08/04/2018 16:20 GMT+7

Kỹ nghệ trốn thuế kiểu Google còn phức tạp hơn cả Uber

TRẦN PHI TUẤN
TRẦN PHI TUẤN

TTO - Khác với Uber lập hai công ty ở Hà Lan, Google sử dụng một mô hình phức tạp hơn để lách qua các khe hở luật pháp và "giấu" được số tiền hàng chục tỉ USD.

Kỹ nghệ trốn thuế kiểu Google còn phức tạp hơn cả Uber - Ảnh 1.

Ở bài "Tiền Uber chảy về đâu", bạn đọc đã làm quen với chiến thuật "Hai công ty Hà Lan" (Double Dutch) của hãng ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới. Trong khi đó, những đại gia công nghệ lớn hơn như Google chẳng hạn lại ưa chuộng chiến thuật kinh điển hơn: Hai công ty Ireland và Bánh kẹp Hà Lan.

Vì sao Ireland là điểm đến ưa thích của các đại công ty Mỹ, như Google chẳng hạn?

Thoạt tiên, mức thuế 12,5 của Ireland là quá hấp dẫn khi so với 35% thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ.

Tuy nhiên, tương tự như cách Uber làm với hai công ty ở Hà Lan, thuế suất Google phải đóng giảm đi rất nhiều, nếu không muốn nói là "thoát" luôn khoản thuế tưởng là thấp này.

Đấy là đại gia công nghệ này đã sử dụng một mô hình cực kỳ phức tạp và lắt léo gọi là Hai công ty Ireland với một Bánh kẹp Hà Lan (Double Irish with a Dutch Sandwich).

Nói nôm na là Google thành lập hai công ty ở Ireland để kẻ tung người hứng thuế với nhau thông qua một công ty trung gian bình phong ở Hà Lan bị kẹp ở giữa.

Google LLC ở Mỹ, nơi thuế suất phải đóng là 35% trước đây, giờ còn 20% trong một nỗ lực của tổng thống Donald Trump muốn hút dòng tiền bên ngoài vào Mỹ, lập hai công ty Ireland, một có tên là Google Ireland Limited, một là Google Ireland Holdings.

Điểm khác biệt là trong khi công ty thứ nhất có hàng ngàn nhân viên thì công ty thứ hai không hề có một nhân viên nào cả, và nằm trong một công ty luật.

Một công ty ở Hà Lan nữa được lập, gọi là Google Nertherland Holdings BV, là công ty bình phong của Google.

Giả sử, một doanh nghiệp tại Việt Nam trả tiền để mua quảng cáo các dịch vụ của Google, chẳng hạn Google Adsense - quảng cáo hiển thị với giá 10 triệu đồng.

Với dịch vụ này, tỉ lệ ăn chia sẽ là chủ trang web thu được 68% còn Google sẽ hưởng 32%.

Như vậy, 32% của số tiền trên mà nhà quảng cáo tại Việt Nam trả sẽ chảy đến Google Ireland Limited, công ty điều hành và nhận tiền từ các dịch vụ của Google khắp nơi trên thế giới.

Tiền từ Google Ireland Limited này sẽ không vội chuyển đến Google Ireland Holdings, vì nếu làm vậy khoản lợi nhuận đó sẽ phải đóng thuế, cụ thể là 12,5%.

Thay vào đó, dòng tiền sẽ chảy về Hà Lan, công ty bình phong mà Google lập ra. Từ đây, 99,8% số tiền trên sẽ chảy về Google Ireland Holdings dưới tên gọi phí bản quyền.

Mấu chốt của vấn để ở đây là Hà Lan miễn thuế cho khoản thu nhập gọi là phí bản quyền đó trong các nước châu Âu.

Đến đây, dòng tiền sẽ chảy ngược về Google Ireland Holdings, công ty đăng ký hoạt động ở Ireland nhưng có trụ sở ở Bermuda, và như đã nói chỉ là công ty bình phong chứ không hề có nhân viên.

Thu nhập của công ty Google có trụ sở tại Bermuda này là hoàn toàn được miễn thuế.

Đến đây, cũng cần phải nói rõ rằng theo dấu dòng tiền từ Việt Nam chảy qua Ireland, tạt ngang Hà Lan, về lại Ireland rồi chuyển đến Bermuda nói trên chỉ là một cách nói hình tượng.

Trên thực tế, mọi việc chỉ diễn ra trên giấy tờ nhằm tận dụng các kẽ hở của luật pháp tại một số quốc gia để chuyển phần lợi nhuận về nơi có mức đóng thuế thấp nhất.

Tiền Google thu được từ quảng cáo vẫn có thể cứ nằm tại Mỹ, phần chiết khấu quảng cáo thu từ Việt Nam có thể vẫn nằm lại tài khoản ở Việt Nam, hay Singapore, hay đâu đó tùy thích.

Vấn đề là, bằng các bút toán đó, sổ sách giấy tờ phần lợi nhuận họ thu được rất nhiều đó đã không bị vơi bớt đi vì không phải đóng thuế.

Bằng kỹ nghệ lách thuế, một thủ thuật kinh điển trong giới tài chính nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, theo Bloomberg, Google được cho là giấu đến 19,2 tỉ USD tiền ở đảo Caribean này trong năm 2016.

Tất cả, một lần nữa, tiền như một dòng nước chảy qua các kẽ hở của pháp luật, vượt qua đại dương về các đảo giấu tiền một cách an toàn. Điều đáng nói là tất cả đều hợp pháp.

Kỹ nghệ né thuế, trốn thuế đó bị nhiều nước trên thế giới lên án, dưới tên gọi khác là "chuyển giá" - transfer pricing.

Tuy nhiên, vì điều đó không phạm pháp cho nên các CEO khắp nơi trên thế giới điềm nhiên tuyên bố: "Chúng tôi không làm sai. Chúng tôi không trốn thuế" trước các cáo buộc trốn thuế của thế giới.

Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Tiền của Uber chảy về đâu? Tiền của Uber chảy về đâu?

TTO - Khi trả 100.000 đồng cho tài xế Uber có bao giờ bạn tự hỏi tiền sẽ chảy vào túi ai, Uber được hưởng mấy phần? Vì sao Uber bị tố trốn thuế, và mãi không chịu có lời?

TRẦN PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên