14/03/2018 10:11 GMT+7

Kỳ lạ vụ án đập bể kính xe

HÀ MI
HÀ MI

TTO - Sau gần 2 năm loay hoay với kết quả giám định tài sản, Viện KSND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) lại lấy kết quả giám định từng là cơ sở cho việc đình chỉ vụ án để ra cáo trạng truy tố bị can.

Kỳ lạ vụ án đập bể kính xe - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Mến - phó viện trưởng Viện KSND huyện Vĩnh Cửu - vừa ký quyết định truy tố bị can Lê Thanh Sử (ngụ ở TP Biên Hòa). 

Bà Mến cũng là người ký quyết định đình chỉ, trả tự do cho bị can này vào hồi tháng 11-2016. Ông Sử bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi đập bể kính xe của ông Mai Anh Tuấn, làm thiệt hại 2,8 triệu đồng.

Mất gần 2 năm để xác định thiệt hại kính xe

Theo cáo trạng, ngày 6-4-2016, ông Lê Thanh Sử đến nhà ông Mai Anh Tuấn (ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) yêu cầu ông Vũ (con ông Tuấn) trả tiền nợ. Thấy ông Vũ trong nhà, ông Sử kêu ra trả tiền nhưng ông Vũ không ra. 

Ông Sử lấy gạch ném vào ôtô của ông Mai Anh Tuấn đang đậu trước nhà ông Vũ làm bể kính chắn gió phía sau ôtô. 

Viện kiểm sát còn đề nghị tòa tuyên buộc bồi thường bị hại hơn 3,2 triệu đồng. Đây cũng là số tiền mà ông Sử bồi thường cho bị hại, sau khi đi nộp phạt hành chính.

Trong vụ án này, trong 2 năm, cơ quan điều tra tiến hành thêm hai lần điều tra bổ sung nhưng không có tình tiết mới, phải lấy kết quả giám định cũ để buộc tội bị can. Đó là kết quả giám định kính xe trị giá 2,8 triệu không tính khấu hao. 

Chính Viện KSND huyện Vĩnh Cửu cho rằng giám định này gây bất lợi cho bị can do không khấu hao tài sản, nên đình chỉ điều tra.

Khiếu nại đến báo Tuổi Trẻ, ông Sử nói: "Sau khi đình chỉ, tôi bị xử phạt hành chính. Họ phục hồi điều tra tôi cũng chấp nhận chờ đợi. Nhưng gần 2 năm ròng rã bị mời lên xuống hàng chục lần nhưng các cơ quan chức năng vẫn lấy kết quả mà họ từng dùng khi đình chỉ vụ án để buộc tội tôi. 

Tôi ấm ức là cấp tỉnh nói không truy tố được, còn cấp huyện từng đình chỉ vụ án thì nay lại nói làm đúng theo các quy định pháp luật".

Mỗi nơi hiểu mỗi kiểu

Tấm kính bị đập bể gắn theo xe đã qua sử dụng 10 năm có khấu hao hay không? 

Đây chính là mấu chốt gây tranh cãi trong vụ án. Bởi sau khi xác định ông Sử đập bể tấm kính gây thiệt hại 2,8 triệu đồng (định giá không khấu hao tài sản qua sử dụng) khiến cơ quan tố tụng cấp huyện lúng túng nên phải nhờ cấp trên hướng dẫn.

Qua trao đổi quan điểm xử lý vụ án, tháng 7-2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai dẫn thông tư 55 (năm 2006) của Bộ Tài chính và nghị định 26/2005 của Chính phủ để giải thích việc không tính giá trị khấu hao tài sản tấm kính chắn gió "là không đúng quy định". 

Nếu dựa vào việc hội đồng định giá tài sản không xác định được chất lượng còn lại của kính xe tại thời điểm xảy ra thiệt hại để định giá tài sản bằng giá trị thay thế mới là không phù hợp và "không thể dùng làm cơ sở pháp lý để xử lý hình sự ông Sử về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản".

Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng viện dẫn thông tư 55 và nghị định 26, đồng thời cho rằng một số điều hướng dẫn trong định giá tài sản không áp dụng cụ thể đối với trường hợp "cố ý làm hư hỏng tài sản". 

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu cần yêu cầu Sở Tài chính định giá lại tài sản đối với kính chắn gió bị ông Sử đập bể.

Khi Công an huyện Vĩnh Cửu đề nghị Sở Tài chính (Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng của tỉnh Đồng Nai) tiến hành định giá thì cơ quan này có văn bản từ chối xác định giá trị còn lại của tấm kính xe. Lý do: không có căn cứ để xác định giá trị thực còn lại của kính xe vào thời điểm xảy ra vụ án.

Giải thích việc dùng kết quả giám định để ra kết luận điều tra bổ sung lần 3, Công an huyện Vĩnh Cửu cho hay: "Sở Tài chính từ chối vì cho rằng kính xe bị đập vỡ, không còn nguyên hiện trạng để đánh giá chất lượng". 

Theo công an huyện, Sở Tài chính giải thích kính xe là một bộ phận của xe, không thể tính khấu hao theo cách tính nguyên giá của toàn bộ chiếc xe. Đó là chưa kể còn nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, cách bảo quản cũng ảnh hưởng đến chất lượng. 

Đây là cơ sở để cơ quan điều tra dùng kết quả giám định cũ để đề nghị truy tố bị can Sử.

Nói thêm về vụ án này, một người có trách nhiệm của Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho biết trong thực tế có những vụ xảy ra tương tự như vụ của ông Sử nhưng do cách vận dụng pháp luật nên có nơi định giá tài sản qua sử dụng phải tính khấu hao, có nơi không tính khấu hao. 

Viện KSND tỉnh Đồng Nai từng đề nghị tỉnh nên có ý kiến với Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết, tránh mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, vận dụng khác nhau.

Luật gia Phạm Đức Toàn (chuyên gia về bảo hiểm):

Có quyền đề nghị định giá lại

Thực tiễn đối với ngành bảo hiểm thì không tính khấu hao khi thay mới kính xe. Chỉ có một số bộ phận quan trọng của xe thì có đơn vị áp dụng khấu hao.

Trong khi theo quy định, khấu hao giá trị tài sản được tính trên tổng thể giá trị tài sản, hàng hóa. Như vậy nếu ôtô cũ, căn cứ vào niên hạn sử dụng, đơn vị bảo hiểm căn cứ khung khấu hao chung chứ không tính riêng kính xe.

Hiện nay kính chắn gió phía sau ôtô thì tùy dòng xe, đời xe, hãng xe mà có giá (giá kính mới) khác nhau. Kính xe chính hãng sẽ khác so với kính "lô".

Đương nhiên hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải áp dụng các quy định chặt chẽ về định giá để làm cơ sở xử lý hình sự.

Tuy nhiên, người bị buộc tội vẫn có quyền đề nghị trưng cầu định giá lại nếu cho rằng kết quả đó là thiếu căn cứ, thiếu khách quan.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên