09/03/2021 12:31 GMT+7

Kỳ lạ con sên biển mất đầu tự tái tạo tim và toàn bộ cơ thể

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Các nhà khoa học Nhật phát hiện một số loài sên biển có khả năng tái tạo khó tin khi "mọc" lại tim và toàn bộ cơ thể sau khi "rụng" thân thể và chỉ sống với mỗi cái đầu.

Kỳ lạ con sên biển mất đầu tự tái tạo tim và toàn bộ cơ thể - Ảnh 1.

Sên biển Nhật Bản đứt đầu vẫn có thể sống tiếp và tái tạo toàn bộ cơ thể từ chiếc đầu - Ảnh: AP

"Điều kỳ diệu của tự nhiên" này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn và thực hành tốt hơn trong việc tái tạo mô của con người, theo báo cáo đăng ngày 8-3 trên tạp chí sinh học Current Biology.

Nhà sinh học Sayaka Mitoh rất thích nghiên cứu sên biển Nhật Bản vì chúng nhỏ, dễ thương và kỳ lạ. Chúng thậm chí có thể quang hợp giống thực vật. Vào một ngày ở phòng thí nghiệm, nghiên cứu sinh Mitoh nhìn thấy một chuyện kỳ lạ: một con sên biển tự "rụng" thân thể và phần đầu vẫn có thể sống và di chuyển.

Sau đó, một vài con sên biển khác cũng làm điều tương tự. Do đó, cô Mitoh và giáo sư Yoichi Yusa của ĐH Nara Women đã cắt rời phần đầu của 16 con sên biển. Sáu trong số này bắt đầu tái tạo cơ thể và có ba con thành công và sống sót. Một trong ba con sống sót thậm chí đã mất và tái tạo cơ thể những 2 lần.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Nhật cho thấy có hai loài sên biển khác nhau của Nhật Bản có khả năng tái tạo tuyệt vời này, theo Hãng tin AP.

Kỳ lạ con sên biển mất đầu tự tái tạo tim và toàn bộ cơ thể - Ảnh 2.

Sên biển chỉ còn đầu và đang tái tạo cơ thể - Ảnh: AP

Những sinh vật khác có thể tự rụng hoặc bỏ một phần cơ thể khi cần thiết, như một số loài thằn lằn có thể tự rụng đuôi khi gặp kẻ săn mồi. Đây là một cơ chế tự vệ của động vật để trốn tránh sự truy đuổi của kẻ thù.

"Chúng tôi nghĩ đây là trường hợp tự cắt bỏ triệt để nhất. Một số động vật có thể tự cắt bỏ hoặc rụng chân hoặc đuôi nhưng không có động vật nào khác có thể cắt đi toàn bộ cơ thể" - giáo sư Yusa nhận định.

Sau khi rụng thân thể, đầu sên biển vẫn có thể sống và di chuyển - Nguồn: YouTube/AP

Một con sên biển trưởng thành có thể dài đến 15cm. Các nhà khoa học từng nghĩ rằng một con vật lớn như vậy không thể sống mà không có một trái tim bơm máu và dưỡng chất lên não, theo nhà sinh vật biển Susan Anthony người Canada và không liên quan đến nghiên cứu trên.

Tuy nhiên, cả bà Anthony và ông Yusa đều giải thích rằng có một thứ có thể giúp loài sên biển Nhật Bản này sống mà không cần thân thể. Khi những con sên này ăn một loại tảo nhất định chúng có thể quang hợp thức ăn của chúng nhờ ánh sáng mặt trời và oxy trong không khí, giống thực vật, trong khoảng 10 ngày.

Ông Yusa cho biết điều có thể đã xảy ra sau khi sên biển "rụng" thân là chiếc đầu sẽ hoạt động như một cái cây. Đầu sên biển sẽ chuyển thành màu xanh lá và lấy năng lượng từ mặt trời và oxy để sống và tái tạo phần thân đã mất.

Nọc độc của ốc sên biển có thể chữa bệnh tim mạch và cao huyết áp Nọc độc của ốc sên biển có thể chữa bệnh tim mạch và cao huyết áp

Nọc độc của loài ốc sên hình nón ở biển có thể giúp bào chế một loại thuốc mới cho các bệnh nhân cao huyết áp và có bất thường về tim.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên