 24 ý kiến của các giám đốc sở GD-ĐT thì có 91,66% ủng hộ phương án 1, 4,16% ủng hộ phương án 2, 4,16% ủng hộ phương án 3.

Tại hội nghị tổng kết năm học bậc GD phổ thông, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp, có 142 ý kiến về phương án tổ chức kì thi quốc gia, có 80,98% ủng hộ phương án 1, 17,6% ủng hộ phương án 2 và 1,4% ủng hộ phương án 3. Có 120 ý kiến của đại diện các trường ĐH-CĐ, trong đó có 65,83% ủng hộ phương án 1, 24,16% ủng hộ phương án 2, 9,16% ủng hộ phương án 3.

Có 2.788 trường THPT, trung tâm GD thường xuyên thuộc 63 sở GD-ĐT và Cục nhà trường được hỏi ý kiến về một kì thi quốc gia, trong đó có 137.379 ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên ( 85,23% ủng hộ phương án 1; 7,965 ủng hộ phương  án 2; 2,68% ủng hộ phương án 3); có 929.584 ý kiến của học sinh ( 87,235 ủng hộ phương án 1; 6,91% ủng hộ phương ans2; 2,12% ủng hộ phương án 3).

Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ GD-ĐT khẳng định việc đổi mới kỳ thi quốc gia 2015 không làm xáo trộn việc dạy- học trong các nhà trường, song cách thức tổ chức đã có những đổi mới kịp thời.

Trong đó, lực lượng coi thi sẽ huy động cả giáo viên các trường ĐH và các trường THPT. Riêng quy trình xét tuyển sinh sẽ thay đổi khi thí sinh thi trước và chọn trường ĐH sau.

Với kì thi quốc gia, đề thi có đổi mới như thế nào? Thí sinh cần phải chuẩn bị gì để đáp ứng?

PGS TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD- Bộ GD-ĐT: Đề thi khá giống với đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Dĩ nhiên sẽ tiếp tục làm đậm hơn những điểm đổi mới như  tăng cường câu hỏi mở, vận dụng kiến thức liên môn để trả lời. Quy định về các môn tự luận, trắc nghiệm, thời gian tổ chức môn thi vẫn giữ nguyên như năm 2014 để thí sinh không gặp khó khăn, bỡ ngỡ.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi tốt nghiệp THPT. Vậy những chứng chỉ nào thì được xét miễn thi?  Bộ có quy định gì để ngăn chặn chuyện mua bằng, chứng chỉ tiếng Anh khi ngoài thị trường chỉ cần 200-300 ngàn đồng cũng mua được chứng chỉ tiếng Anh?

PGS TS Trần Văn Nghĩa: Bộ sẽ ra quy định cụ thể là chứng chỉ nào được phép miễn thi. Chứng chỉ quốc tế chắc chắn được xét miễn thi, còn những chứng chỉ mua được dễ dàng 200-300 ... Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các trung tâm kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ. Dần dần các trung tâm này sẽ cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, giảm kiểm tra tập trung đối với môn Ngoại ngữ như hiện nay.

Các trường có khống chế số các trường có kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kì thi quốc gia không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mục đích của kì thi quốc gia là cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH-CĐ để tuyển sinh. Vì thế Bộ GD-ĐT mong có nhiều trường sử dụng kết quả này để giảm tốn kém, áp lực cho xã hội và người dân.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không khống chế việc các trường tự chủ tuyển sinh riêng hoặc có thêm kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia. Các trường hoàn toàn có thể sử dụng toàn phần, hoặc một phần kết quả của kì thi quốc gia, tùy thuộc vào yêu cầu, đặc thù đào tạo của trường mình.

Trước băn khoăn về việc tổ chức cụm thi thế nào để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, ông Mai Văn Trinh- cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ GD-ĐT cho hay bộ sẽ chọn những trường ĐH đảm nhiệm vai trò cụm trưởng cụm thi dựa vào chính năng lực thực tế của trường (về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức thi).

“Còn về lo lắng với lưu lượng thí sinh quá lớn, Bộ có lường trước những khó khăn về giao thông hay không thì xin khẳng định câu trả lời nằm ở chính việc tổ chức kỳ thi ba chung hơn 10 năm qua.

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã thống kê tình hình tham dự các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh trên toàn quốc trong năm năm qua để lường trước quy mô thí sinh. Dựa trên những yếu tố này, bộ sẽ xem xét mở rộng lượng cụm thi phù hợp, vừa sức với nhà trường, với thí sinh”- ông Trinh khẳng định.

Nhiều thí sinh thi trượt ĐH từ các năm trước không giấu được hoang mang, lo lắng về việc sẽ tham dự kỳ thi quốc gia duy nhất năm 2015 thế nào khi các em đã đỗ tốt nghiệp THPT, chỉ có nguyện vọng vào ĐH.

Đáp lại lo lắng này, ông Mai Văn Trinh khẳng định với những trường hợp này, thí sinh chỉ cần chọn các môn để thi tuyển sinh mà không phải thi tối thiểu bốn môn như học sinh cần xét tốt nghiệp THPT.

Theo đó, các trường ĐH, CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh cụ thể của trường mình, trong đó nêu rõ mức độ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để thí sinh chuẩn bị và chọn lựa, đăng ký vào các trường phù hợp.

Với việc tổ chức kì thi quốc gia năm nay, liệu có thể đảm bảo độ tin cậy không khi trước đây từng có năm Bộ GD-ĐT tung hàng ngàn thanh tra về các địa phương nhưng không ngăn chặn được tiêu cực và tỷ lệ tốt nghiệp năm tới sẽ tiếp tục tăng?  Liệu năm tới Bộ GD-ĐTcó công bố phổ điểm thi để xã hội kiểm soát không?

Thứ trưởng Bộ GD-DT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không đặt ra vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu, nhưng chúng tôi tin không có biến động nhiều vì Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp để đảm bảo độ tin cậy của kì thi với mô hình tổ chức thi theo cụm, tương tự như kì thi “ba chung” đã làm thành công.

Kì thi quốc gia năm nay sẽ công khai điểm trên mạng, yêu cầu xét tuyển của mỗi trường cũng được công khai trên mạng. Như vậy thí sinh có thể căn cứ vào dữ liệu công khai để đăng kí xét tuyển, xã hội cũng sẽ giám sát được kì thi.

Liệu với việc đổi mới thi năm tới, có mâu thuẫn với việc dạy học khi học sinh phổ thông vẫn học chương trình cũ. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo việc dạy và học sẽ thế nào để học sinh có thể đáp ứng yêu cầu của kì thi?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kì thi tới sẽ phát huy thành công của các kì thi trước, đặc biệt là kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 để thiết kế kì thi quốc gia cho năm tới nên không có mâu thuẫn giữa việc đổi mới thi và việc thực hiện chương trình GD hiện hành.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo từng năm theo hướng phát triển năng lực.

Cùng với đó, tỷ lệ các câu hỏi khó, yêu cầu cao sẽ tăng lên so với mỗi năm. Học sinh sẽ phải làm quen với các câu hỏi yêu cầu phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức liên môn và liên hệ với thực tế.

Việc đổi mới nội dung đề thi sẽ được tiến hành từng bước để không gây sốc cho thí sinh.

* Khi hợp nhất hai kỳ thi quốc gia, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ  liệu có được sửa đổi không? Nếu sửa đổi, thì những quy định quan trọng nào sẽ cần thiết điều chỉnh cho phù hợp?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đúng là khi thực hiện kỳ thi quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT sẽ phải sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho phù hợp. Trong đó, sẽ quy định việc tổ chức cụm thi thế nào.

Điều khác biệt của kỳ thi này là thí sinh không còn phải đăng ký trường trước rồi mới thi như lâu nay vẫn làm, mà thí sinh thi xong, sẽ căn cứ vào kết quả cụ thể của mình để đăng ký trường ĐH, CĐ cho phù hợp.

Về phía trường ĐH-CĐ, các trường sẽ phải công bố mức điểm xét tuyển cụ thể cùng các điều kiện đi kèm để thí sinh đăng ký khi đã đảm bảo đầy đủ các yêu cầu do trường ĐH-CĐ đặt ra.

Với những thay đổi này, Bộ sẽ thay đổi phần mềm tuyển sinh.

Điểm mới dành cho thí sinh là các em không phải nhận giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm do các trường cung cấp như trước đây, mà các em có thể in kết quả thi trực tiếp từ mạng Internet.

Riêng về cụm thi, Bộ chủ trương tổ chức quy mô cụm thi ở chừng 30.000-40.000 thí sinh/cụm thi.

Bộ GD-ĐT quy định thí sinh chỉ cần xét tốt nghiệp sẽ thi theo cụm do địa phương tổ chức, còn muốn thi ĐH phải thi tại cụm do trường ĐH tổ chức. Tuy nhiên, liệu có trường hợp địa phương lo tỉ lệ tốt nghiệp thấp khi thí sinh dự thi tại cụm thi của trường ĐH mà ép thí sinh thi tại cụm thi của đại phương không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Chắc chắc không thể có chuyện ép thí sinh như vậy được. Thí sinh có nguyện vọng nào sẽ dự thi theo cách thức đó.

Việc xét tốt nghiệp THPT năm 2015 có gì khác so với năm 2014?

Ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD- Bộ GD-ĐT:  Bộ sẽ duy trì quy định xét tuyển THPT như năm 2014. Theo đó, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ căn cứ vào điểm thi các môn thi tối thiểu (4 môn thi) và điểm đánh giá quá trình học tập của học sinh ở lớp 12.

Đề thi của kì thi quốc gia năm 2015 sẽ có bao nhiêu phần trăm kiến thức, kỹ năng lớp 12, và các lớp khác ở bậc THPT?  Tỷ lệ câu hỏi sẽ phân chia như thế nào cho hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ?

Bộ GD-ĐT sẽ kế thừa những thành công của các kì thi trước. Vì thế, đề thi cũng theo tinh thần này.

Đề thi sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề có phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cho thí sinh trung bình đủ điều kiện tốt nghiệp và có một tỷ lệ câu hỏi phân hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển sinh ĐH-CĐ.

Với  việc lấy kết quả của kì thi quốc gia để tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ, thí sinh sẽ có tối đa bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển. Một thí sinh đã trúng tuyển vào một trường ĐH thì có được phép xét tuyển vào trường khác hay ngành khác không? Nếu được thì Bộ GD-ĐT cần quy định như thế nào để giúp các trường khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”?

Ông Trần Văn Nghĩa: Hiện nay  đã có bài học thực tế từ việc tuyển sinh nguyện vọng bổ sung của kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức “ba chung” rồi. Nên cách thức xét tuyển ĐH-CĐ với kì thi quốc gia năm sau sẽ thực hiện tương tự như vậy, với nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho học sinh và không gây khó khăn cho trường. Việc này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi của năm 2015.

Khi áp dụng một kỳ thi quốc gia vào năm 2015, các trường ĐH khi tuyển sinh, trong đó có tuyển sinh riêng, sẽ áp dụng chính sách ưu tiên thế nào để bảo đảm quyền lợi của thí sinh?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Các chính sách ưu tiên cụ thể áp dụng cho thí sinh sẽ được đưa vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngay các trường ĐH tuyển sinh riêng năm 2014 cũng vẫn áp dụng chính sách ưu tiên chung mà Bộ GD-ĐT quy định. Năm 2015, bất kể áp dụng phương thức tuyển sinh riêng nào, trường cũng sẽ phải thực hiện chính sách ưu tiên chung.

 

 

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên