19/01/2015 10:19 GMT+7

​“Kỷ luật làm nên sức mạnh”

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Đó chính là điểm mạnh nhất của tổ may số 11, Xí nghiệp may An Phú thuộc Công ty cổ phần sản xuất - thương mại may Sài Gòn.

Đảng viên Nguyễn Văn Dương - người “đầu tàu” của tổ may số 11 - hướng dẫn công nhân trong tổ - Ảnh: V.Thủy

Nơi đây, đảng viên Nguyễn Văn Dương (43 tuổi) đang làm đầu tàu, đã làm nên thương hiệu một tổ may luôn đứng tốp đầu của công ty về doanh thu.

Tổ may 32.000 USD

Đảng viên công nhân tiêu biểu

Vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng 10 năm nay, anh Dương đã nhiều năm được Công ty cổ phần sản xuất - thương mại may Sài Gòn trao bằng khen lao động tiên tiến và được Đảng bộ công ty bầu chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 1-2015, anh Dương đã được Liên đoàn Lao động TP.HCM xét chọn là một trong những gương mặt đảng viên công nhân tiêu biểu, tôn vinh trong chương trình “Gương sáng đảng viên” vào ngày 28-1 tới.

Không khí làm việc trong xưởng may lúc nào cũng nhộn nhịp. Chuyền may số 11 do anh Dương làm tổ trưởng đang miệt mài may ráp lô áo jacket xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Người mổ túi, người ráp tay con, tra tay, tra dây kéo...

Những phần cổ áo, thân áo, tay áo rời rạc khiến những người khác nhìn vào chẳng phân biệt nổi đây là bộ phận nào của cái áo, dưới bàn tay thoăn thoắt của 55 công nhân dần thành hình rồi được chuyển tới bàn của nhân viên QC (kiểm phẩm).

Anh Dương rảo dọc chuyền may, liên tục kiểm tra tiến độ và chất lượng từng đường kim, mũi chỉ của sản phẩm.

“Những ngày đầu tiên làm hàng mới thường là khó khăn hơn rất nhiều vì thay đổi mẫu mã, cách ráp nên công nhân phải mày mò làm quen, tổ trưởng Dương phải hướng dẫn từ đầu rất vất vả” - anh Nguyễn Vàng, chủ tịch công đoàn Xí nghiệp may An Phú, cho biết.

Những lúc này thì “thuyền trưởng” như anh Dương phải nhạy bén để phân công, sắp xếp mỗi người trong tổ vào vị trí hợp lý và phải có chuyên môn tay nghề tốt để “nhìn qua là biết phải may ráp như thế nào”.

Để làm tốt, tổ trường phải rõ sở trường, sở đoản của hơn 50 con người trong tổ. Những năm qua, tình hình đơn hàng có nhiều khó khăn, không có nhiều mã “hàng dài” (mẫu sản phẩm được đặt hàng số lượng lớn), mã hàng liên tục thay đổi nên các chuyền may cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì năng suất.

“Dương điều chuyền ra hàng có năng suất và luôn đạt định mức của công ty. Năm nay năng suất trung bình là 20.000 USD/xưởng/tháng, tổ của Dương là một trong bốn tổ của công ty có doanh thu cao nhất, có nhiều tháng đạt 32.000 USD” - chị Lê Huỳnh Hoa Hường, quản đốc xưởng, nhận xét. Điều đáng nói đây cũng là một trong những tổ may lãnh những đơn hàng khó nhất như jacket, ép seam (may viền tay áo, gấu quần...), may ráp rất nhiều chi tiết.

Chỉ vào chuyền may với 55 công nhân đang thoăn thoắt làm việc, anh Dương bảo: “Đơn hàng jacket đang trên chuyền có tới trên 300 chi tiết lắp ráp với rất nhiều công đoạn nhưng tổ may vẫn ra hàng đảm bảo năng suất và chất lượng. Thường thì một tháng mới quen tay, nhưng ngay tuần đầu tổ anh đã đạt định mức theo tuần mà công ty giao rồi đấy”.

Làm ra làm...

“Tôi đặt yếu tố ý thức kỷ luật lên hàng đầu. Công nhân phải tuân thủ đúng quy định của công ty, không đi trễ về sớm. Không có chuyện cả nể”, anh Dương chia sẻ về nguyên tắc điều hành của mình. Trách nhiệm của anh là hướng dẫn, giám sát và điều chuyển hàng hóa, sắp xếp các công đoạn trong tổ may để hàng chạy, không ùn ứ. Vậy nên khi hỏi tổ trưởng có khó tính không thì ai cũng gật đầu.

Anh cũng thẳng thắn: “Tại sao lao động VN có năng suất lao động gần như thấp nhất trong khu vực? Không thể đổ hết cho công nghệ, máy móc mà một phần rất quan trọng là ý thức kỷ luật kém. Tôi nghĩ kỷ luật và đoàn kết là hai yếu tố quan trọng nhất. Muốn cả chuyền tốt thì mỗi người phải tốt, nếu khâu do người này phụ trách không tốt sẽ ảnh hưởng đến công đoạn sau. Tôi cũng không phải người khô khan nhưng làm ra làm, chơi ra chơi”.

Điều đặc biệt là vị trưởng chuyền khó tính nhưng chuyền may 55 người rất ổn định, ít có chuyện vào vào, ra ra, đa số là những người làm ở đây lâu năm.

Chị Nguyễn Thị Lợi (36 tuổi), “bàn tay vàng” của thành phố tám năm liền và cũng đã ở trong chuyền của anh Dương tám năm, nhận xét: “Anh Dương là người điều hành rất chi tiết và khó tính nhưng không lớn tiếng la lối. Ai sai, ai đúng, ai làm tích cực, ai làm không hiệu quả đều rất rõ ràng”.

Những đơn hàng khó làm, công nhân phản ảnh chỗ này chỗ kia không hợp lý, đơn giá chưa tương xứng, anh đều đề xuất để công ty có sự điều chỉnh, bảo đảm quyền lợi của công nhân. Có trường hợp công nhân nghỉ phép, công nhân ở khâu khác được điều động thay thế, làm không quen tay, năng suất không nhiều, làm không đủ chỉ tiêu, anh đề xuất để ban giám đốc hỗ trợ lương.

Cách làm vừa cứng rắn vừa tình cảm như vậy nên chuyền may số 11 ít xào xáo mà luôn duy trì phong độ, nhờ đó công nhân trong tổ luôn vượt định mức công ty giao.

Theo quy định của công ty, nếu trong một tuần doanh thu đạt định mức thì người lao động sẽ được thưởng thêm một khoản 500.000 đồng.

Trong chuyền, lương của công nhân lúc nào cũng ở mức 5,5 triệu đồng/người/tháng trở lên, nhiều công nhân tay nghề giỏi lương tháng nào cũng trên 7 triệu đồng, có điều kiện để lo cuộc sống tươm tất hơn.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên